Video: Hướng dẫn chi tiết cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh

Việc rửa mũi đúng cách sẽ giúp bé dễ thở hơn. Đồng thời vệ sinh mũi cho bé cũng giúp ngăn chặn vi khuẩn lây lan.

Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu vì thế bé rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Khi đường thở của bé bị tắc nghẽn sẽ khiến bé khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn.

Xem clip: Cách rửa mũi cho trẻ

Vì vậy mẹ cần rửa mũi cho bé để giúp bé thoải mái hơn. Đồng thời việc rửa mũi cũng sẽ giúp ngăn chặn các loại vi khuẩn tấn công họng, và tai của bé.

Sau đây là hướng dẫn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh an toàn từng bước:

Chuẩn bị: Khi bé có dấu hiệu thở khò khè, sổ mũi, nghẹt mũi, ho…mẹ có thể rửa mũi cho bé để giúp làm thông thoáng đường thở. Các dụng cụ cần chuẩn bị bao gồm nước muối sinh lý (mẹ nên mua loại có đầu tròn để không làm tổn thương mũi bé), khăn xô sạch, dụng cụ hút mũi nếu cần, miếng lót chống thấm.

Rửa mũi giúp bé hô hấp dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa)

Bước 1: Mẹ trải miếng chống thấm trên giường và giữ bé nằm đầu nghiêng sang một bên.

Bước 2: Mẹ lót khăn xô dưới cổ và đầu bé để thấm nước chảy ra.

Bước 3: Mẹ đặt đầu lọ nước muối vào sát lỗ mũi của bé. Sau đó ấn nhẹ lọ nước muối khoảng 2 đến 3 giây để làm lỏng dịch nhầy và làm ẩm niêm mạc mũi. Lặp lại với lỗ mũi còn lại.

Bước 4: Mẹ dùng khăn xô mềm thấm lau nước mũi chảy ra.

Bước 5: Nếu dịch nhầy trong mũi bé đặc thì mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để lấy chất nhầy ra. Mẹ đợi khoảng 2 đến 3 phút sau khi nhỏ mũi rồi lấy dụng cụ hút dịch nhầy ở cả hai lỗ mũi của bé.

Những lưu ý khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh

- Mẹ nên vệ sinh mũi cho bé trước khi ăn để tránh nôn trớ.

- Rửa mũi lúc bé còn thức vì khi bé mở miệng nước mũi sẽ không chảy vào họng.

- Tránh dùng miệng hút mũi cho bé vì có thể lây nhiễm vi khuẩn có hại cho bé.

- Hạn chế rửa mũi cho bé quá nhiều nếu bé không bị sổ mũi nghẹt mũi vì chất nhầy tự nhiên trong mũi bé giúp ngăn chặn bụi bẩn và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.

- Mẹ nên mua nước muối sinh lí của các hãng uy tín và kiểm tra kĩ hạn sử dụng trước khi sử dụng.

Các trường hợp cần đưa bé đi khám bác sĩ

- Bé bị sốt

- Bé phát ban

- Nghẹt mũi đi kèm với sưng trán, mắt, mũi hoặc má.

- Nghẹt mũi kéo dài hơn hai tuần.

- Bé khó thở hoặc thở nhanh.

- Bé biếng ăn.

- Bé mệt mỏi hoặc bị đau.

Theo bác sĩ Trần Văn Công cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, bơm rửa mũi là cách rửa mũi mà bơm nước vào bên này sau đó nó chảy ra bên kia. Đây là phương pháp gây nhiều tranh cãi nhất về vấn đề gây ra viêm tai giữa.

Vậy có nên làm phương pháp này không?

Hoàn toàn có thể nếu phụ huynh được chỉ dẫn cách làm đúng và đứa trẻ hợp tác hoặc ít ra là không phản kháng. Bởi hầu hết trẻ con không ưa cách vệ sinh mũi này nên thường la khóc giãy đạp rất mạnh. Như vậy thì không nên dùng phương pháp này cho trẻ, vì nhầy mũi chưa lấy được mà đã làm con hoảng sợ, đó cũng là một loại chấn thương tâm lý. Chỉ có trẻ nhỏ mấy tháng đầu hoặc những trẻ được làm từ nhỏ xíu và đã quen thì mới chịu phương pháp này. Và cũng chỉ nên sử dụng biện pháp bơm rửa mũi khi các phương pháp trên không hiệu quả, trẻ còn nghẹt mũi nhiều do nhiều nhầy ở sâu.

Theo Lê Ánh (Dịch từ Aboutkidshealth) (Khám phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/lam-me/video-huong-dan-chi-tiet-cach-rua-mui-cho-tre-so-sinh-c10a334077.html