Vỉa hè bị lấn chiếm phức tạp - người dân nghi ngờ có bảo kê

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TPHCM với mức độ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là các 'phố nhậu' ở những tuyến đường từng được cam kết chấn chỉnh, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, về thực trạng bức xúc này.

“Nếu không làm nổi thì cứ báo cáo đi”

PHÓNG VIÊN: Xuyên suốt trong thời gian dài qua, lãnh đạo UBND TPHCM luôn yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không để tái diễn tình trạng tái chiếm. Tuy nhiên vì sao vỉa hè, lòng đường hiện nay vẫn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm với mức độ nghiêm trọng hơn, nhất là các quán nhậu, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, giữ xe hiện vẫn rất phức tạp và khá phổ biến. Trong số này có nhiều tuyến đường tập trung các quán nhậu, đã xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vào ban đêm.

Công tác lập lại trật tự lòng lề đường phải từng bước thực hiện. Tuy vậy, từng quận huyện, phường xã, thị trấn phải xác định các tuyến đường trọng điểm, bức xúc để ưu tiên tập trung sắp xếp, lập lại trật tự. Trách nhiệm của từng địa phương phải thực hiện, chứ không thể viện dẫn các khó khăn và buông lỏng, không thực hiện.

Yêu cầu này cũng được UBND TP giao rõ, tuyệt đối không để xảy ra lấn chiếm. Các phường xã, thị trấn làm không xong mà đó là tuyến đường trọng điểm thì phải báo cáo để cấp trên tăng cường lực lượng hỗ trợ. Không thể chấp nhận tình trạng không vào cuộc quyết liệt rồi viện lý do cho rằng không làm được, vì trách nhiệm đã được UBND TP phân công rồi. Những ai nếu làm không nổi thì báo cáo đi, rằng “tôi làm không nổi” để có sự bố trí, phân công người khác.

 ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM

ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM

Một số địa phương nêu nhiều lý do và bày tỏ không đủ sức, thậm chí “lập lại trật tự là nhiệm vụ bất khả thi”. Song, người dân đặt vấn đề có sự bảo kê, nhất là ở các quán nhậu thường xuyên lấn chiếm và gây bức xúc dư luận?

Các giải pháp lập lại trật tự đô thị đều đã có, nhưng tùy theo thực tế địa phương mà có phương án bố trí, sắp xếp phù hợp. UBND TPHCM cũng phân công rất rõ, giao cho các địa phương chịu trách nhiệm trong công tác chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Do đó, UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn phải sắp xếp, bố trí cho phù hợp, trong đó ưu tiên cho người đi bộ trên vỉa hè. Điều quan trọng là xử lý phải đảm bảo công bằng để người dân địa phương ủng hộ và tham gia giám sát, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Vì vậy, chính quyền địa phương phường xã phải đứng ra tổ chức, sắp xếp và giao cho người dân khu vực quản lý. Những trường hợp cố tình lấn chiếm thì phải được xử lý nghiêm. Có như thế mới đảm bảo lâu dài, nếu không việc tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt sẽ không đủ sức.

Nhiều nơi báo cáo “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”, nhưng có thật sự vào cuộc không? Tương tự, các văn bản, kế hoạch đã có, nhưng việc tổ chức thực hiện có được đảm bảo? Cho nên, những địa phương nào không vào cuộc xử lý các vi phạm, xử lý không nghiêm mới dẫn tới dư luận cho rằng có tình trạng bao che, bảo kê. Trường hợp địa phương xử lý nghiêm thì người dân sao có thể nghĩ rằng có bảo kê được.

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi: Buộc thôi việc, cách chức, hạ lương cán bộ để xảy ra lấn chiếm vỉa hè

Trong công tác lập lại trật tự đô thị, huyện Củ Chi đã chuẩn bị kế hoạch dài hơi, thông suốt từ trên xuống dưới. Trước khi thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, từ đầu năm 2017 huyện đã xây dựng nghị quyết về công tác này. UBND huyện cũng tổ chức cuộc họp triển khai về công tác trật tự lòng lề đường với hơn 500 cán bộ, từ bí thư, chủ tịch huyện, xã đến trưởng 178 ấp. Thông điệp được huyện chuyển tải rõ ràng rằng, huyện sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu buông lỏng quản lý vỉa hè.

Không phải nói suông, chúng tôi đã cương quyết xử lý những cán bộ không làm tròn trách nhiệm, để vỉa hè bị tái lấn chiếm. Cụ thể, huyện đã kỷ luật buộc thôi việc một đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị; kỷ luật cách chức, hạ bậc lương một chủ tịch UBND xã; hạ bậc thi đua 2 phó chủ tịch UBND xã phụ trách đô thị vì đã buông lỏng quản lý vỉa hè. Ngoài ra, huyện cũng điều chuyển 5 cán bộ đô thị cấp xã vì ngại đụng chạm “người thân, họ hàng” qua công tác tại địa phương khác.

Như vậy, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, bộ mặt đô thị của huyện ngày càng sạch - đẹp, lòng lề đường thông thoáng. Người dân cũng bày tỏ đồng thuận, tự giác phối hợp với chính quyền trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, không lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.

Ông LÊ THANH BÌNH, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình: Chưa đủ sức răn đe tổ chức, cá nhân vi phạm

Từ cuối năm 2016, quận đã có các kế hoạch, chỉ đạo chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chứ không phải sau khi quận 1 mở đợt cao điểm rồi mới làm theo. Việc lập lại trật tự đô thị đã được quận tập trung thực hiện ở một số tuyến đường trục, khu vực quan trọng rồi mở rộng ra các tuyến đường khác. Tuy nhiên, tình trạng lấn vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, bán hàng rong tại một số khu vực dân cư và các chợ, công viên, trường học, bệnh viện. Nhiều nơi do vi phạm diễn ra vào buổi tối nên lực lượng trật tự đô thị khó kiểm soát, xử lý.

Cũng phải nhìn nhận, lãnh đạo một số phường chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, lập lại trật tự lòng, lề đường. Đa số các đơn vị có tỷ lệ xử phạt còn ít (dưới 85%) so với nhiệm vụ được giao, chưa đủ sức răn đe tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có một số đơn vị tỷ lệ xử phạt thấp dưới 30%. Dù vậy, điều căn cơ lâu dài là vận động người dân có ý thức chấp hành, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm. Cùng đó, chính quyền đầu tư, nâng cấp hạ tầng đô thị, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh. Điều này tốt hơn việc ào ào đổ quân đi xử lý rồi hôm sau họ lại tiếp tục vi phạm.

QUANG HUY ghi

Cần xử lý nghiêm trách nhiệm

Trong cuộc họp phát động thực hiện Năm An toàn giao thông 2019, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Việc này được cụ thể hóa ra sao, thưa ông?

UBND TP đã chỉ đạo rõ, giao cho các quận huyện rồi. Quận huyện cũng giao, yêu cầu các phường xã thị trấn ký cam kết rồi. Chúng ta không thể tạo được sự thay đổi trong một ngày, một bữa được, nên phải thường xuyên nhắc nhở, xử lý, nếu không chỉ là theo chiến dịch, theo đợt ra quân rồi đâu lại vào đấy. Điều này sẽ không tạo được sự chuyển biến.

Một khi đã ký cam kết rồi thì phải thực hiện. Kết quả không đạt như cam kết phải có báo cáo, nêu rõ lý do, nguyên nhân để tính toán tiếp. Do đó, các địa phương phải có kế hoạch, phân công cụ thể và thường xuyên nhắc nhở, nếu không sẽ bị trôi đi. Cùng đó là việc thường xuyên giao ban, nhắc nhở phê bình các phường còn để lấn chiếm. Thậm chí phải phê bình, nói bằng miệng không nghe thì ban hành văn bản phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục yêu cầu xử lý kỷ luật đối với những địa phương để tình hình phức tạp, mất trật tự an toàn giao thông, cũng như để tình trạng mua bán, lấn chiếm bầy hầy.

Quán nhậu chiếm dụng toàn bộ vỉa hè rộng hàng chục mét vuông trên đường Vĩnh Khánh (quận 4). Ảnh: THU HƯỜNG

Vậy cơ quan nào giám sát để báo cáo Chủ tịch UBND TP xem xét trách nhiệm?

Ban An toàn giao thông TP thường xuyên theo dõi các thông tin báo đài phản ánh về những trường hợp lấn chiếm, từ phản ánh của người dân và trực tiếp điện thoại cho địa phương nhắc nhở, có văn bản nhắc nhở địa phương chấn chỉnh. Trường hợp vẫn tiếp tục xảy ra lấn chiếm thì Ban An toàn giao thông TP sẽ báo cáo, kiến nghị UBND TP xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, Ban An toàn giao thông TP cũng phối hợp, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát các tuyến đường trọng điểm và báo cáo cụ thể những nơi có chuyển biến, thông thoáng hoặc chưa chuyển biến, còn lấn chiếm. Kết quả này sẽ được báo cáo để UBND TP xử lý.

Tuyệt đối không sử dụng lòng, lề đường ngoài mục đích giao thông

Chiều 25-4, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân, UBND TP yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Công an TPHCM, Chủ tịch UBND 24 quận huyện và thủ trưởng các sở ngành chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục các giải pháp hiệu quả về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để tổ chức các hoạt động không vào mục đích giao thông. UBND các quận huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng phương án đầu tư khu sinh hoạt cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương. Trong trường hợp buộc phải sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động cộng đồng thì phải xin phép cơ quan chức năng và phải có phương án tổ chức bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông.

Sở Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè. Thường trực Ban An toàn giao thông TP chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, căn cứ quy định pháp luật để tham mưu UBND TP xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông.

QUỐC HÙNG

KIỀU PHONG (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/via-he-bi-lan-chiem-phuc-tap-nguoi-dan-nghi-ngo-co-bao-ke-589516.html