Vỉa hè TPHCM có 'bảo kê', lợi ích nhóm?

'Báo chí thông tin các địa chỉ cụ thể, chủ tịch quận huyện, phường xã chỉ cần kiểm tra, xử lý nhưng thực tế nạn lấn chiếm vỉa hè vẫn nhan nhản nên chỉ có thể lý giải là có bảo kê, lợi ích nhóm, buông lỏng hoặc yếu kém trong quản lý nhà nước', Phó Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường khẳng định tại cuộc họp về kinh tế xã hội và thu chi ngân sách 5 tháng đầu năm của UBNDTPHCM, ngày 30/5.

Đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10) bị chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, người đi bộ phải xuống lòng đường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông (ATGT), báo chí phản ánh tình trạng tái chiếm vỉa hè tại nhiều khu vực trung tâm TPHCM hầu hết là đúng sự thật. Cá nhân ông đã trực tiếp kiểm tra thực tế và phát hiện nhiều khu vực được phản ánh như đường Phạm Văn Đồng (phường 13, quận Bình Thạnh), phường 3 (quận Gò Vấp)… vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, giữ xe khiến người đi bộ không còn lối đi.

Lãnh đạo Ban ATGT cũng thẳng thắn chỉ ra một số quận huyện có dấu hiệu “đối phó” với cấp trên. Cụ thể, theo yêu cầu của UBND TPHCM, Chủ tịch UBND các quận huyện đã ký cam kết đảm bảo trật tự lòng lề đường trên 157 tuyến đường. Tuy nhiên, đến khi Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có văn bản yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để vỉa hè bị tái chiếm thì xảy ra một việc: Một số tuyến đường “khó dẹp”, chủ tịch UBND các quận huyện không đưa vào danh sách đăng ký. Đơn cử như tuyến đường Phạm Văn Đồng đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết tai nạn giao thông (TNGT) tại 8 quận huyện cửa ngõ TPHCM chiếm 70% số vụ TNGT, trong đó riêng hai quận huyện Bình Tân và Bình Chánh chiếm đến 30% tổng số vụ TNGT của toàn TPHCM. Đáng lo nhất là huyện Bình Chánh mỗi năm có hơn 100 người chết vì TNGT.

“Nếu xử lý nhanh các điểm đen thì tình hình ùn tắc, TNGT sẽ giảm mạnh. Vừa qua TPHCM hoàn thành đưa vào khai thác 2 nhánh hầm chui An Sương (quận 12), 1 nhánh hầm chui Mỹ Thủy (quận 2), tình hình đã chuyển biến. Hiện nay có một số điểm đen chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã tạm ngưng thi công”, ông Tường cho hay.

Quy hoạch mạnh ai nấy làm

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, công tác lập và quản lý quy hoạch (QH) còn nhiều bất cập. Cụ thể, Sở Quy hoạch và Kiến trúc vừa trình UBND TPHCM điều chỉnh QH chung. Điều đáng nói là, QH này dựa vào QH kinh tế xã hội đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, đến nay đã có một số thay đổi như chưa cập nhật kịp thời xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo; sử dụng không gian ngầm…

Do đó, muốn điều chỉnh QH chung thì trước hết TPHCM phải điều chỉnh QH kinh tế xã hội. QH kinh tế xã hội của TPHCM tuy đã có nhưng QH nhiều ngành vẫn chưa xong. Một số QH liên quan mật thiết nhưng không gắn kết với nhau như QH thủy lợi và QH thoát nước.

“Hôm rồi tôi nói với anh Dũng (Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng), trong việc chống ngập phải có nhạc trưởng; phải đồng bộ QH chứ không phải mạnh ai nấy làm. Như chuyện cốt nền, không thể mỗi nơi làm một kiểu. Công tác quản lý QH của mình còn bất cập. Sở Quy hoạch Kiến trúc không quản được QH thì quản cái gì?”, ông Phong nêu vấn đề.

Theo ông Phan Minh Lê, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, tuy cảng Cát Lái (quận 2) quá tải nhưng thực tế các cảng biển của TPHCM chỉ mới đạt 29% công suất thiết kế.

“Cảng Cát Lái quá tải cả sáu ngày trong tuần. Mỗi đợt nghỉ lễ, tết là xe ùn ùn ra vào chở hàng, gây ùn tắc giao thông. TPHCM cần điều tiết hàng từ Cát Lái qua các cảng khác để giảm ùn tắc”, ông Lê kiến nghị.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/via-he-tphcm-co-bao-ke-loi-ich-nhom-1278991.tpo