VICEM hiện thực hóa những điều không tưởng...

Về VICEM Bút Sơn những ngày cuối năm, không khí sản xuất khẩn trương, nhộn nhịp, chạy đua cùng thời gian để về đích sớm. Năm nay, VICEM Bút Sơn có nhiều đột phá trong sản xuất, kinh doanh, là một trong những DN đi đầu trong hiện thực hóa công nghệ sản xuất xi măng không phát thải, tuần hoàn tự nhiên mà VICEM bắt tay với FLSmidth triển khai.

Hiện thực hóa ý tưởng “Không phát thải - Tuần hoàn tự nhiên”.

Hiện thực hóa ý tưởng “Không phát thải - Tuần hoàn tự nhiên”.

Ý tưởng được hiện thực hóa bằng kết quả

Lãnh đạo VICEM luôn xác định tài nguyên hóa thạch không tái tạo cần được tiết kiệm tối đa. Vì vậy, VICEM triển khai nhiều chương trình tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đá vôi, sét, giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên không tái tạo bằng chất thải lấy từ ngành kinh tế khác, hiện thực hóa ý tưởng công nghệ mới không phát thải - tuần hoàn tự nhiên.

Anh Nguyễn Đức Thuận - Phó phòng Kỹ thuật, VICEM Bút Sơn hào hứng chia sẻ: Hiện VICEM Bút Sơn đang sử dụng rác thải công nghiệp, bùn thải công nghiệp tiến tới sử dụng rác thải đô thị, rác thải nguy hại, bùn thải nguy hại để thay thế một phần than cám, sét. Sử dụng tro, xỉ thải thạch cao nhân tạo (phế phẩm của các ngành hóa chất, sản xuất đạm, phân bón…) làm nguyên liệu cho sản xuất clinker và xi măng; thay thế một phần thạch cao tự nhiên. VICEM và các DN thành viên nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội, xây dựng mô hình sản xuất xanh, phát triển bền vững; chung tay cùng xã hội giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường.

Lãnh đạo VICEM Bút Sơn thừa nhận, DN gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sét nên việc sử dụng bùn thải mở ra hướng đi mới, giảm bớt khó khăn do thiếu sét của VICEM Bút Sơn.

Ở Việt Nam, hiện chủ yếu xử lý rác thải, bùn thải bằng phương pháp chôn lấp hoặc thiêu đốt nhưng vẫn phát sinh chất thải thứ cấp và gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ đồng xử lý trong nhà máy XM được thế giới công nhận là phương pháp xử lý chất thải toàn diện, khắc phục các nhược điểm trên. Việc áp dụng công nghệ sản xuất mới này có ý nghĩa lớn cho cộng đồng, đem lại giá trị cho DN và bản thân người lao động của VICEM nói chung và VICEM Bút Sơn nói riêng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, thương hiệu.

VICEM đang đi đầu trong xử lý rác thải.

Chúng tôi đến thăm khu xử lý rác của VICEM Bút Sơn, thấy kho rác thải công nghiệp chứa đầy nilon, vải vụn được xử lý bước đầu, đưa vào máy để lên lò đốt. Mới thấy, công nghệ này được triển khai rộng thì hy vọng về một thế giới không túi nilong là hoàn toàn khả thi. Hiện VICEM Bút Sơn đốt 400 tấn rác công nghiệp/ngày; giảm 15% nhiên liệu than cám, chi phí giảm 10.000 - 15.000 đ/tấn; giảm 145.000 tấn CO2 phát thải (giảm khoảng 10%) so với công nghệ truyền thống, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rào cản cần được khơi thông

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào khoa học công nghệ như Luật Công nghệ cao, Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao đến năm 2020... nhằm hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ cao; đã có cơ chế đồng xử lý. Nhưng cơ chế, chính sách chính cho DN đồng xử lý chất thải như ngành Xi măng còn bất cập. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu đã hình thành chuỗi cung ứng chất thải cho nhà máy XM xử lý; từ thu gom, phân loại, chế biến được thực hiện bài bản, có hệ thống thể chế quy định rõ ràng đến từng người dân, các công ty xi măng xử lý chất thải được trả phí. Nhưng ở Việt Nam chất thải chưa được phân loại, sơ chế, nhất là chất thải sinh hoạt; DN phải đi mua rác và gặp nhiều khó khăn.

Thương hiệu VICEM Bút Sơn có nhãn hiệu “Quả địa cầu” với hàm ý chất lượng và dịch vụ Quốc tế đang xuất đi tiêu thụ.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh: Ngành Xi măng phải thay đổi công nghệ, tận dụng rác thải làm nguyên, nhiên liệu để phát triển bền vững. Nhưng các DN cần có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng và bình đẳng về xử lý, thu gom rác thải.

Bùn thải được xử lý để thay thế sét tự nhiên.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng kiến nghị: Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý hỗ trợ việc thu gom, xử lý rác thải đến việc dùng công nghệ biến thành nguồn nguyên liệu thay thế cho ngành Xi măng.

Với phương châm phát triển bền vững, coi trọng mục tiêu con người, Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn - nhãn hiệu “Quả địa cầu” với hàm ý chất lượng và dịch vụ Quốc tế - đang áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004, phấn đấu trở thành nhà sản xuất, cung ứng xi măng có uy tín và chế độ dịch vụ hàng đầu trong nước. VICEM Bút Sơn nói riêng và VICEM nói chung đã và đang hành động hiện thực hóa kế hoạch không phát thải- tuần hoàn tự nhiên, xây dựng VICEM xanh, phát triển bền vững.

Nguyễn Hạnh - Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vicem-hien-thuc-hoa-nhung-dieu-khong-tuong-296487.html