Vị tướng & Ký ức sâu đậm về ba mùa xuân

Từng trải qua hơn 70 mùa xuân cuộc đời, nhưng có ba mùa xuân khiến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ rõ hơn cả, bởi nó tác động không chỉ đến ông, mà còn là những chuyển động đặc biệt, ảnh hưởng tới nền độc lập, hòa bình lâu dài của đất nước. Ký ức về ba mùa xuân ấy, luôn trở đi, trở lại với tướng Hiệu, mà mỗi lần, dường như thấm sâu hơn.

Bức ảnh chụp tại quê nhà trước khi nhập ngũ

Bức ảnh chụp tại quê nhà trước khi nhập ngũ

Xuân 1965 - Tết hứng khởi, tràn đầy hy vọng

Trong đời binh nghiệp của mình, Tết Âm lịch năm 1964, đón xuân 1965 đối với tướng Hiệu thật nhiều hào hứng. Khi ấy, tướng Hiệu còn là một chàng trai đầy nhiệt huyết, mang trong mình ước vọng lớn, được nhập ngũ để trở thành anh bộ đội cụ Hồ, tham gia đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đợt tuyển quân, anh đã trúng tuyển và tết năm ấy là dịp để gia đình, các tổ chức đoàn thể trong thôn, xã Hải Long, Hải Hậu (Nam Định) và bạn hữu tổ chức lễ tiễn con em quê hương lên đường nhập ngũ. Tết chuẩn bị lên đường đi đánh giặc là cái tết bịn rịn, nhưng cũng vui nhất. Ai nấy đều muốn ăn một cái tết thật lớn, chiêu đãi những người con, em sắp ra chiến trường những món ngon nhất và về tinh thần, thì muốn gửi gắm thật nhiều yêu thương.

Người Việt chúng ta khi Tết đến, ngoài truyền thống trang trí nhà cửa, đoàn tụ, đi chúc tết thăm hỏi người thân, họ hàng, còn rất xem trọng món ăn ngày Tết. Tết đón xuân 1965 ấy ở Hải Long, Hải Hậu, các gia đình có con nhập ngũ đều muốn chuẩn bị nhiều món thật ngon. Gần Tết, đang mùa đổ ải, người dân tháo nước tràn vào các ruộng đang phơi ải, mang theo nhiều loại cá ngon vào các rãnh ngập nước. Hầu hết là cá nước lợ, cá sông, thậm chí là cá biển. Chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hiệu cùng bạn ra đồng bắt cá. Khỏi nói, đó là một niềm vui khó phai trong ký ức bất cứ ai từng sống ở thôn quê, vùng có sông nước.

Bắt cá mùa đổ ải trước tết đã thành nếp sinh hoạt quen thuộc đậm chất thôn quê Hải Long, Hải Hậu. Những đêm trước đêm 30, màn trời đen kịt, chỉ thấy đom đóm lập lòe nhập cùng ánh sáng lân tinh khu mồ mả ngoài đồng, thêm ánh sáng từ đèn pin của những người đi soi cá càng tạo nên không gian kỳ ảo. Hàng đàn cá chép cả chục con to lững lờ nối đuôi nhau theo dòng nước bơi vào ruộng ải, thậm chí có cả cá vược từ biển vào, cá trôi, trắm từ sông, nhưng nhiều nhất vẫn là cá chép. Những con chép to, nặng tới 2-3kg dễ bắt nhất. Có đêm, một người đi soi cá ruộng ải có thể bắt được vài chục kg cá. Thiên nhiên tươi đẹp vùng quê thực biết chiều lòng người.

Số cá chép bắt được, anh Hiệu mang về nhà dùng kho lá gừng. Người dân quê anh có tập tục ăn cá chép kho dịp Tết. Mỗi con cá chép to được kho riêng một nồi đất, kho nguyên cả con. Lót lá gừng đáy nồi, đặt cá chép vào nồi đất, cho tương và nước ngập cá, kho đến khi cạn nước thì lấy cả con cá ra đĩa, dưới có lớp lá gừng, thịt cá bùi béo thơm ngon đậm đà vị tương gừng. Mỗi mâm cỗ Tết luôn cần một con cá chép kho lá gừng nồi đất như vậy. Đó là món ngon đặc biệt trong mâm cỗ quê, để thương để nhớ trong lòng biết bao người con, chiến sĩ Hải Long, Hải Hậu đi vào chiến trường. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nhưng cỗ tết năm ấy, các gia đình vẫn cố gắng lo cho mâm cỗ đủ đầy, ngoài món cá chép kho đánh bắt ngoài đồng, còn có thịt luộc, giò, xôi, bánh chưng... để thết đãi con em mình trước khi ra chiến trường vô cùng gian khổ.

Tướng Hiệu thăm lại chiến trường xưa và đồng đội

Trong xóm, khắp nơi chăng cờ hoa, từng thôn tết cổng chào bằng lá dừa, hai bên là hai dòng khẩu hiệu “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Sau Tết, trong lễ tòng quân, các bạn gái trong thôn mang những chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu, đôi chữ cái đầu tên của người lính mình thương nhớ và tên của mình lồng vào nhau, gói 5-7 bông hoa bưởi, đem tặng người lính. Những chiếc khăn tay này được những người lính quê hương mang theo khắp chiến trường, luôn để trong balô. Ai còn sống trở về thì mang theo khăn về, ai hy sinh thì chiếc khăn được đồng đội gửi về quê trả lại cho gia đình hoặc người con gái ấy. Những người còn sống trở về sau chiến tranh, nay cũng đã 74-75 tuổi, trong lòng đều rộn ràng khi nhớ về cái tết chào xuân 1965, một cái Tết không thể nào quên trong lòng người đi đánh giặc.

Xuân 1968 - Đón tết trên đường hành quân

Tết đón xuân năm 1968 cũng là một cái Tết thực sự sâu đậm trong lòng vị tướng. Hồi đó, anh lính Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội đón Tết trong khi hành quân, chuẩn bị cho chiến dịch. Anh em ai nấy đều thương người thân, nhớ quê nhà, nhớ hơi ấm bếp lửa, nhớ vị ngon món Tết...

Để nâng tinh thần anh em chiến sĩ, chương trình làm báo tường được phát động. Anh Hiệu (khi đó là Trung đội trưởng) và đồng đội viết báo, làm thơ, ai có khiếu về thể loại nào thì sáng tác thể loại đó. Hiệu làm bài thơ “Mùa xuân 1968”, được anh em thích, học thuộc, rồi ngâm thơ suốt thời gian Tết trong rừng. Bài thơ và các bài báo, bài văn khác trên báo tường đều hừng hực khí thế, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, lạc quan yêu đời của các anh lính trẻ và cũng là tình cảm các anh dành cho nhau, động viên nhau khi tết phải xa nhà... Ai cũng lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của cách mạng.

Khi có người đồng đội hy sinh, các anh cũng vận dụng mọi thứ tại chỗ để lo cho đồng đội được tươm tất nhất: Lấy tăng làm áo quan, cắt mảnh thùng sắt đục tên tử sĩ cắm lên đầu mộ, dùng hoa chuối, lan rừng, nải chuối xanh đặt lên mộ cho đồng đội, dùng lọ penixilin đã hết thuốc, bỏ mảnh giấy ghi tên người hy sinh vào, nút chặt rồi bỏ túi áo tử sĩ để sau này thân nhân có thông tin xác định danh tính thuận lợi hơn.

Xuân 1975 - Chuẩn bị, huấn luyện chu đáo

Tết đón xuân năm 1975 là một cái Tết thật yên ả và đầy đủ, một cái Tết mà tướng Hiệu được ở miền Bắc, ăn tết với các món ngon miền Bắc quen thuộc. Bộ đội được ăn Tết thật ngon, chuẩn bị tâm lý và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm vào trận là quyết thắng, giải phóng miền Nam.

Lúc đó, ông Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B, thuộc Quân đoàn I). Ông chỉ huy Trung đoàn đi đắp đê Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh, tạo cho phía địch cảm giác an tâm rằng binh đoàn chủ lực của ta chưa chuẩn bị đánh. Nhưng thực tế, lính quân đoàn đang được huấn luyện rất kỹ, chuẩn bị chu đáo.

Nhờ cái Tết no đủ, vui vẻ trong an bình, những người lính không chỉ phục hồi sức lực, trau dồi kỹ năng và phương pháp mới đánh giặc nên đến tháng 4-1975, toàn quân toàn dân ta đã thực hiện chiến dịch “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-tuong-ky-uc-sau-dam-ve-ba-mua-xuan-598777.html