VIC, VHM không giúp VN-Index giữ được mốc 800

Sức mua đã không tăng lên được bao nhiêu trong phiên cuối tuần và phần lớn cổ phiếu quay đầu giảm. VN-Index đến cuối phiên đã không thể giữ được mốc 800 điểm, dù vẫn còn một vài cổ phiếu trụ nỗ lực giữ giá.

VIC, VHM tăng mạnh

Thị trường đầu phiên có những phản ứng khá tiêu cực sau khi chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh đêm qua với thông tin vĩ mô bất lợi. VN-Index rơi khoảng 1,77% trong vài phút đầu tiên sau đó phục hồi. Hôm nay cũng là phiên quỹ ETF nội tái cơ cấu theo chỉ số VN30 và quỹ này chủ yếu mua thêm. Thị trường phục hồi khá tốt và gần 10h30 chỉ số đã công phá thành công ngưỡng 800 điểm.

Một thời gian khá dài thị trường đi ngang, tuy điểm số tăng rất ít nhưng VN-Index vẫn giữ thành công ngưỡng 800 điểm. Đỉnh cao nhất chỉ số này đạt được là 803,55 điểm ngay đầu phiên chiều. Tuy vậy thanh khoản tiếp tục quá kém khiến lực đỡ có phần thiếu ổn định. Sau 1h30 VN-Index đã chấp nhận để mất mốc 800 điểm và đóng cửa giảm tiếp xuống 798,39 điểm, -0,34% so với tham chiếu.

Các nhà đầu tư đã tranh thủ quỹ VN30 ETF mua vào để chốt lời lượng hàng bắt đáy trước đó. Hàng loạt cổ phiếu blue-chips sụt giảm khá mạnh, duy có 6 mã còn tăng là MSN, MWG, NVL, PNJ, VIC và VHM. Trong số này, VIC tăng 2,82%, VHM tăng 1,44% là hai cổ phiếu tác động tới VN-Index nhiều nhất.

Mặc dù vậy chỉ có VHM là đà tăng được giữ khá ổn định cho tới cuối phiên. Diễn biến mạnh mẽ chủ đạo là nhờ lực cầu mua vào lúc đóng cửa, còn đến cuối đợt khớp lệnh liên tục, mức tăng của VHM chỉ còn 0,39% mà thôi. VIC cũng vậy đột ngột tăng 2,82% lúc đóng cửa nhờ cầu mua mạnh thúc giá lên, còn trước đó đã giảm nhẹ 1 bước giá dưới tham chiếu.

Hiện tượng tăng vọt của VIC và VHM không có gì bất thường, nhưng hiệu quả của nó lại không như mong đợi. VN-Index không cải thiện nhiều trong đợt đóng cửa do có quá nhiều cổ phiếu lớn khác giảm giá. Đơn cử là VNM giảm 1,83%, VCB giảm 1,29%, TCB giảm 2,42%, SAB giảm 1,23%, BID giảm 1,48%, HPG giảm 1,81%, VRE giảm 3,28%.

Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm mạnh 0,71% do số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp hơn 3 lần số tăng giá. Toàn sàn HSX cũng có số mã giảm nhiều gấp đôi số mã tăng. Nhóm Midcap giảm tới 0,95%, Smallcap giảm 0,74%. Những mã đi ngược dòng tăng ấn tượng với thanh khoản tốt không nhiều, phần lớn là các mã nhỏ như HDG, ASM, HHS, TTF.

Lo ngại tin xấu dịp cuối tuần

Phiên hôm nay thị trường có cơ hội tăng nhiều hơn cơ hội giảm vì quỹ ETF nội mua vào đáng kể tại blue-chips. Mặt khác chứng khoán thế giới cũng báo hiệu khả năng phục hồi khi các thị trường tương lai đều quay đầu tăng.

Điều bất lợi chính là việc không rõ nhà đầu tư găm hàng lại từ phiên hôm qua bán ra nhiều hay ít. Phiên hôm qua thanh khoản cực nhỏ và số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,5 lần số giảm, giúp khối lượng cổ phiếu bắt đáy có lợi thế. Tuy nhiên hôm nay rõ ràng là lực bán đã quay lại, khiến cổ phiếu giảm giá hàng loạt bất chấp có cầu từ quỹ VN30 ETF. Ngay trong nhóm blue-chips, áp lực bán cũng lấn át hoàn toàn, đẩy 21 cổ phiếu giảm giá.

Tổng giá trị giao dịch hai sàn bao gồm cả thỏa thuận đạt 4.277 tỷ đồng, tăng khoảng 23% so với phiên trước. Giao dịch khớp lệnh đạt 3.456 tỷ đồng, tăng 23%. Mức giao dịch này thực ra cũng không lớn vì tuần trước trung bình còn trên 4.600 tỷ đồng khớp lệnh. Vấn đề là thanh khoản ở ngưỡng trung bình thấp và cổ phiếu giảm giá rất nhiều.

Đây là dấu hiệu của sức cầu yếu, đồng thời nhà đầu tư có khuynh hướng chốt lời ngay có thể để tránh dịp cuối tuần. Những ngày này các thông tin bất lợi rất dễ xuất hiện trong ngày nghỉ. Vì vậy tính an toàn cần đặt cao hơn. Cổ phiếu dù bắt được tại đáy thì biên lợi nhuận cũng chỉ 2-3% là nhiều. Chỉ cần thị trường có cú sốc nào đó lập tức lãi chuyển thành lỗ không khó.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-07-31/vic-vhm-khong-giup-vn-index-giu-duoc-moc-800-90308.aspx