Vỉa hè lại bị lấn chiếm

Ngay sau khi UBND TP.Biên Hòa kết thúc đợt cao điểm ra quân xử lý về vi phạm trật tự đô thị (từ ngày 10-12-2020 đến 31-1-2021), tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TP.Biên Hòa lại diễn ra ngang nhiên. Việc này khiến người tham gia giao thông rất bức xúc khi xe máy phải chạy sang phần đường với xe ô tô, còn người đi bộ phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm.

Vỉa hè đường vành đai sân vận động tỉnh (thuộc P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị nhiều người chiếm dụng làm nơi buôn bán. Ảnh: Minh Thành

Vỉa hè đường vành đai sân vận động tỉnh (thuộc P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị nhiều người chiếm dụng làm nơi buôn bán. Ảnh: Minh Thành

Điều đáng nói, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường không chỉ để buôn bán như lâu nay mà còn để đậu xe, tập kết vật liệu xây dựng, đặt cây cảnh... khiến không gian công cộng ở nhiều khu dân cư ở TP.Biên Hòa trở nên chật chội hơn.

* Ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa như: Phan Đình Phùng (P.Quang Vinh), 30-4 (P.Trung Dũng, P.Quyết Thắng), Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai), Trần Văn Xã (P.Trảng Dài)... bị nhiều người lấn chiếm để buôn bán hoặc làm chỗ dừng, đậu xe cho các hộ buôn bán gần đó. Rầm rộ nhất vẫn là khu vực gần sân vận động Đồng Nai (thuộc P.Tân Hiệp), nhiều người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, thậm chí dựng ki-ốt để giữ chỗ bán hàng.

Ông Phan Hoàng Mai (ngụ P.Tân Hiệp) ngán ngẩm nói: “Sau cao điểm ra quân xử lý về vi phạm trật tự đô thị, các hàng quán tạm ngưng hoạt động nhưng sau khi kết thúc cao điểm tình trạng trên đâu lại vào đấy. Thậm chí buổi chiều đi bộ, tập thể dục người dân cũng phải đi xuống dưới lề đường vì vỉa hè dựng đầy bàn ghế, xe cộ”.

Nhiều người kinh doanh đậu xe hàng, đặt biển hiệu lấn gần hết bề ngang vỉa hè trên quốc lộ 1 (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa)

Đặc biệt, trong vài tuần qua, việc vi phạm trật tự đô thị đã xuất hiện thêm một tình trạng mới đó là chiếm dụng lòng lề đường khu dân cư để tập kết vật liệu xây dựng. Việc tập kết này kéo dài nhiều tháng (theo tiến độ xây dựng), nhiều hộ để cát, đá tràn ra đường lòng lề đường, gây cản trở giao thông. Cụ thể như hẻm 19, đường Đặng Đức Thuật (P.Tam Hòa) có một hộ dân tập kết vật liệu xây dựng, máy móc tại các đường dốc xung quanh nhưng không có che đậy, cảnh báo, nếu người đi đường không chú ý đi vào đống cát, đá dễ bị trượt té rất nguy hiểm.

Theo các hộ dân sinh sống ở hẻm 19, đường Đặng Đức Thuật, việc xây dựng công trình nên có biện pháp đảm bảo an toàn như: quây cát, đá gọn gàng, tránh tình trạng tràn ra đường, gây nguy hiểm cho phương tiện khác. Đặc biệt, nếu phải thi công cắt thép, gạch ngay lề đường trong thời gian ngắn thì nên đặt các biển cảnh báo cho người đi đường chú ý chủ động tránh, né.

* Cần thêm giải pháp ngoài xử phạt hành chính

Trước tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng TP.Biên Hòa và chính quyền các xã, phường thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng chức năng, việc giải quyết triệt để đối với các trường hợp này là không dễ, nhất là với các tuyến đường bị chiếm dụng để buôn bán.

Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài Nguyễn Văn Tường cho biết, với các hộ dân sống ven đường sử dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán, đậu xe thì tổ trật tự đô thị có thể phạt ngay, còn với những người bán hàng rong thì khó vì khi thấy lực lượng chức năng từ xa, họ đã lên xe bỏ đi.

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, tại Điểm a, Khoản 6, Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm như để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Riêng với hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe sẽ có mức phạt từ 4-15 triệu đồng tùy theo diện tích bị chiếm (từ 5m2 đến trên 20m2). Đó là mức phạt với cá nhân, còn với tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp đôi.

Trước tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán trên đường Nguyễn Văn Tiên (P.Tân Phong), năm 2019, UBND phường đã đề xuất lắp đặt dải phân cách mềm ở khu vực này nhằm ngăn người bán hàng rong tràn ra tim đường để buôn bán. Chủ tịch UBND P.Tân Phong Bùi Minh Quang cho biết, từ khi có dải phân cách mềm trên đường Nguyễn Văn Tiên, đến nay cơ bản ngăn tình trạng người bán hàng rong tràn ra tim đường để buôn bán nhưng tình trạng người dân chiếm dụng vỉa hè, lề đường để bán hàng, đậu xe vẫn còn diễn ra.

Theo UBND các phường, với những hộ hay đặt vật dụng ra vỉa hè nhưng không nhằm mục đích buôn bán (đậu xe gia đình, phơi quần áo...) thì cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo không được tái phạm.

Theo quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP.Biên Hòa (ban hành kèm Quyết định 4143/QĐ-UBND ngày 3-8-2016, về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP.Biên Hòa), một số trường hợp được phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường gồm: tổ chức trông giữ xe, để xe 2 bánh, tập kết, trung chuyển vật liệu phục vụ thi công... Tất cả đều chỉ được sử dụng một phần trong thời gian nhất định và phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Đáng chú ý tại Điều 4 của quy định trên, các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vỉa hè gồm: họp chợ, kinh doanh ăn uống, bày bán hàng hóa, để vật liệu xây dựng, đồ vật khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.

Anh Lâm Văn Thành (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất, hiện nay, tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã áp dụng biện pháp thu phí đậu xe trên lòng đường và sử dụng vỉa hè. Đây là một trong những cách đưa việc sử dụng vỉa hè vào quy củ và có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động chỉnh trang đô thị hằng năm. Các cơ quan chức năng ở Đồng Nai có thể nghiên cứu phương án trên; nhất là phải xác định rõ tuyến đường nào đủ điều kiện được sử dụng một phần để thu phí.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202104/via-he-lai-bi-lan-chiem-3050610/