Video tàu lớn nhất của hải quân Iran cháy ngùn ngụt rồi đắm trên Vịnh Oman

Đám cháy đã bùng lên trên tàu Kharg, tàu lớn nhất của hải quân Iran. Dù lực lượng cứu hộ liên tục dập lửa, con tàu đắm sau gần 20 tiếng.

Tàu lớn nhất của hải quân Iran chìm gần cảng Jask. Ảnh: DM

Tàu lớn nhất của hải quân Iran chìm gần cảng Jask. Ảnh: DM

Daily Mail dẫn nguồn các hãng tin Iran cho biết tàu Kharg chở 400 thủy thủ đang trong một buổi tập luyện thì bị cháy gần cảng Jask trên Vịnh Oman vào chiều 1/6 (theo giờ địa phương). Toàn bộ thủy thủ được sơ tán lên bờ trước khi lực lượng cứu hỏa tham gia dập cháy nhưng vẫn không cứu được con tàu.

Sau khoảng 20 tiếng, tàu Kharg chìm xuống vùng biển ở cửa Eo biển Hormuz vào sáng 2/6.

Hiện chưa rõ đám cháy bùng phát ra sao. Người phát ngôn của chính phủ Iran với hãng thông tấn Tasnim rằng con tàu chở khoảng 400 thủy thủ và thực tập sinh khi xảy ra sự cố. Khoảng 20 người đã bị bỏng nhẹ trước khi con tàu được sơ tán và không ai bị thương nặng.

Video tàu của hải quân Iran cháy trên biển (Nguồn: Daily Mail)

Người phát ngôn cho biết thêm, nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra và sẽ sớm được công bố.

Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Iran cho thấy thủy thủ mặc áo phao sơ tán khỏi tàu khi ngọn lửa bùng cháy sau lưng họ.

Thủy thủ mặc áo phao rời tàu khi lửa cháy phía sau lưng. 20 thủy thủ bị thương nhẹ do bỏng trong vụ việc, nhưng không ai bị thương nặng.

Vị trí tàu Iran đắm ở Vịnh Oman.

Truyền hình nhà nước và các hãng thông tấn bán chính thức gọi Kharg là “tàu huấn luyện”. Kharg đóng vai trò là một trong số ít tàu của hải quân Iran có khả năng cung cấp lực lượng bổ sung trên biển cho các tàu khác. Con tàu có thể tải hàng hóa nặng và dùng làm điểm cất cánh cho máy bay trực thăng.

Ban đầu, tàu Kharg được đặt hàng từ nhà sản xuất tàu Swan Hunter của Anh vào những năm 1970 bởi Shah Mohammad Reza Pahlavi - một đồng minh của phương Tây - trước cuộc Cách mạng năm 1979 khiến ông mất quyền lực và phải sống lưu vong.

Sau cuộc Cách mạng, tàu Kharg đã trở thành trung tâm tranh chấp chính trị và việc chuyển giao nó đến Iran bị đình trệ nhiều lần. Lần đầu tiên là vì cuộc khủng hoảng con tin khiến nhiều người Mỹ bị giam giữ ở Tehran từ năm 1979 đến năm 1981; tiếp đến là vụ bắt giữ công dân Anh, Andrew Pyke ở Iran.

Tàu Kharg được đóng từ thập niên 1970. Ảnh: DM

Con tàu cuối cùng được bàn giao cho Iran vào năm 1984, sau khi cuộc khủng hoảng con tin kết thúc và Pyke được trả tự do, với lý do đây là tàu hỗ trợ và không thể được sử dụng trong các chiến dịch tấn công.

Vụ chìm tàu Kharg chỉ là một trong những thảm họa hải quân mới nhất đối với Iran. Năm 2020, trong một cuộc tập trận của quân đội Iran, một tên lửa đã tấn công nhầm tàu hải quân gần cảng Jask, khiến 19 thủy thủ thiệt mạng và 15 người bị thương.

Trong năm 2018, một tàu khu trục của hải quân Iran bị chìm ở Biển Caspi. Tiếp đó, năm 2019, một loạt vụ nổ và hỏa hoạn trên các tàu chở dầu liên quan đến cả Iran và Saudi Arabia quanh Bán đảo Ả-rập đã đẩy hai bên đến bên bờ vực chiến tranh.

Các vụ nổ bắt đầu vào tháng 5/2018 khi 4 tàu chở dầu - 2 chiếc gắn cờ Saudi Arabia, một chiếc gắn cờ Na Uy và một chiếc mang cờ Tiểu vương quốc Arab- bị hư hại gần bờ biển UAE. Sau đó vào tháng 6, hai tàu Front Altair và Kokuka Courageous bị hư hại trong một đám cháy. Các cơ quan tình báo Mỹ được Anh và Saudi Arabia hậu thuẫn sau đó cáo buộc Iran đã gắn mìn vào mạn tàu chở dầu, làm thủng thân tàu gây cháy.

Vào tháng 10/2019, Iran báo cáo rằng một trong các tàu chở dầu của họ đã trúng hai tên lửa ở Biển Đỏ, từ phía bên kia của Bán đảo Arab. Tehran cáo buộc đây là một “cuộc tấn công khủng bố”.

Năm 2020, Iran lại hứng chịu một loạt vụ hỏa hoạn lớn bùng phát trên đất liền - làm dấy lên tin đồn về các hoạt động phá hoại. Vụ nổ nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 7 tại cơ sở hạt nhân Natanz gây ra thiệt hại đáng kể, mặc dù các quan chức Iran cho biết các hoạt động của cơ sở này không bị ảnh hưởng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Daily Mail)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/video-tau-lon-nhat-cua-hai-quan-iran-chay-ngun-ngut-roi-dam-tren-vinh-oman-20210602161247923.htm