Victor Vũ: Câu chuyện làm phim và cảm xúc đầu tiên lên chức... bố

Victor Vũ vừa được mời tiếp tục giữ vai trò đạo diễn cho phim Mắt biếc (chuyển thể từ tập truyện Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh), sau thành công trước đây của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Anh đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới buổi phỏng vấn về câu chuyện làm phim của mình, đồng thời là cảm xúc đầu tiên khi anh lên chức... bố!

Đạo diễn Victor Vũ và các diễn viên nhí trong phim Tôi thấy hấy hoa vàng trên cỏ xanh

Được biết Victor Vũ sinh ra và trưởng thành ở nước ngoài, gần 30 tuổi mới về Việt Nam làm phim. Thế rồi, anh đã thành công với một tác phẩm chuyển thể văn học là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Anh tự đọc và cảm tác phẩm văn học, hay có ai đó “phiên dịch” ý nghĩa giúp?

Victor Vũ: Ngày nhỏ tôi không thích học tiếng Việt, vì nghĩ đơn giản tôi sống ở Mỹ thì cần gì phải nói tiếng Việt. Nhưng bố mẹ tôi buộc tôi và em trai phải học Việt ngữ, bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Việc phải nói tiếng Việt, và thực hiện các nghi thức văn hóa Việt vào ngày Tết, đám giỗ ông bà giúp tôi hình dung rõ hơn về nguồn cội.

Lúc tôi vào học trường đại học nghệ thuật tại Loyola Marymount University, nhờ nói được tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt mà tôi được bầu làm chủ tịch hội sinh viên Mỹ gốc Việt. Theo thời gian, đam mê về đất nước, con người Việt Nam càng ngày càng lớn hơn trong lòng tôi.

Khi tôi ngồi xuống viết kịch bản cho phim, trong đầu tôi xuất hiện tràn ngập hình ảnh Việt Nam. Tôi nhận ra trong tôi là sự kết hợp cả hai nền văn hóa Mỹ - Việt ,nhưng xu hướng nội tâm tôi nghiêng về cội rễ Việt Nam nhiều hơn.

Điều đó được chứng minh qua bộ phim tốt nghiệp có tựa đề là Pháo - “Firecracker”. Đây là bộ phim ngắn nói về tâm tình của người Việt Nam tại hải ngoại vào dịp năm mới. Sau đó, tôi cũng hoàn thành 2 bộ phim độc lập là Buổi sáng đầu năm, và Oan hồn. Cả hai đều đề cập đến giá trị văn hóa Việt.

Tôi là người cầu toàn nên chủ động trong tất cả các khâu cần thiết của một bộ phim. Việc đọc để cảm câu chuyện còn nằm trên giấy là điều vô cùng quan trọng của một đạo diễn.

Phải mất bao lâu để anh đọc và cảm được cái hay của Mắt biếc và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh?

Victor Vũ: Câu chuyện liên quan đến Mắt biếcTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh xem ra cũng khá dài dòng. Một lần, tôi nhận được kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từ công ty Phương Nam. Đọc xong, lần đầu tôi thấy kịch bản có hơi nhiều tuyến nhân vật, và tạm thời lúc đó tôi chưa nghĩ ra được cách kể chuyện qua góc nhìn của nhân vật nào. Đúng là thời điểm đó tôi chưa có đủ cảm hứng để khai thác tác phẩm.

Vô tình, một dự án khác ập đến, tôi buộc lòng gác lại Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Vài năm sau, vì muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn Nhật Ánh, tôi mua nhiều tác phẩm văn học của ông về đọc. Ngay sau khi tôi đọc hết 81 chương truyện Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, tôi đã thực sự xúc động trước chuyện tình cảm anh em. Có lẽ, vì tôi cũng có một người em trai rất giống nhân vật Tường trong tiểu thuyết. Tự nhiên lúc đó cảm hứng trỗi dậy trong tôi mạnh mẽ, khiến tôi lập tức muốn bắt tay vào dự án.

Kịch bản viết lại lần hai do chính tôi và biên kịch Đoàn Nhật Nam chấp bút. Tuy phải bỏ đi rất nhiều tuyến nhân vật và chi tiết hay, nhưng tôi cảm thấy hài lòng với một câu chuyện tập trung hơn.

Với Mắt biếc cũng vậy, tôi cần thêm thời gian để chiêm nghiệm tác phẩm. Khi chuyển thể, điều đầu tiên tôi cần là một hướng đi trong cách kể chuyện của mình — một cách thích hợp vừa có yếu tố điện ảnh mà vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm gốc.

Với kịch bản Mắt biếc, tôi chắp bút cùng với nhóm ATM (A – Type Machine ). Trong đó có Kay Nguyễn, đồng tác giả kịch bản phim Người bất tử. Khi bắt tay vào viết kịch bản này, tôi đã ở Việt Nam hơn 10 năm, và tôi đã thẩm thấu được nhiều giá trị mà trước đó tôi chưa từng cảm nhận được. Tôi đã hiểu Nguyễn Nhật Ánh bằng một tâm thế hoàn toàn mới.

Hỏi thật lòng, trước khi phát hành, Victor có tự tin phim chuyển thể văn học kiểu như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công lớn về doanh thu không?

Victor Vũ: Khi bắt tay thực hiện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi nghĩ đây là dòng phim chỉ dành cho đối tượng khán giả nhỏ. Trong đó đa phần là những người mê văn chương. Vì thế, tôi rất bất ngờ khi phim thành công lớn về doanh thu. Giờ nghĩ lại tôi thấy bộ phim thu hút công chúng vì ra mắt ngay đúng thời điểm xu hướng hoài niệm những cái hay trong thập niên cũ xuất hiện. Những hình ảnh mộc mạc, dung dị những năm 1980, và lối diễn xuất rất hồn nhiên của dàn diễn viên chính có sức lay động lòng người mạnh mẽ.

Nói như thế các nhà sản xuất đã đánh hơi được xu hướng thưởng thức nghệ thuật của khán giả?

Victor Vũ: Tôi không biết các nhà sản xuất có nắm bắt được gu thưởng thức của khán giả hay không, còn cá nhân tôi thì không. Khi làm một bộ phim tôi chỉ dựa vào những điều cơ bản. Câu chuyện có gần với tâm lý công chúng không ? và kịch bản có chinh phục được chính tôi hay không ? Nếu kịch bản giải đáp được 2 câu hỏi này, tôi sẽ bắt tay thực hiện bằng tinh thần cống hiến. Tôi sẽ kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh đặc thù, mà ở đó tôi đòi hỏi rất cao về mặt diễn xuất, hình ảnh đẹp, âm thanh và ánh sáng cùng phục trang.

Victor đã thành công với tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh, điều này có đồng nghĩa anh gặp nhiều thuận lợi với kịch bản Mắt biếc?

Victor Vũ: Tôi luôn đòi hỏi mình phải làm tốt hơn những gì đã từng làm, nên tôi luôn đặt mình vào áp lực sáng tạo. Mắt biếc là một tác phẩm tràn đầy cảm xúc với câu chuyện kéo dài nhiều thời kỳ và tình tiết phong phú. Nhiệm vụ của tôi là làm sao nén nhiều chi tiết của văn chương vào một câu chuyện xuyên suốt của một bộ phim có thời lượng dưới 2 giờ.

Đó là một thách thức rất lớn.

Tôi sẽ hy sinh một số nhân vật và nhiều tình huống để câu chuyện khúc chiết, nhưng vẫn giữ lại những gì hay nhất. Tâm lý của nhân vật trong tác phẩm văn học được miêu tả bằng chữ viết rất chi tiết. Đó là một lợi thế của văn chương. Trong điện ản,h diễn viên chỉ diễn tả nội tâm bằng mắt, hành động cơ thể, và một ít lời thoại. Nhân vật không thể nói với khán giả những cảm xúc buồn vui bằng lời giống như tiểu thuyết. Vì vậy, tôi phải chọn một cách kể chuyện đặc thù điện ảnh.

Mắt biếc sẽ là một bộ phim tình cảm, lãng mạn nhưng cũng có một chút yếu tố ly kỳ.

Đạo diễn Victor Vũ và vợ - nữ diễn viên Đinh Ngọc Diệp

Là một đạo diễn thành công tại thị trường phim ảnh Việt Nam, anh có nhận xét gì về phim Việt hiện nay so với ngày anh vừa đặt chân về nước?

Victor Vũ: Câu hỏi này rất khó trả lời một cách hoàn chỉnh. 10 năm trước lượng phim Việt Nam được sản xuất chiếu rạp rất ít. Vài năm trở lại đây, lượng phim ra rạp tăng gấp 10 lần. Trong đó, có phim chất lượng và cũng có không ít phim không chất lượng.

Điều này tương tự như Hollywood, Bollywood, Hong-Kong, Hàn Quốc. Hằng năm, Hollywood sản xuất hàng trăm phim, nhưng chỉ những phim được đánh giá cao mới được mang chiếu toàn cầu. Những phim chất lượng thấp sẽ chết sớm. Ở Việt Nam, đương nhiên phim Việt sẽ không có sự chọn lọc này. Cuối cùng, khán giả sẽ quyết định phim nào thắng hay không thắng ở phòng vé. Đây là chuyện bình thường cho sự phát triển của bất cứ nền điện ảnh nào.

Có một điều tôi quan tâm là hiện nay Việt Nam nhập phim nước ngoài quá nhiều. Nên tuổi thọ của môt bộ phim chiếu rạp bị rút ngắn lại chỉ còn 2 đến 3 tuần so với trước đây. Tôi nghĩ nếu có sự chọn lọc kỹ càng hơn, thị trường phim ảnh Việt Nam sẽ tốt hơn.

Kết hôn và mới đây vợ anh-nữ diễn viên Đinh Ngọc Diệp quyết định sinh con có ảnh hưởng gì đến hoạt động nghệ thuật của hai vợ chồng không?

Victor Vũ: Ảnh hưởng đầu tiên là chúng tôi đang vô cùng hạnh phúc (cười). Tôi đã lên chức cha hơn 10 ngày. Được làm cha mẹ là một cảm giác tuyệt vời khó tả, nhưng rất cực vì chúng tôi tự chăm sóc con trong giai đoạn đầu nên sinh hoạt bị đảo lộn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể sắp xếp mọi việc nếu chúng ta muốn. Ngày trước tôi có thể bước ra đường từ 9 giờ sáng, bây giờ phải là đầu giờ chiều. Nhưng mọi việc rất trôi chảy. Ngọc Diệp cực nhọc hơn nhưng cô ấy thấy hài lòng.

Victor và con trai mới sinh

Việc sinh con, tôi hoàn toàn để Ngọc Diệp quyết định. Nếu như cô ấy muốn sinh thêm một đứa nữa ngay năm sau, tôi tán thành. Nhưng nếu Diệp không muốn sinh thêm tôi cũng đồng ý. Tôi tin rằng Diệp luôn có lý do chính đáng để đưa ra quyết định. Diệp là một nghệ sỹ nhưng không chỉ bó gọn trong vai trò diễn viên. Cô ấy có thể vẽ tranh, viết báo, làm sách và làm nhiều thứ khác liên quan đến nghệ thuật. Việc cô ấy sinh con không hoàn toàn ảnh hưởng đến sự nghiệp, thế nên, cô ấy sẽ trở lại khi nào cô ấy thích.

Cảm ơn Victor Vũ về buổi trò chuyện và chúc dự án mới sẽ thành công!

Nguyễn Huy thực hiện. Ảnh: NVCC

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/victor-vu-cau-chuyen-lam-phim-va-cam-xuc-dau-tien-len-chuc-bo-100846.html