Vị tướng trong lòng dân

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Nhà văn Hoàng Quốc Hải 'Vị tướng trong lòng dân' do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội thảo về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau 5 năm Người ra đi, mang nhiều ý nghĩa xã hội và lịch sử. Đó là:

- Bảy mươi bốn (74) năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sáu mươi bốn (64) năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Bảy mươi (70) năm Người được phong hàm Đại tướng.

- Một trăm lẻ bảy (107) năm ngày sinh của Người.

Vv…

Trong nước, từ trẻ nhỏ đến người già không ai không biết vị Tổng tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng - Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngoài nước, nhân dân thế giới đều biết tiếng tăm Đại tướng sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đặc biệt các chính khách trên thế giới từ bạn bè đến kẻ thù đều khâm phục Đại tướng là nhà cầm quân chiến lược kiệt xuất.

Nếu viết một cái gì đó về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xem ra cũng không phải là khó lắm. Vì chỉ riêng cái danh xưng của Đại tướng, đã khá là thân thiện với toàn dân và từng người lính. Còn công lao, thành tích của Đại tướng, lịch sử chép ghi kể có vạn trang.

Vậy thì viết sự việc gì về cố Đại tướng mà chẳng được. Nhưng hãy thử bắt tay vào viết một cái gì đó cụ thể về cố Đại tướng xem?

Nghĩ lại, viết về một tượng đài kỳ vĩ của cả dân tộc, quả không dễ một chút nào.

- Chiến dịch và thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, quân đội đã tổng kết và ghi nhận công đầu của người Anh cả khá phong phú.

- Sự đóng góp của cố Đại tướng cho lịch sử dân tộc và lịch sử quân đội, giới sử học đã khẳng định và viết thành sách cũng từ lâu rồi.

- Viết truyện vinh danh Đại tướng trên bình diện văn chương chăng? Nhiều người viết rồi, nhiều sách viết về Người rồi. Riêng nhà văn nổi tiếng Hữu Mai đã viết một tiểu thuyết khá bề thế có tựa đề “Không phải huyền thoại”. Các thể loại như hồi ký, bút ký, ký sự viết về Đại tướng khá nhiều, nhưng tiểu thuyết thì đây là cuốn đầu tiên được văn học hóa một nhân vật lịch sử cụ thể. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà người nước ngoài cho là nhân vật huyền thoại. Vì vậy, tác giả lấy tên truyện là: “KHÔNG PHẢI HUYỀN THOẠI”.

Tại sao cây bút đàn anh trong làng văn lại lấy tên tác phẩm của mình “KHÔNG PHẢI HUYỀN THOẠI”, là bởi ông chủ trương giải mã nhân vật lịch sử chứ không phải tạo thêm huyền thoại về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi viết tiểu thuyết “KHÔNG PHẢI HUYỀN THOẠI”, nhà văn Hữu Mai đã viết tới 5 tập hồi ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời gian trải dài của 5 tác phẩm đó chiếm một phần ba thế kỷ.

Năm tập hồi ký đó không phải chuyên chú vào đời tư nhân vật, mà chính là cuộc đời nhân vật gắn với khoảng thời gian mà ông sống, và cống hiến cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Những sự kiện lịch sử của dân tộc diễn ra, gắn chặt với đời sống của chính nhân vật, nó hòa quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn, khiến người đọc có cảm giác như được chứng kiến lịch sử đang diễn ra trước mắt mình rất sống động, tới mức người đọc, vừa đọc vừa thì thầm: “Đây mới là lịch sử”. Đó là tài năng của nhà văn làm sống lại tiến trình lịch sử, tức là ông đã giải mã lịch sử thông qua hồi ức của nhân vật, chứ không phải ông chép lại những gì nhân vật kể về mình.

Đọc cả 5 cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai dựng lại, tôi có cảm giác được đọc một bộ sử thực lục dưới dạng thức văn chương.

Nhà văn Hữu Mai không chỉ nắm rất chắc vai trò, vị trí và cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người thuộc về lớp những người đã làm ra lịch sử, mà chính bản thân nhà văn cũng tham dự vào các sự kiện lịch sử đó. Cho nên, cái kết quả của quá trình làm việc và suy tư sáng tạo, thì “KHÔNG PHẢI HUYỀN THOẠI” ra đời cũng là một tất yếu lịch sử.

Điều kỳ lạ là huyền thoại về một nhân vật lại nảy sinh ngay trong thời gian nhân vật đang còn sống. Điều này, được xem như một hiện tượng lạ.

Khi xem xét các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử, trong trường hợp công chúng sùng bái nhân vật mà họ yêu quý tới mức tôn thờ, đó chính là nhân dân đang có nhu cầu thánh hóa nhân vật của mình.

Nhà văn Hữu Mai với tiểu thuyết “KHÔNG PHẢI HUYỀN THOẠI”, chính là ông, đã giải mã huyền thoại theo cách nhìn hiện thực và biện chứng. Trong khi dân chúng lại, có cách nhìn nhân vật với tâm thức duy linh, lấy tâm linh siêu thực hàm chứa cả yếu tố phi lý làm điểm tựa. Điều đó, cắt nghĩa, nếu lớp lớp những huyền thoại này đã được giải mã để nhân vật trở về đời thực, thì lớp lớp các huyền thoại khác lại xuất hiện không ngưng nghỉ, cho tới khi huyền thoại đã làm mờ nhòe con người thực của nhân vật, thì công cuộc thánh hóa của công chúng đã thành công. Và công chúng sẽ hoan hỷ khi họ có được một vị thánh đáp ứng nhu cầu tâm linh của chính họ.Cho dù nhân dân đã có vị thánh của mình, thì huyền thoại vẫn cứ tiếp tục xuất hiện. Tựa như: “Người lính già đầu bạc.Mãi kể chuyện Nguyên phong.’’

Tuy nhiên, trong lịch sử điều này hiếm khi xảy ra. Thử xem, lịch sử dân tộc ta trải mấy ngàn năm, biết bao người có sự nghiệp lẫy lừng, kiệt xuất, sử xanh còn lưu dấu tới muôn đời. Nhưng duy nhất tới nay mới chỉ thấy có Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được liệt vị thánh linh. Cũng như nước Pháp đã thánh hóa Jeanne d’ Arc (1412-1431) vào thế kỷ 15.

Chủ đề bài viết này, tác giả không có ý bàn về việc thánh hóa nhân vật lịch sử. Nhưng bắt gặp một hiện tượng lạ về một nhân vật lịch sử của nước mình, đang nảy sinh những nhân tố có khuynh hướng thánh hóa, nên không muốn bỏ qua.

Trở lại xem xét việc nên viết vấn đề gì về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để kịp nộp cho Ban tổ chức Hội thảo. Suy nghĩ kỹ, tôi thấy thực sự khó viết, nếu không nói đã bị ngợp choáng.

Trong nước, cả núi sách đã viết về Đại tướng. Nên nhớ, trong nhiều chục năm, danh từ Đại tướng mà không có danh tính kèm theo là để riêng chỉ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là dân chúng đang có khuynh hướng kiêng húy. Đây là một trong những yếu tố thánh hóa nhân vật. Và từ khi Đại tướng viên tịch, đã có nhiều sách viết về Người. Còn dân chúng liên tục nhắc nhớ về Người, lễ bái Người, cầu khẩn và ký thác niềm tin vào Người vv…

Ngoài nước thì người ta tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, đã là tác nhân gây sụp đổ liên hoàn hệ thống thuộc địa của các đế quốc trên toàn cầu. Các đối thủ của ông như tướng: De Lattre de Tassigny(1889-1952); Henri Navarre (1898-1983)… cơ hồ đều thân bại, danh liệt trên chiến trường Đông Dương(Chủ yếu diễn ra trên chiến trường Việt Nam, và sự quyết định thắng bại cũng trên đất nước Việt Nam). Khi quân Pháp đầu hàng ở mặt trận Điện Biên Phủ thì đại tướng Navarre là tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương. Hai năm sau nhận thất bại cay đắng, Navarre viết tác phẩm Agonie de l Indochine để cắt nghĩa về sự thất bại của quân Pháp trong chiến tranh Đông Dương.

Ngay các tướng lĩnh của một quân đội hùng mạnh nhất thế giới như Hoa Kỳ, đều ngả mũ kính phục ông, quay về viết sách lý giải: “Tại sao Mỹ thua?”.

Ngài Robert McNamara(1916-2009) cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cầm quân đối trận thời chiến tranh Việt Nam ác liệt nhất, cũng thân đến Hà Nội và xin gặp bằng được một danh tướng huyền thoại mà trước khi gặp, ông không tin đó là người thực.

Vậy đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được muôn dân sùng kính, được thế giới ngưỡng mộ, được kẻ thù tôn trọng. Không cần dựng tượng, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sừng sững như một tượng đài vĩnh hằng trong lòng dân.

Sau khi tham chiếu các sự kiện có liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp như phần trên tôi đã liệt kê, tôi quyết định sẽ không viết gì về Người nữa, mà chỉ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của một công dân tới Người.

Ngày 09 tháng 12 năm 2018

Hoàng Quốc Hải (Nhà văn)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vi-tuong-trong-long-dan-67275