Video Nga phóng 2 tên lửa mạnh nhất tại Biển Bắc

Quân đội Nga vừa tiến hành cuộc tập trận hạt nhân với màn phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 Yars và tên lửa Sineva.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 9/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dưới sự chủ trì của Tổng tư lệnh tối cao, Tổng thống Vladimir Putin, quân đội nước này đã tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân.

Trong diễn tập đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng tên lửa chiến lược trên cạn cùng tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Phương Bắc để tấn công mang lại hiệu quả cao nhất.

"Các vụ phóng tên lửa ICBM, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không với độ chính xác cao đồng loạt được thực hiện từ Sân bay vũ trụ thử nghiệm nhà nước Plesetsk, từ Biển Barents, cũng như máy bay Tu-160 và Tu-95ms", Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố.

Tên lửa RS-24 Yars rời bệ phóng.

Tên lửa RS-24 Yars rời bệ phóng.

Nguồn tin cho biết thêm, R-29RMU Sineva còn được gọi là RSM-54, là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm động cơ nhiên liệu lỏng của Nga. Mỗi quả tên lửa mang 10 đầu đạn, sức công phá mỗi đầu đạn là 100kT.

Hiện không rõ quãng đường bay của tên lửa này trong vụ phóng hôm 9/12, nhưng trong vụ phóng thử nghiệm hồi năm 2019, một tên lửa Sineva đã bay một quãng đường dài 11.547km. Điều này đã được báo cáo trong thử nghiệm tầm bắn đầu tiên của tên lửa.

Giới quân sự Nga khẳng định, cùng với sức mạnh của Sineva, tàu ngầm hạt nhân Nga có thể mai phục dưới lớp băng dày và tung ra những cú đánh chí mạng khiến đối thủ không thể trở tay.

Dù nội dung cuộc tập trận lần này của Nga được thực hiện chỉ nhằm kiểm tra sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân nhưng theo giới chuyên gia, việc phóng Sineva tại Biển Barents có liên quan đến hoạt động của phương Tây tại vùng biển này.

Vừa qua, Lầu Năm Góc cho biết Hải quân Mỹ đã điều 4 tàu chiến tới Biển Barents phía Bắc nước Nga lần đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây để thực hiện các chiến dịch an ninh vùng Bắc Cực.

Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh giới chức quốc phòng nước này liên tục cảnh báo các đối thủ như Nga và Trung Quốc ngày càng thách thức năng lực quốc phòng của Mỹ bằng các hoạt động trên không và trên biển giữa lúc dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Mỹ cáo buộc Nga những năm gần đây liên tục mở rộng các hoạt động tại Bắc Cực, nơi họ xem là có tầm quan trọng địa chiến lược về trữ lượng tài nguyên và quốc phòng. Giới phân tích cũng dự đoán khu vực này sẽ sớm trở thành tuyến đường biển đầy tiềm năng trong tương lai do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm tới Bắc Cực khi tuyên bố họ là "quốc gia cận Bắc cực" và để mắt tới các tuyến vận tải đường biển đi tới châu Âu ngắn hơn ở phương Bắc.

Hải quân Mỹ cho biết 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke có tên lửa dẫn đường là tàu USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt cùng tàu hộ tống, một tàu chiến thuộc lực lượng hải quân Hoàng gia Anh, đã tiến hành các hoạt động tại Bắc Cực để khẳng định quyền tự do đi lại và thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh.

Theo Hải quân Mỹ, lực lượng này đã không hoạt động tại Biển Barents từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước và họ cần phải làm quen với các điều kiện tác chiến trong khu vực này. Hải quân Mỹ cho biết Biển Barents nằm ở phía Bắc nước Nga nên Mỹ đã thông báo trước cho Moscow về kế hoạch triển khai nhằm tránh xung đột.

Phó Đô đốc Lisa Franchetti, Chỉ huy Hạm đội 6 của Mỹ nói: "Trong bối cảnh đầy rẫy những thách thức như hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng tôi cần phải duy trì sự hiện diện liên tục của mình với các chiến dịch trên khắp châu Âu, đồng thời phải có những biện pháp thận trọng nhằm bảo vệ sức khỏe của lực lượng".

Nhận định về động thái của Mỹ, chuyên gia Alexandr Perendzhiev của Nga cho rằng NATO do Mỹ dẫn đầu không muốn duy trì thực trạng hiện nay và muốn gia tăng áp lực lên Nga.

Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh thông qua khung chính sách quốc gia ở Bắc Cực tới năm 2035: "Khuôn khổ này là một tài liệu hoạch định chiến lược trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia của Liên bang Nga, và được thiết kế vì mục đích bảo vệ các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga ở Bắc Cực".

Về mặt quân sự, quân đội Nga cũng đang gấp rút thúc đẩy triển khai mái vòm phòng không tại khu vực Bắc Cực. Theo kế hoạch, trong những năm tới, tất cả các trung đoàn đóng tại khu vực Bắc Cực của Nga sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Chuyên gia Nga Alexei Podberezkin đánh giá: "Theo kế hoạch dài hạn về xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ở đây sẽ thiết lập một trường radar liên tục bao quanh biên giới để sớm phát hiện và tiêu diệt các loại tên lửa khác nhau".

Theo ông, đường biên giới phía Bắc của Nga đang thu hút sự chú ý mà lý do đầu tiên là do khu vực này dễ bị tên lửa tấn công vì có tầm bay ngắn hơn.

Lý do thứ hai là "cuộc chiến chia đất Bắc Cực" đã bắt đầu với sự tham gia ngày càng tích cực của các quốc gia ngoài vùng Bắc Cực, ở đó "mỗi quốc gia đều tìm cách chỉ định lĩnh vực ảnh hưởng của mình".

Nga phóng RS-24 Yars

Nga phóng tên lửa Sineva

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/video-nga-phong-2-ten-lua-manh-nhat-tai-bien-bac-3424024/