Vidocq - từ hiện thực vào trang sách

Trong lịch sử ngành cảnh sát thế giới ít có người nào sở hữu danh tiếng như Eugène Francois Vidocq (chưa rõ năm sinh, năm mất), Giám đốc Sở cảnh sát Paris và là vị thám tử thiên tài người Pháp. Sau nhiều năm tháng vào lao ra khám, Vidocq đi từ tên trộm khét tiếng để trở thành một viên cảnh sát xuất sắc có một không hai.

Chàng trai trẻ người Pháp dành nhiều năm lang thang khắp châu Âu, rồi dừng lại tại thủ đô Brussels của Bỉ. Vidocq kiếm tiền bằng việc làm cảnh giới cho một băng đảng bạc bịp. Đây là lúc Vidocq tham gia vào một trong những vụ lừa đảo ấn tượng nhất trong lịch sử Bỉ cho đến lúc đó: cùng một lúc hai ngàn tên lừa đảo tập hợp lại, giả danh làm một tiểu đoàn lính Bỉ đang hành quân.

Nhóm lừa đảo này đến thành phố nào thì cũng đưa giấy tờ quân sự giả cho chính quyền địa phương rồi yêu cầu họ cấp quân nhu, cấp tiền. Phải đến khi quân đội Bỉ thật vào cuộc thì băng nhóm lừa đảo đó mới bị bắt. Vidocq chạy trốn đến Paris thì bị bắt và bị tống vào tù.

Vidocq vào tù cũng giống như cá gặp nước. Anh chàng học được đủ mọi ngón nghề từ những tên lừa đảo, trộm cắp, làm giả khét tiếng nhất đất nước. Cộng với khả năng bẩm sinh, Vidocq trở thành một bậc thầy trong thế giới ngầm ở Pháp. Ông ta từng bị bắt nhiều lần, nhưng lần nào cũng trốn được trong vòng ba tháng theo những cách vô cùng kỳ khôi, đơn cử như việc đóng giả một vị nữ tu chẳng hạn.

Tuy thế, sau một lần bị chính đồng bọn phản bội, Vidocq đưa ra lời đề nghị với sở cảnh sát Lyon: thả mình ra, và Vidocq sẽ giúp họ bắt giữ tất cả những tên trộm cắp trong thành phố. Và ông ta đã làm đúng như những gì đã hứa hẹn với cảnh sát.

Chân dung Vidocq.

Chân dung Vidocq.

Sau khi được tự do, Vidocq tiếp tục làm nghề trộm cắp, lừa đảo và còn bị kết án tử hình nữa. Vidocq trốn khỏi tù, rồi lại cải trang để đến pháp trường. Thay vì Vidocq là một người bạn cũ của ông phải lên máy chém. Cảnh chém đầu đã có tác động mạnh lên Vidocq. Ông thề từ bỏ con đường tội ác mà hoàn lương. Để được cảnh sát xóa các tội danh trong quá khứ, Vidocq trở thành nội gián thâm nhập nhiều băng nhóm tội phạm khét tiếng đương thời. Đã nhiều lần suýt nữa ông bị phát hiện, nhưng Vidocq tìm được cách sống sót. Thế rồi sau gần hai năm làm nội gián, ông chính thức trở thành người tự do và là một nhân viên điều tra của Sở cảnh sát Paris.

Vidocq là người đầu tiên có ý tưởng thành lập một đội cảnh sát mặc thường phục trên thế giới mang tên La Brigade de Sreté. Điều đáng ngạc nhiên hơn, Vidocq tuyển dụng toàn những đồng bọn trộm cắp, lừa đảo của mình vào La Brigade de Sreté.

Có rất nhiều người ban đầu phản đối Vidocq, nhưng dần dần họ cũng phải thừa nhận sự sáng suốt của ông. Một tên trộm thuộc lại “cao thủ” có thể dễ dàng qua mặt cảnh sát, ấy thế nhưng hắn lại gần như không thể qua mặt một tên trộm khác. Chỉ trong vòng mười năm, La Brigade de S#reté đã bắt giữ, tống vào tù hàng nghìn tên tội phạm khác nhau, trong đó có những đối tượng nguy hiểm đến mức bị xét án tử hình chỉ vài tiếng sau khi bị bắt.

Thành tích đáng kể nhất của Vidocq là bắt giữ được băng cướp khét tiếng nhất Paris khi đó. Chúng ăn cướp bằng cách phá cửa nhà, rồi dùng lửa lò than để đe dọa gia chủ phải đưa hết tiền bạc, trang sức. Vidocq đã bí mật thâm nhập vào băng cướp này và lấy được lòng tin của chúng, cùng lúc phải căng mình đấu trí với Prudence Pezé, biệt danh “Con sói Rainecourt”, “bà trùm” 72 tuổi lãnh đạo băng cướp. Cuối cùng thì Vidocq cũng lập được một cái bẫy để tóm gọn băng cưới, trong đó có cả bà trùm.

Charles X lên ngôi vua Pháp năm 1824. Khác với người cha của mình, Charles X là một ông vua bảo thủ và rất không ưa những người từng là tội phạm như Vidocq trong ngành cảnh sát. Dưới sự chèn ép của cấp trên và đồng nghiệp, Vidocq buộc phải xin nghỉ hưu sớm. Ông viết một cuốn hồi ký về đời mình, vừa để lấy danh tiếng, vừa nhằm kiếm số tiền đủ để lập ra nhà máy giấy tại ngoại ô Paris. Vì không còn lãnh đạo La Brigade de Sreté nữa nên Vidocq muốn giúp các cựu tù hoàn lương bằng cách biến họ trở thành công nhân làm giấy. Thế nhưng lại một lần nữa việc làm của Vidocq bị phản đối, thậm chí là phá hoại, và ba năm sau nhà máy giấy phải đóng cửa.

Một bức tranh miêu tả Vidocq thời trẻ đang chạy trốn khỏi cảnh sát.

Trong thời kỳ Vidocq nghỉ hưu, tỷ lệ tội phạm tại Paris tăng lên gấp hai, ba lần. Nhiều đối thủ cũ của ông ở sở cảnh sát cũng phải từ chức. Cuộc cách mạng 1830 lật đổ Charles X, đưa Louis-Phillipe lên ngôi và phục hồi chức lãnh đạo La Brigade de Sreté cho Vidocq.

Để giải quyết vấn đề tội phạm, Vidocq mở nhiều chiến dịch điều tra, truy bắt các đối tượng trộm cướp, lừa đảo. Chưa bao giờ mà cảnh sát Pháp lại làm việc gắt gao như thế. Các vụ truy đuổi, bắn nhau đầy kịch tích trở thành “chuyện thường ngày” ở Paris. Những sỹ quan ngầm còn sẵn sàng phạm tội để nhận được sự tin tưởng của đồng bọn. Tuy đạt được thành công rực rỡ, nhưng các biện pháp quá quyết liệt của Vidocq cũng khiến ông trở thành kẻ thù của báo chí và người dân. Ông đành phải nộp đơn từ chức lần thứ hai.

Sau khi nghe được tin ở nước Mỹ đã xuất hiện các văn phòng thám tử tư, Vidocq cũng thành lập một công ty điều tra riêng cho mình tại Paris. Văn phòng thám tử Bureau des Renseignements chuyên làm công việc đòi nợ và giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo lấy lại tiền của mình. Nhân đà này Vidoq cũng bắt đầu thử nghiệm một số phương pháp điều tra mới: phân tích máu, phân tích đường đạn, và lập cơ sở dữ liệu tội phạm, v. v...

Những kinh nghiệm mà Vidoq có đều được đúc kết trong cuốn sách thứ hai của ông. Chỉ qua một đêm ngắn mà tác phẩm đó lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất Paris. Ngay cả đại văn hào Balzac cũng là độc giả trung thành của tác phẩm. Sau này Balzac và Vidocq trở thành bạn thân, rồi Balzac đưa nhiều tình huống từng xảy ra với Vidocq vào trong bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời” lừng danh của mình. Một nhà văn lớn khác đương thời lúc đó là Victor Hugo lại sử dụng Vidocq làm hình mẫu trong hai nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết vĩ đại “Những người khốn khổ”: người tù khổ sai Jean Valjean và thanh tra Javier!

Tuy gặt hái được nhiều thành công, nhưng Vidocq cũng dính phải không ít tai tiếng. Vì có liên quan đến việc rửa tiền cho một loạt các quan chức tham nhũng mà Vidocq phải hầu tòa. Trước tòa bên công tố còn đưa ra một loạt các hành vi phạm pháp khác mà Vidocq và văn phòng thám tử tư từng thực hiện.

Tuy vụ án kết thúc có lợi cho Vidocq, nhưng danh tiếng của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vidocq cuối cùng đành phải đóng cửa văn phòng, rồi tự mình trở thành thám tử tự do. Ông làm việc điều tra thêm nhiều năm nữa, thậm chí đôi khi còn hỗ trợ cảnh sát Pháp trong một vài vụ án phức tạp. Lần cuối cùng Vidocq phải vào tù là năm 1849 do tội giả danh một vị mục sư nhằm thâm nhập vào nhà của đối tượng điều tra. Sau khi ra tù, Vidocq quyết định nghỉ hưu hẳn. Ông chết tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi.

Mặc dù đã qua đời, song Vidocq và cuộc đời kỳ thú của ông tiếp tục là niềm cảm hứng dồi dào cho nhiều thế hệ nghệ sỹ. Rồi nữa, ông là hình mẫu cho hai nhân vật truyện trinh thám trứ danh: siêu trộm Arsène Lupin (của Maurice Leblanc) và thám tử Auguste Dupin (của Edgar Allan Poe).

Không chỉ có thế, Vidocq còn xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết, kịch nói, phim truyền hình nổi tiếng khác, như: L'Évasion de Vidocq, Les Nouvelles Aventures de Vidocq và L'Empereur de Paris. Chắc chắn cái tên Vidocq sẽ còn tiếp tục sống mãi trong lịch sử của ngành cảnh sát Pháp nói riêng và châu Âu nói chung cũng như trong trí tưởng tượng của mỗi chúng ta, những người yêu văn học nghệ thuật.

Hội Vũ (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-su-kien-noi-bat/vidocq-tu-hien-thuc-vao-trang-sach-612872/