Vị tướng luôn biết nhà báo cần gì?

Từ lúc 'bập bẹ' làm báo cho đến khi nghỉ hưu ở Báo QĐND, quá trình tác nghiệp tôiđược gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhiều nhân vật. Có người như 'đi guốc trongbụng' nhà báo, luôn hiểu, luôn biết nhà báo cần những thông tin, tình tiết nào để cungcấp cho nó đắt, phù hợp với chủ đề nhà báo viết.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng với Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và kinh tế_Ảnh: Thanh Tuấn

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng với Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và kinh tế_Ảnh: Thanh Tuấn

Thậm chí có người còn “mách” nhà báo tìm hiểu để viết những vấn đề khác, mà theo họ có tác dụng tốt trong tuyên truyền, cũng là để chuyến công tác của nhà báo thêm hiệu quả hơn. Gặp những người như thế, nhà báo chỉ việc “chộp” chứ chưa cần “đào”. Một trong những người giúp nhà báo “nhàn” hơn là Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

“Chộp” được tư liệu quý

Tôi biết Tướng quân Nguyễn Mạnh Hùng từ khi cấp hàm của anh mới là Đại úy, là trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Nam Định. Dịp ấy, tôi về dự Đại hội thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi đã thật cảm mến về người cán bộ tuyên huấn này, hiểu biết sâu rộng, nhưng không hề “huyếnh - sáo”, chỉ toát lên sự lịch lãm mà dí dỏm.

Hôm ấy, ngoài những thông tin, việc làm qua báo cáo trung tâm và các ý kiến tham luận tại đại hội, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng còn cung cấp cho tôi những thông tin, chi tiết đắt trong phong trào thi đua quyết thắng của LLVT tỉnh Nam Định, của cả bộ đội và dân quân tự vệ, cả trong thời chiến và thời bình. Với một phóng viên mới vào nghề như tôi lúc đó, thì thật quý bởi những thông tin, tình tiết mà do khuôn khổ báo cáo không đưa vào hết được.

Đưa tôi đi tham quan khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của phong trào thi đua Quyết thắng, anh giới thiệu với tôi về bức ảnh lịch sử - cô dân quân miền biển Hải Hậu đang kéo một cánh máy bay Mỹ bị quân và dân Nam Định bắn rơi trên bãi biển Hải Thịnh. Bức ảnh nổi tiếng với chú thích: “Sự trừng trị đích đáng” của Quang Văn, tôi cũng đã biết, nhưng người trong ảnh là ai, bây giờ ở đâu, tôi không hề biết.

“Chị ấy là Hà Thị Nhiên, hiện đang sống ở ngay thành phố Nam Định này” - anh Hùng nói với tôi như vậy rồi ghi rõ số nhà, ngõ phố nơi người trong ảnh đang sinh sống, làm ăn ở Thành Nam.

Sự mách bảo của Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng khiến tôi quyết định ở lại Nam Định thêm một đêm nữa, để sáng sớm hôm sau đến đầu ngõ Văn Nhân, đường Trần Hưng Đạo, TP. Nam Định để gặp chị Hà Thị Nhiên. Nhà chị ở phía trong, nhưng sáng sáng chị ra ngồi bán sữa đậu nành ở đầu ngõ, gom nhặt từng đồng cùng tiền lương hưu công nhân ít ỏi của hai vợ chồng trang trải cuộc sống và nuôi ba người con ăn học.

Từ thông tin của Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng và những câu chuyện của vợ chồng chị Nhiên thời xưa, thời nay, tôi có bài viết “Kiêu hãnh và bình dị” cùng hai tấm ảnh thời xưa chị kéo xác máy bay trên bãi biển quê hương và nay chị ngồi bán sữa đậu nành (đăng trên ấn phẩm Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo QĐND, số Tết 2001). Lần đầu gặp Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, tôi đã “chộp” được ngay chuyện ấy.

Lần khác, khi tôi và phóng viên Đoàn Xuân Bộ (nay là Thiếu tướng, Tổng biên tập Báo QĐND) đi viết về công trình quai đê lấn biển Cồn Xanh (thuộc huyện Nghĩa Hưng) do Bộ CHQS tỉnh Nam Định thực hiện. Đêm trước hàn khẩu đê quai, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cứ bồn chồn, lo lắng như chính những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp quai đê lấn biển. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, anh thật hiểu công việc của cha ông từ bao đời nay:

- Các nhà báo ạ, quai đê lấn biển là một công việc vô cùng gian truân, vất vả, đặc biệt là việc hàn khẩu vào sáng ngày mai. Nếu không được chuẩn bị thật tốt về tinh thần, vật lực thì không thể thành công, như: “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công chuyện gì”.

Đọc câu ca dao ấy, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ niềm tin:

- Dẫu nhiều khó khăn, dẫu có những tình huống bất ngờ từ biển cả, nhưng tôi tin chắc một điều những người lính sẽ vượt qua tất cả, xử lý mọi bất trắc để hàn khẩu thành công, xứng đáng là những hậu duệ của cụ Nguyễn Công Trứ…

Đêm ven biển, nằm nghe sóng vỗ ầm ào, có lúc như chát chúa, như thách thức người lính quai đê lấn biển của Bộ CHQS tỉnh Nam Định. Chúng tôi cũng không thể ngủ được đêm ấy, cũng tâm trạng như những hậu duệ của cụ Nguyễn Công Trứ.

Đúng như lời Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, việc hàn khẩu đê quai sáng hôm sau cũng gặp nhiều khó khăn, sóng lớn, sóng lừng, nhưng những cán bộ, chiến sĩ vẫn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ mỹ mãn. Trí tuệ, công sức của họ đâu như những chú dã tràng, để bây giờ hình thành một vùng ven biển trù phú, ngút ngàn màu xanh cây lá, những đầm, những ao inh ỉnh cá, tôm. Với cánh nhà báo chúng tôi, ngay đêm ấy và bây giờ, nghĩ lại thì thấy giá trị của cái bồn chồn và những điều gợi mở, so sánh, những câu ca dao… của Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng đêm ấy để có hồn cốt cho bài viết.

Vùng đất ngập nước ven biển Cồn Ngạn, Cồn Mờ - huyện Giao Thủy, Nam Định. Ảnh: TL

Đề tài từ thực tiễn

Lần khác, tôi và phóng viên Ngô Anh Thu (nay là Đại tá, Phó Tổng biên tập Báo QĐND) về huyện Giao Thủy viết về vùng đất ngập nước ven biển Cồn Ngạn, Cồn Mờ.

Khi đó anh Nguyễn Mạnh Hùng đã mang quân hàm Trung tá. Về đây, chúng tôi đến ngay Ban CHQS huyện, vừa là thăm anh vừa là hy vọng người con quê biển này sẽ “mách” chúng tôi những thông tin, những chi tiết cho bài viết. Tối ấy, anh mời chúng tôi về nhà ăn cơm và ngủ tại nhà anh cho ấm áp, tình cảm. Quả là khơi đúng nguồn, dẫu không phải là lĩnh vực của Ban CHQS huyện, nhưng câu chuyện bên mâm cơm và trong cả buổi tối hôm đó anh cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin giá trị về khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước ven biển của huyện nhà.

Trung tá Hùng tự hào mà khoe rằng: “Người xưa đúc kết - Đất tốt cò về, Giao Thủy quê tôi không chỉ có cò nội, mà cò ngoại từ nhiều đất nước xa xôi trên thế giới cũng tìm về đấy!” Trước đó, chúng tôi cũng đã biết, giống cò mỏ thìa từ nhiều quốc gia phương Bắc trên đường bay di cư đã chọn Cồn Ngạn, Cồn Mờ của Giao Thủy là nơi duy nhất ở Việt Nam để tránh rét hằng năm, nhưng chưa khái quát thành “cò nội”, “cò ngoại”.

Vậy nên khi nghe Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nói vậy chúng tôi cảm thấy thú vị lắm. Còn bao chuyện khác trong tối hôm ấy, chuyện về lịch sử, truyền thống của vùng quê này, về các món ăn dân dã đậm chất quê biển, cả cách nuôi dạy, giáo dục, định hướng cho con… chúng tôi cũng “thu lượm” được bao điều bổ ích cho công việc làm báo và cuộc sống.

Kể bao câu chuyện, cung cấp cho chúng tôi bao thông tin, tình tiết về chủ đề viết trước, viết sau, rồi Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng so sánh:

- Nhà báo các anh, giống như người lính chiến, khi vào trận là phải có lương khô, dùng khi bất trắc. Những câu chuyện, vấn đề, thông tin như tôi bày tỏ với các anh hôm nay, có thể viết ngay, dùng luôn, nhưng cũng có những chuyện, những chi tiết giữ lại làm “lương khô”. Nhưng nhà báo dùng “lương khô” cũng phải biết cách mới “ngon”, mới thuyết phục được người đọc…

Điều bày tỏ trên càng làm chúng tôi thêm ngạc nhiên về sự hiểu biết báo chí - truyền thông của Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng. Rằng, anh là người ngoại đạo, không qua trường lớp báo chí, mà sao hiểu về báo chí đến thế. Chắc hẳn anh chưa nghe cụm từ “lao động quá khứ” mà các trường báo trong nước và thế giới đều dạy, đều nói. Nhưng “nhà báo cần có lương khô, cần biết cách dùng lương khô” thì đúng là vấn đề giảng dạy báo chí và người viết báo cần sử dụng phù hợp, đắc địa trong bài viết. Bài báo như thế mới có chiều sâu, thuyết phục, nhà báo không để lãng phí “lao động quá khứ”, vốn tích lũy của mình.

Có lần gặp lại Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, tôi nhớ lại câu nói giàu hình ảnh của anh: “Nhìn biển hiền hòa thế kia nhưng bất chợt có sóng dữ, sóng lừng. Hiểu lòng dân cũng như hiểu lòng biển vậy…”. Tôi lại “chộp” được ngay ý này để viết phóng sự “Về với vùng chân sóng”.

Về sau anh đảm nhận những cương vị cao hơn, tôi tạm xa công việc của người phóng viên để làm nhiệm vụ khác trong tòa soạn, vì thế chúng tôi không có dịp gặp nhau. Mãi đến cuối năm 2018, khi Báo QĐND xuống giao lưu với Bộ Tư lệnh Quân khu 3, tôi mới được gặp lại anh Nguyễn Mạnh Hùng, năm đó anh đã mang quân hàm Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3. Câu chuyện về Chính ủy hiểu và quan tâm đến báo chí lúc này tôi lại được nghe những đồng nghiệp ở Báo Quân khu 3 kể nhưng ở “cấp độ” cao hơn. “Vườn cây Chính ủy”, “Giò lan Chính ủy” đó là tên những vườn cây, giò lan mà Chính ủy Nguyễn Mạnh Hùng tặng các đơn vị, cơ quan, được cán bộ, chiến sĩ ươm trồng, chăm sóc tốt tươi và gọi với cái tên trân quý như thế.

Các đồng nghiệp của Báo Quân khu 3 còn tiết lộ một con số hết sức ấn tượng: Từ khi làm Phó chủ nhiệm Chính trị đến lúc làm Chính ủy Quân khu 3, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã tặng các cơ quan, đơn vị và gia đình chính sách hơn 10 nghìn cây ăn quả, cây bóng mát. Nghe thông tin này, tôi lại hiểu thêm về đức tính quý, “việc làm xanh” của vị Trung tướng, Chính ủy Quân khu này.

Đầu năm 2020, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng đảm nhiệm cương vị mới - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Vì được cộng tác với Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, mà anh là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo ấn phẩm này, nên tôi càng cảm mến, khâm phục vốn báo chí - truyền thông ở vị Tướng quân trên lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.

Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, ai cũng bày tỏ niềm cảm phục trân quý Thủ trưởng của mình: “Chính ủy của chúng tôi hiểu và quan tâm đến báo chí ở mọi phương diện, góc độ. Sự chỉ đạo của Chính ủy luôn có gợi mở song hành, ở cả viết báo và làm báo, ở cả nội dung và hình thức, ở cả ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử”. Thật hạnh phúc cho những nhà báo khi được gặp gỡ, trao đổi với Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng./.

Tô Thành Tuyên

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/vi-tuong-luon-biet-nha-bao-can-gi-n56083.html