Vỉa hè bị xuống cấp: Hậu quả của việc sử dụng sai mục đích

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc vỉa hè một số tuyến đường được lát bằng đá tự nhiên dù hoàn thành chưa lâu đã xuất hiện tình trạng vỡ vụn, bong tróc... Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong số những tuyến đường được 'chỉ mặt, đặt tên' này, nhiều đoạn không phải là đá tự nhiên mà gạch giả đá; xuống cấp do sử dụng sai mục đích.

Một đoạn vỉa hè lát bằng gạch giả đá trên phố Nguyễn Chí Thanh bị xuống cấp.

Nhầm lẫn giữa gạch và đá
Theo phản ánh, vỉa hè một số tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Trung Kính… được lát bằng đá tự nhiên dù hoàn thành chưa lâu đã nhanh chóng xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị, ATGT. Khảo sát Kinh tế & Đô thị cho thấy, những phản ánh trên là có cơ sở. Cụ thể, tại các phố Vạn Phúc, Giải Phóng, Trần Phú… một số đoạn vỉa hè đã bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt lún, vỡ, gây khó khăn cho người đi bộ.
Tuy nhiên, tại một số tuyến đường, nhiều người đang nhầm lần giữa đá tự nhiên và gạch giả đá. Ví như đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Trung Kính… nếu chỉ nhìn qua, nhiều người sẽ nhầm tưởng là đá tự nhiên. Song, nếu chú ý quan sát kỹ, đặc biệt là các khu vực đã bị vỡ, bật… sẽ dễ dàng nhận ra đó chỉ là bê tông chứ không phải đá tự nhiên.
Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho biết, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ngày càng phát triển, nếu chỉ nhìn qua mặt gạch, đặc biệt là những khu vực đã hoàn thành việc lát vỉa hè thì không chỉ người dân mà giới trong ngành cũng có thể nhầm lẫn. Theo giải thích của các chuyên gia, nếu lát đá tự nhiên, vỉa hè thường sẽ có cùng một màu sắc (màu của đá - PV), còn sử dụng gạch giả đá sẽ xuất hiện thêm màu vàng nhạt.
Xử lý nghiêm hành vi xâm phạm vỉa hè
PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, thực tế, đá lát có đẹp, bền vững nhưng thiếu đồng bộ giữa các ngành như điện, cấp, thoát nước… thì việc vỉa hè xuống cấp nhanh là tất yếu. Theo vị chuyên gia này, để chủ trương lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên phát huy được hiệu quả lâu dài, các cơ quan chức năng cần quản lý tốt vỉa hè, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, sử dụng sai mục đích vỉa hè.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số Ban Quản lý Đầu tư xây dựng (trực thuộc các quận) trên địa bàn TP cho rằng, độ bền của vỉa hè được lát bằng gạch terrazzo, gạch block, thậm chí là đá tự nhiên không chỉ phụ thuộc vào chất lượng vật liệu, phương pháp thi công mà còn do ý thức của người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, vỉa hè sinh ra để phục vụ nhu cầu của người đi bộ, thế nhưng, hiện nay vỉa hè nhiều tuyến đang bị sử dụng sai mục đích, biến thành đường giao thông, dừng đỗ phương tiện, đặc biệt là xe ô tô.
Còn nhớ, trước tình trạng vỉa hè lát đá tự nhiên xuống cấp, UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra toàn diện công tác vỉa hè trên địa bàn. Qua thanh, kiểm tra, TP đã mạnh tay xử lý những cá nhân, tổ chức có sai phạm. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững của vỉa hè, cốt yếu vẫn là người dân và các đơn vị quản lý phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý vỉa hè. Thực tế cho thấy, những khu vực vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên bị xuống cấp mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, hiện đang tồn tại vô số những hành vi xâm hại như biến vỉa hè thành bãi xe (phố Vạn Phúc, quận Ba Đình), bày bán xe ô tô (gara ô tô số 807 Giải Phóng)… Theo các chuyên gia, nếu những hành vi vi phạm này không được xử lý kịp thời, tình trạng vỉa hè xuống cấp là điều khó tránh khỏi.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/via-he-bi-xuong-cap-hau-qua-cua-viec-su-dung-sai-muc-dich-328261.html