Vị tướng xin Vua Trần hoãn xử tội để lập công đánh quân Nguyên

Trần Khánh Dư là một trong những vị tướng giỏi của triều Trần, có công lớn trong việc đóng góp những ý kiến xuất sắc ở hội nghị Bình Than (1282) và đặc biệt là trong việc chỉ huy trận đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ (1288), góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ ba.

Tuổi trẻ tài cao

Sau hai lần xuất quân (năm 1258 và 1285) vẫn không chinh phục được nước Đại Việt nhỏ bé là điều bất ngờ đối với đội quân Mông Cổ thiện chiến đã từng đánh chiếm, khuất phục nhiều quốc gia trên thế giới. Vua Nguyên lúc bấy giờ là Hốt Tất Liệt vô cùng tức giận, coi đó là một nỗi nhục và quyết tâm phục thù. Hốt Tất Liệt cho tạm đình chỉ việc xâm lược Nhật Bản, dồn binh lực xuống phía Nam nhằm thực hiện bằng được mưu đồ biến Đại Việt thành đất của mình, làm bàn đạp để tiến đánh các nước khác thuộc vùng Đông Nam Á. Vua Nguyên đã tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị binh lực hùng hậu, nhưng vẫn không quên dặn các tướng: “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường".

Cuối tháng 12/1287, quân Nguyên ồ ạt tiến vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn, Bắc Giang. Sau nhiều trận đánh chặn giặc ở các cửa ải và vùmg hiểm yếu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chủ trương rút quân khỏi Vạn Kiếp và một số nơi về vùng sông Đuống, chặn giặc kéo vào Thăng Long. Ngay đầu năm, cánh quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy kéo đến chiếm đóng Vạn Kiếp và ra sức xây dựng nơi đây thành căn cứ vững chắc để định đánh lâu dài với quân ta. Cùng lúc đó, đoàn thuyền chiến do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào nước ta, rồi ngược lên sông Bạch Đằng kéo đến Vạn Kiếp hội quân với quân Thoát Hoan. Khi đó, Nhân Duệ Vương Trần Khánh Dư, một trong những viên tướng dũng mãnh của nhà Trần được phong làm phó tướng, được Hưng Đạo Vương tin tưởng giao hết xử lý công việc ở biên thùy.

Nghè Trần Khánh Dư (mới) ở Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh

Nghè Trần Khánh Dư (mới) ở Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh

Quân Nguyên đóng mãi ở Vạn Kiếp lương thực sắp cạn, Thoát Hoan bèn sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân ra cửa bể Đại bàng (huyện Nghi Dương, Hải Dương) đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân Đồn (Vân Hải, Quảng Yên) gặp quân của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chặn đường không cho đi, Ô Mã Nhi dồn quân lực đánh rát một trận. Bị áp đảo về binh lực, quân của Trần Khánh Dư không thể thắng được, buộc phải rút lui. Quân Nguyên kéo thẳng ra bể đi đón thuyền lương.

Được tin thủy quân ta không thắng giặc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, lập tức cho Trung sứ tới Vân Đồn triệu Trần Khánh Dư về kinh đô trị tội cho dù ông là thân vương rất được trọng dụng. Trần Khánh Dư biết rất rõ tội của mình, ông xin với Trung sứ: "Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn". Bằng kinh nghiệm quân sự của mình, ông biết vẫn còn cơ hội đánh bại quân địch. Ông dự đoán trước Ô Mã Nhi đã phá được quân ta một trận, trong bụng hắn chắc rằng không còn ai ngăn trở gì nữa, cho nên sẽ khinh thường đem binh thuyền đi trước, khi đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi qua Vân Đồn, có thể đánh hạ được đoàn thuyền luơng nên đã bố trí một trận mai phục.

Trần Khánh Dư tổ chức trận địa phục kích tại Vân Đồn và Cửa Lục (Hòn Gai), theo trình tự mạnh dần về phía Cửa Lục. Ông nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, tổ chức chặn đánh đoàn thuyền lương. Tuy thời gian rất ngắn nhưng ông đã kịp thời dàn trận chờ giặc tới để tiêu diệt.

Mặc dù đây không phải là mục tiêu chủ yếu nhưng lại cực kỳ hiểm yếu, bởi đoàn thuyền lương là "dạ dày", là niềm hy vọng của quân xâm lược, nó quyết định khả năng chiến đấu của quân Nguyên trong suốt cuộc chiến tranh. Diệt được đoàn thuyền lương là ta cắt được dạ dày của giặc, sẽ làm rúng động thế trận của quân Nguyên, khiến kế hoạch của chúng sẽ bị đảo lộn.

Đúng như dự đoán, mấy ngày sau, khi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ nặng nề, chậm chạp tải các thuyền lương vào cửa bể Lục Thủy Dương (phía đông nam huyện Hoành Bồ tức là vịnh Cửa Lục bây giờ), liền bị quân của Trần Khánh Dư từ nhiều phía đổ ra đánh dữ dội. Thủy binh nhà Trần là đội quân tinh nhuệ, có tinh thần quyết chiến cao, đã có kinh nghiệm đánh thủy binh Nguyên. Trương Văn Hổ cùng quân lính ra sức chống đỡ và cố thúc đoàn thuyền tiến vào đất liền nhưng bị quân ta liên tục tiến công. Quân địch phải đổ cả thóc xuống biển hòng thoát thân nhưng không thể, phần lớn số quân bị tiêu diệt. Trương Văn Hổ may mắn thoát chết chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc). Toàn bộ số lương thảo của giặc bị nhấn chìm. "Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được..."..." nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều"... (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Bàn đạp cho chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba

Tin thắng trận lập tức được báo về triều đình. Nhằm làm cho quân Nguyên chóng ngã lòng, vua Trần ra lệnh thả những quân lính bị bắt trong trận Vân Đồn, để chúng báo tin cho chủ tướng.

Chiến thắng Vân Đồn có tầm quan trọng rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của quân Nguyên, đẩy chúng vào khó khăn không thể khắc phục nổi về mặt lương thảo. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của chúng bị phá sản, hy vọng chiếm đóng lâu dài cũng tiêu tan. Thoát Hoan tiến quân vào Thăng Long gặp phải chiến thuật “vườn không nhà trống”, có nguy cơ bị cô lập, tinh thần quân lính hoang mang, tuyệt vọng. Trước tình thế nguy khốn, Thoát Hoan quyết định rút quân lên Vạn Kiếp và từ đấy rút quân về nước theo hai đường thủy, bộ.

Sau đó vua Trần và Trần Quốc Tuấn bố trí mai phục trên sông Bạch Đằng, cho cắm cọc trên sông, nghiên cứu thủy triều, sẵn sàng cho một trận đánh lớn. Đầu tháng 4/1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy rút về theo đường thủy khi tiến gần đến trận địa bãi cọc, một số thuyền nhỏ của quân Trần ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, quân giặc ra sức đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục, đúng lúc nước triều xuống nhanh. Thuyền của quân nhà Trần đổ ra đánh, phá vỡ đội hình quân giặc. Bị đánh bất ngờ và quyết liệt, quân giặc hoảng hốt, tranh nhau tháo chạy ra biển, thuyền giặc xô vào bãi cọc đang nhô lên, bị ùn tắc, vỡ, đắm. Toàn bộ cánh thủy binh giặc bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống.

Cánh quân bộ, do Thoát Hoan chỉ huy, từ Vạn Kiếp theo huớng Lạng Sơn rút chạy về Quảng Tây (Trung Quốc). Trên đường tháo lui, chúng bị quân dân ta tập kích liên tiếp. Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên đã kết thúc thắng lợi vẻ vang.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Trần Khánh Dư cùng quân sĩ của ông đã bố trí dàn trận trên một địa bàn tương đối dài để đánh giặc. Phải rất có quyết tâm, kinh nghiệm dày dặn, cơ trí, cùng sự đồng lòng của quân tướng mới có thể nhanh chóng tạo dựng được một trận địa như vậy. Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 là một chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba của quân dân Đại Việt, là lưỡi dao cắt toàn bộ dạ dày của quân xâm lược, tạo ra tiền đề cho thắng lợi của ta và thất bại của giặc, góp phần quan trọng đẩy nhanh cuộc rút quân của đạo quân xâm lược nhà Nguyên.

Trần Khánh Dư (1240 - 1340) quê ở Chí Linh (Hải Dương) hiệu là Nhân Huệ Vương là một chính khách, nhà quân sự Đại Việt dưới thời đại nhà Trần. Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn năm 1288, tham gia chinh phục Chiêm Thành năm 1312. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, cha là Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, được triều đình phong ấp ở Chí Linh (Hải Dương). Thời trẻ, ông ham học võ nghệ, giỏi binh thư. Vua Trần Thánh Tông nhận ông làm con nuôi.

Anh Đức

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/vi-tuong-xin-vua-tran-hoan-xu-toi-de-lap-cong-danh-quan-nguyen-a261035.html