Việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó hơn rất nhiều

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp và nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Quang cảnh buổi công bố báo cáo

Quang cảnh buổi công bố báo cáo

Báo cáo "Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp" (Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform) vừa được công bố sáng nay, 20-4, tại Hà Nội.

Theo đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được – ông Vũ tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện.

Điểm qua một số kết quả đạt được của Chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, hai vấn đề trọng tâm đã có cải thiện tích cực là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Báo cáo chi tiết về vấn đề này cũng cho thấy, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại. Riêng chỉ số “Đăng ký bất động sản và quản lý đất đai” hầu như không có sự thay đổi điểm số qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Mức độ cải thiện lĩnh vực đăng ký tài sản năm 2020 giảm điểm đôi chút so năm 2019, từ mức 60,7% xuống còn 60,2%.

Việc thực hiện thủ tục về đất đai vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện thực tế trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn về thủ tục đất đai trong 2 năm qua giảm từ 39% năm 2019 xuống 29% năm 2020. Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% doanh nghiệp gặp phải), việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%)…

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/viec-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-trong-5-nam-toi-se-kho-hon-rat-nhieu-726352.html