Việc Ðảng, chuyện đời ở vùng đất trên mây

Na Hang, theo nghĩa tiếng Tày là mảnh ruộng cuối, là một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Ðã là ruộng cuối, lại ở vùng cao thì chẳng cần giải thích nhiều ai cũng hiểu mảnh đất này sẽ luôn đối mặt với những khó khăn. Tuy nhiên, việc Ðảng, chuyện đời mà chúng tôi ghi được ở đây cho thấy những nỗ lực của đảng bộ và nhân dân trong huyện đang từng ngày xây dựng cuộc sống mới, nhất là ở xã Hồng Thái.

Nếp nghĩ mới, cách làm mới

Ngược dốc và chỉ có dốc là những cảm nhận khi về Hồng Thái, một xã của huyện vùng cao Na Hang. Xã có độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, với điểm cao nhất lên tới 1.287 m. Mới cuối thu, nhưng cái rét ngọt như thấm vào da thịt. Từng đám mây trắng bồng bềnh, quyện vào nhau lờ lững trong thung lũng lùi dần khi xe chúng tôi vượt độ cao 800 m. Cảm giác mây đuổi sau lưng, mây bồng bềnh dưới chân, khiến nhiều người gọi đây là vùng đất trên mây.

Ở đây, mùa hè có khí hậu khá mát mẻ. Mùa đông thường đến sớm rồi đi muộn hơn những nơi khác. Bao năm trước, những điều kiện về khí hậu, thiên nhiên là trở ngại lớn trong phát triển kinh tế của đồng bào người Mông, người Dao nơi đây. Bí thư Ðảng ủy xã Hồng Thái Ðặng Ðức Toàn nhớ lại, tự sản tự tiêu, an phận thủ thường là "hàng rào" lớn quây quanh bếp lửa nhà sàn, khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân. Chẳng thế mà mãi tận tới năm 2012, trong số hơn 300 hộ dân của bảy thôn có tới gần 60% là hộ đói, nghèo.

Cuộc sống ở đây đã khác nhiều so với trước. Con đường trải nhựa đã "kéo" xã như gần hơn với trung tâm cụm xã khu C và với thị trấn huyện. Có đường, có điện, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đã dần thay đổi nhận thức của người dân. Là người con của đồng bào Dao, sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ cán bộ đoàn xã, rồi Chủ tịch UBND và bây giờ là Bí thư Ðảng ủy xã, không ai hiểu Hồng Thái bằng anh Toàn. Trên đường đi xuống thôn, anh Toàn hồ hởi cho biết, Hồng Thái đang trong "cuộc cách mạng mới". Ðó là đổi mới nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao và xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thái đã nhiều lần ban hành nghị quyết phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, kết quả không đạt như mong muốn, sự chuyển biến nhận thức của người dân chậm, cho nên có chương trình không thành công. Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân tiến tới thoát đói, nghèo? Trong khi đất vườn rừng thì rộng, ruộng đã ít nhưng lại chỉ làm một vụ còn lại bỏ hoang. Vấn đề này đã được tập thể Ban chấp hành kiểm điểm nghiêm túc và đề ra biện pháp khắc phục khi xây dựng Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ đó, đề ra biện pháp tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tinh thần tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên và bắt đầu ở chính các chi bộ thôn, bản. Rút kinh nghiệm từ việc phát triển một số cây trồng trước đây, Ðảng ủy xã đã phân công từng thành viên phụ trách thôn trong việc vận động người dân và đưa chỉ tiêu cụ thể vào nghị quyết của từng chi bộ thôn; thực hiện trồng thí điểm để tạo niềm tin trong nhân dân.

Câu chuyện phát triển vùng chè đặc sản ở đây là một thí dụ. Cây chè shan tuyết vốn đã xuất hiện từ lâu ở vùng đất này, nhưng chưa được chú trọng cho nên diện tích manh mún. Xã đã phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang thực hiện dự án Cải tạo phục hồi các vườn chè shan tuyết nhằm bảo tồn, lưu giữ nguồn gien. Tiếp đó, cùng Công ty cổ phần Chè Sông Lô đầu tư phát triển giống chè đặc sản, có giá trị kinh tế cao là Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên. Xã áp dụng hình thức dân góp đất nhưng vẫn đứng tên chủ sở hữu; doanh nghiệp giúp vốn, giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Chính điều đó đã xóa đi những băn khoăn của người dân về quyền sở hữu đất và dốc sức thực hiện dự án. Ðến nay, chè shan đã thành vùng với hơn 60 ha; chè Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên cũng đã trồng được 30 ha và bắt đầu cho thu hái. Ông Lý Văn Ðình, thôn Khuổi Phầy cho biết, gia đình trồng hơn 3 ha chè giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Ðược cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nên vườn chè phát triển rất nhanh. Vụ đầu bán chè tươi, gia đình ông thu 10 triệu đồng. Năm nay, mưa nhiều hứa hẹn thu nhập sẽ khá hơn. Ðược biết, mỗi ki-lô-gam búp tươi được thu mua 15 nghìn đồng, trong khi ở các huyện vùng thấp, giá chè búp tươi chưa đến 5 nghìn đồng/kg.

Vẫn bằng phương thức liên doanh như vậy, các loại cây rau vụ đông được đưa vào trồng trong vụ hè thu cũng đã mang lại thành công. Trên đồi, là mầu xanh ngút mắt của những vườn su su; dưới ruộng là những luống rau bắp cải được trồng ngay hàng, thẳng lối. Cứ hai ngày một lần, Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Hồng Thái (thành viên của Công ty cổ phần đất hiếm toàn cầu Tuần Châu, Quảng Ninh) lại lên thu gom toàn bộ sản phẩm. Ước tính, giá trị mỗi héc-ta rau trái vụ ở đây gấp bốn lần trồng lúa. Anh Toàn cho biết thêm, thành công bước đầu đã mang đến niềm tin cho người dân; dự kiến năm 2018 sẽ nhân rộng, phấn đấu tất cả diện tích đất lúa một vụ sẽ được trồng rau trái vụ.

Chuyển biến từ chi bộ

Ðảng bộ xã Hồng Thái có 156 đảng viên sinh hoạt tại bảy chi bộ thôn, bản và bốn chi bộ cơ quan, nhà trường, trạm y tế. Các chi bộ đều tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày đầu tháng để kiểm điểm, đánh giá công việc tháng trước và triển khai kịp thời công tác trong tháng. Bí thư chi bộ thôn Khuổi Phầy Hoàng Văn Tài cho biết, trước đây, mỗi kỳ sinh hoạt thường diễn ra nhanh chóng, bởi chẳng biết nói gì ngoài việc phổ biến những văn bản cấp trên chuyển xuống. Ðảng viên rảnh rỗi thì đến, bận thì thôi. Hiện nay, các kỳ sinh hoạt chi bộ đã có nội dung chuyên đề cụ thể, chủ yếu bàn chuyện phát triển kinh tế. Như kỳ họp tháng 4, có nội dung chính là tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chuồng trại chăn nuôi, phòng chống bệnh dịch mùa hè; triển khai thu hoạch chè, trồng cây su su. Kỳ sinh hoạt tháng 10 vừa qua, bàn về tập trung thu hoạch lúa mùa và triển khai các biện pháp phòng chống rét cho gia súc trong mùa đông. Chi bộ cũng phân công bảy đảng viên phụ trách các gia đình cụ thể, ghi rõ công việc của từng gia đình cần giúp đỡ để kỳ sinh hoạt sau kiểm điểm trách nhiệm từng người. Từ việc làm sát sao đó, Khuổi Phầy dù là thôn xa và cao nhất của xã nhưng dẫn đầu trong phát triển kinh tế. Thôn có 38 hộ thì bình quân mỗi hộ có 3,5 con trâu; nhà nào cũng có ti-vi, xe máy, đến hộ nghèo cũng có hai con trâu.

Ðến thôn Bản Muông vào ngày người dân trong thôn tiến hành làm đường bê-tông và dựng nhà văn hóa; tham gia cùng người dân còn có các thành viên là cán bộ lãnh đạo các ngành, các huyện đang theo học lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn khóa 1 của tỉnh đi thực tế ở xã. Người vận chuyển xi-măng, người đánh vữa, san, gạt, đầm nền tạo nên một bức tranh ấm tình đoàn kết. Bí thư chi bộ thôn Bản Muông Bàn Tiến Ðoàn cho biết, xi-măng làm đường và khung nhà sàn bê-tông đúc sẵn đã được tỉnh cấp, nhưng ở vùng đất toàn là dốc thì việc kiếm được mảnh đất từ 400 đến 500 m2 làm nhà văn hóa là rất khó khăn. Trưởng thôn Ðặng Hồng Quang đã bàn bạc với vợ, con và tự nguyện hiến mảnh đất trồng ngô của gia đình để làm nhà văn hóa. Hành động vì cộng đồng của anh Quang được người dân trong thôn đánh giá rất cao.

Hồng Thái không chỉ có anh Quang mà nhiều đảng viên cũng xung kích trong phát triển kinh tế và nêu gương trong cuộc sống được bà con tin yêu, mến phục như Lý Văn Páo, Ðặng Văn Nghị,... Những tấm gương đó khiến quần chúng nhân dân cảm phục và thêm tin yêu Ðảng. Vì vậy, từ năm 2015 đến nay, Ðảng bộ xã đã kết nạp được 16 đảng viên. Ðảng viên đi trước, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, bài học sâu sắc được đúc kết của Ðảng đã được vận dụng thành công ở Hồng Thái.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34530802-viec-ðang-chuyen-doi-o-vung-dat-tren-may.html