Vicem muốn bán 'đất vàng' trước cổ phần hóa: Cơ sở nào?

Biến đất đai của toàn dân thành đất đai của doanh nghiệp chính là biến cái độc quyền của nhà nước thành cái độc quyền của doanh nghiệp.

TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu quan điểm trước thông tin Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) muốn chuyển nhượng nhiều lô đất vàng hàng nghìn m2 trước khi cổ phần hóa.

Vicem từng xin bán tòa tháp nghìn tỉ để thu hồi vốn. Ảnh: LĐO

Vicem từng xin bán tòa tháp nghìn tỉ để thu hồi vốn. Ảnh: LĐO

Cụ thể, về đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất với 3 lô đất vàng có diện tích lớn hàng nghìn m2, trong đó có nhiều lô đất Vicem xin được chuyển nhượng lại hoàn toàn như: lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Vicem đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”.

Hay lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, được đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”.

Kể cả với lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Vicem muốn thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”, TS Đinh Sơn Hùng nói thẳng là không thể chấp nhận được và chỉ ra mấy lý do:

Thứ nhất, chủ trương cổ phần hóa đã được Chính phủ chỉ đạo thống nhất, theo đó, giá trị đất đai, giá trị thương hiệu và kể cả vị trí đất đai phải được tính vào giá trị hình thành lên giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp.

Sở dĩ có chỉ đạo trên là xuất phát từ những lỗ hổng trong quá trình thực hiện cổ phần hóa ở giai đoạn đầu khi thực hiện chủ trương này, khi đó, giá trị cũng như vị trí đất đai, trụ sở của những doanh nghiệp nhà nước đã không được định giá đúng, đủ, không được tính vào giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp, khiến giá trị cổ phiếu bị định giá thấp, người mua rất lợi còn nhà nước bị thất thoát lớn.

"Nếu giá trị đất được tính đủ vào giá trị doanh nghiệp thì giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa sẽ bằng: giá trị của đất + giá trị doanh nghiêp = tổng giá trị cổ phiếu.

Ví dụ, giá trị đất của doanh nghiệp được xác định khoảng 500 triệu, giá trị doanh nghiệp được 500 triệu nữa thì tổng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp được xác định dựa trên tổng giá trị của 1 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng vì thế sẽ cao gấp đôi so với khi bỏ sót tài sản đất.

Tuy nhiên, nếu Vicem bán hết đất trước khi thực hiện cổ phần hóa nghĩa là giá trị đất đai đã bị tách khỏi quá trình thực hiện cổ phần hóa và không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.

Như vậy, giá trị cổ phiếu của Vicem sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả, thua lỗ nặng nề còn đất vàng đã bị bán hết. Khi đó, giá trị cổ phiếu của Vicem sẽ được xác định chỉ dựa trên phần giá trị của doanh nghiệp, thậm chí còn thấp hơn giá trị ước tính đã được giả sử trước đó. Bởi lẽ, khi đã bán hết đất là bán hết phần ngon còn lại phần xương xảu thì chắc chắn khi tiến hành cổ phần hóa Vicem sẽ còn bị ép giá thấp hơn nhiều lần", TS Đinh Sơn Hùng chỉ rõ.

Thứ hai, biến đất đai của toàn dân thành đất đai của doanh nghiệp chính là biến cái độc quyền của nhà nước thành cái độc quyền của doanh nghiệp. Không thể chấp nhận và cũng không thể cho phép Vicem chuyển nhượng hay bán lại các diện tích đất vàng trụ sở doanh nghiệp này đang sử dụng", TS Đinh Sơn Hùng nhấn mạnh.

"Một khi đất vàng bị bán hết, giá trị cổ phiếu bị dìm xuống, khả năng những người trong ban quản trị doanh nghiệp sẽ chi tiền mua lại cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi đó, doanh nghiệp nhà nước sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân với giá rất rẻ. Đây chính là một chiêu thức biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp nhà nước rồi từ độc quyền doanh nghiệp nhà nước chuyển thành độc quyền của tư nhân. Phải hết sức thận trọng", vị chuyên gia lo ngại.

Vicem muốn bán ‘đất vàng’ trước cổ phần hóa: Đừng khôn lỏi

Thứ ba, vị chuyên gia đề cập tới quan điểm đã được nhắc tới từ nhiều năm trước đó là những cảnh báo liên quan tới hiện tượng rửa tiền thông qua thị trường BĐS và thông qua cả hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

"Có thể thấy Vicem đang muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhưng đẩy nhanh theo kiểu này là vô nguyên tắc, không thể chấp nhận được.

Về phía Bộ Xây dựng, cũng cần phải đặt câu hỏi vì sao cơ quan này lại đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Vicem đối với 3 lô đất trên.

Cuối cùng, về những sai phạm của Vicem đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra, vị chuyên gia đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc làm rõ. Đặc biệt với tình trạng thua lỗ, bết bát của doanh nghiệp này, TS Đinh Sơn Hùng cho rằng phải được xử lý nghiêm, giống như xử lý tại các dự án thua lỗ của ngành công thương vậy.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vicem-muon-ban-dat-vang-truoc-co-phan-hoa-co-so-nao-3405505/