Video SpaceX đưa chó robot điều tra xác tàu vũ trụ nổ tung

SpaceX đã sử dụng chó robot có tên Zeus tham gia điều tra tại hiện trường xác tàu vũ trụ Starship SN10 nổ tung 10 phút sau khi chạm xuống bệ phóng hôm 3/3 vừa qua.

Chó robot Zeus tại cơ sở thử nghiệm của SpaceX tại Boca Chica, Texas.

Chó robot Zeus tại cơ sở thử nghiệm của SpaceX tại Boca Chica, Texas.

Robot 4 chân, màu vàng được phát hiện đang chạy "lon ton" tại cơ sở thử nghiệm của SpaceX tại Boca Chica bang Texas, Mỹ ngày 4/3 khi thiết bị này điều tra hiện trường vụ nổ tàu vũ trụ Starship SN 10.

Hôm 3/3, công ty hàng không vũ trụ SpaceX ghi nhận cú hạ cánh thành công đầu tiên của tàu Starship, tuy nhiên, con tàu vũ trụ này đã đột ngột nổ tung ngay trước mắt các nhà nghiên cứu và người hâm mộ dự án.

Vụ nổ xảy ra trong cuộc thử nghiệm tại cơ sở Boca Chica. Đây là mô hình thứ ba của tàu Starship được SpaceX thử nghiệm. Hai mô hình trước đó là SN8 và SN9 đều hứng chịu kết cục tương tự do khó khăn kỹ thuật.

Xem video chó robot Zeus tại hiện trường tàu Starship nổ tung:

Tới nay, SpaceX vẫn chưa tiết lộ lý do tàu SN10 nổ tung, nhưng một số dự đoán cho rằng nguyên nhân là do các chân hạ cánh của tàu đã không mở ra.

Video ghi lại về mô hình SN10 cho thấy tàu vũ trụ đang ở độ cao 9,6km rồi tìm cách tách động cơ để đạt khoảng cách hạ cánh mong muốn. Nhưng sau khi chạm nhẹ vào bệ phóng, con tàu đã phát nổ, trong lúc người hâm mộ bắt đầu ăn mừng thành công của dự án.

CEO của SpaceX, tỷ phú Elon Musk đã hoan nghênh chào đón khi con tàu đáp xuống bệ phóng, nhưng sau vụ nổ ông đã trở lại Twitter với dòng chữ: “RIP SN10, ra đi trong danh dự”.

Khoảnh khắc tàu Starship nổ tung khi vừa chạm xuống bệ phóng (Nguồn: DailyMail)

Các phiên bản tiền nhiệm của SN10 là SN8 và SN9 đều gặp phải các vụ nổ tương tự khi cố gắng hạ cánh thẳng đứng trong các chuyến bay thử nghiệm trước đó.

Theo SpaceX, khả năng hạ cánh thẳng đứng được thiết kế để phù hợp chở phi hành đoàn và hàng hóa trong thời gian dài, bao gồm cả “các chuyến bay liên hành tinh”, “du lịch đến sao Hỏa và xa hơn nữa”.

Sứ mạng của tàu Starship SN10 là nhằm thu thập dữ liệu về việc điều khiển tên lửa trong quá trình hạ cánh. Đây cũng là con tàu duy nhất trong số 3 chiếc đã chạm được tới bệ phóng, vì vậy nhiều người gọi sự kiện hôm 3/3 là một thành công hơn là một thất bại của Starship.

Bất kể sứ mạng đã diễn ra thế nào, phi hành đoàn SpaceX đã quay trở lại hiện trường để thu gom, xem xét các mảnh vỡ.

Tại hiện trường, tên lửa cao 50 mét đang nằm trên mặt đất, với phần chóp nón bị xé nhỏ thành nhiều mảnh và chỉ còn một cánh lật vẫn được gắn vào thân.

Ba động cơ Raptor, trị giá 1 triệu USD mỗi chiếc, nằm giữa các dây dợ, và thiết kế tròn của chúng trông giống như một nửa con sò.

Hình ảnh về xác tàu vũ trụ được đăng trên Twitter.

Tên lửa cao 50 mét nằm tại hiện trường, với phần mũi bị xé toác.

Chó robot được thiết kế bởi Boston Dynamics, hiện thuộc sở hữu của Hyundai, và xuất hiện lần đầu tiên tại cơ sở của SpaceX vào tháng 6/2020 khi công ty đang tiến hành thử nghiệm áp suất lạnh trên nguyên mẫu bể chứa mái vòm Starship SN7.

Robot có giá 75.000 USD này phù hợp để sử dụng trong nhà hoặc ngoài trời, có thể lập bản đồ môi trường, cảm nhận và tránh chướng ngại vật, leo cầu thang và mở cửa.

Nó có thể được giao nhiệm vụ đánh hơi khí hydrocarbon rò rỉ, kiểm tra thiết bị, đo các chỉ số cơ học và hoàn thành kiểm tra ở những khu vực có thể quá nguy hiểm đối với con người. Đó có thể là lý do SpaceX đã sử dụng robot này hôm 4/3 vừa qua.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Daily Mail)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/video-spacex-dua-cho-robot-dieu-tra-xac-tau-vu-tru-no-tung-20210305174132683.htm