Vị tướng công an làm quan hai chế độ

Ít ai biết vị tướng công an thường thích nhai trầu, làm thơ mang dáng dấp của một nhà nho lại là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, từng là người lãnh đạo cơ quan tình báo K49 với nhiều điệp vụ khét tiếng...

Ngày 9-10, bà Chín Loan (Võ Thị Loan), cựu sĩ quan Công an tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận), đã được đưa đi an táng, hưởng thọ 93 tuổi. Nhiều người ngạc nhiên khi căn nhà nhỏ của bà Loan trên đường Thủ Khoa Huân, Phan Thiết có rất nhiều tướng, tá công an, quân đội ở nhiều tỉnh, thành về viếng trong khi bà Loan chỉ là một cán bộ tổ chức bình thường.

Ít ai biết bà chính là “nội tướng”, người đứng sau, âm thầm góp phần tạo nên huyền thoại của chồng bà - Thiếu tướng Huỳnh Anh (Chín Huỳnh), vị tướng tình báo công an từng “làm quan” hai chế độ. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là cách nay 13 năm, Thiếu tướng Chín Huỳnh cũng mất ở tuổi 93 (1913-2006). Trước ngày ông mất, tôi từng nhiều lần ghé nhà ông bà và được ông giải thích vì sao gọi ông là thứ Chín trong khi gia đình ông chỉ có ba anh em.

“Không phải tôi ca ngợi hay nịnh nọt gì bà Loan mà bả là một người vợ xứng đáng được kính trọng. Suốt cuộc đời tôi tham gia làm cách mạng rồi vì nhiệm vụ chuyển công tác khắp nơi, lấy nhau có tới năm đứa con mà thời trai trẻ có ở được với nhau mấy ngày. Toàn bộ việc nhà, việc con cái bả đều một mình gánh vác, nể sự hy sinh thầm lặng ấy nên tôi lấy thứ chín của bả mà đặt tên cho mình…” - Thiếu tướng Chín Huỳnh chia sẻ.

Vợ chồng ông Chín, bà Loan. Ảnh chụp năm 2005

Vợ chồng ông Chín, bà Loan. Ảnh chụp năm 2005

14 năm trước, năm 2005 tôi may mắn được gặp, trò chuyện với Thiếu tướng Chín Huỳnh trước ngày ông mất khoảng hơn một năm (18-7-2006). Mấy tuần liền, mỗi ngày vài giờ đồng hồ hai bác cháu ngồi uống trà trao đổi, ông luôn lắc đầu cười vang cả nhà vì cho rằng ông không là gì mà nhà báo phải chịu khó “đeo bám” quá “rát" đến vậy. Cứ thế, câu chuyện về một vị tướng công an từng làm quan triều Nguyễn với một “lý lịch dữ dội” dần hé mở...

Vị tướng thầm lặng

Từ đứa trẻ chăn trâu, dựa cửa trường làng học lóm lấy bằng Primaire rồi đỗ luôn thủ khoa trong kỳ thi vào Quốc Tử Giám năm 1932 do triều Nguyễn tổ chức, 22 tuổi, ông trở thành thừa phái và được cử vào Bình Thuận làm quan. Không thể nhìn dân khổ cực dưới chế độ phong kiến bị chia cắt, chàng thanh niên Huỳnh Anh từ quan và trở thành một chiến sĩ tình báo kiệt xuất.

Đất nước thống nhất, ông trở về nơi mình từng làm quan và được ghi nhận là vị tướng có công lớn trong việc dẹp trừ Fulro bằng sự đảm lược và cách thu phục nhân tâm độc đáo của mình.

Ít ai biết vị tướng công an thường thích nhai trầu, làm thơ mang dáng dấp của một nhà nho lại là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, từng là người lãnh đạo cơ quan tình báo K49 với nhiều điệp vụ khét tiếng. Vậy mà ông không bao giờ nói về mình, về những chiến công lẫy lừng mà ông đã thực hiện.

Thời điểm đó Đại tá Trần Sỹ Tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Do đặc điểm nghề nghiệp, khi còn sống, thiếu tướng rất ít khi nói về cuộc đời hoạt động của mình. Ông không tự đánh giá kết quả công việc của mình làm và nhất là những chiến công thầm lặng trong thời gian hoạt động tình báo cũng như đi huấn luyện các tình báo viên ở nước ngoài. Thông thường ông chỉ kể những câu chuyện có tính chất truyền thụ lại kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ”. Đại tá Trần Sỹ Tá cho biết thêm bản thân thiếu tướng Huỳnh Anh không muốn viết hồi ký mặc dù Bộ Công an và Công an tỉnh nhiều lần gợi ý, tạo điều kiện nhưng ông chỉ luôn mỉm cười từ chối.

Tuy nhiên, do bị chúng tôi quá kiên trì và lì lợm đeo bám, cuối cùng những huyền thoại của ông mới được kể lại.

Tuổi thơ vất vả và bài thơ từ quan

Thiếu tướng Chín Huỳnh. Ảnh: Tư liệu

Năm 2005, lúc đó Thiếu tướng Chín Huỳnh đã bước vào tuổi 92 nhưng ông vẫn còn khỏe và minh mẫn. Hằng ngày ông vẫn làm thơ, những bài thơ niêm luật rất chắc tay theo dòng thời sự của đất nước.

Vị tướng già kể chậm rãi: “Tôi sinh ra ở Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam, lên bốn đã mồ côi cha nên phải ra đồng chăn trâu giúp mẹ. Nhà nghèo con trâu nó cũng nghèo, ghẻ lác lại gầy nhom vì vậy không cỡi được, nên bị bọn trẻ cùng lứa chê cười dữ lắm…”.

“Con trâu nghèo” nên không thể theo kịp bầy, cậu bé Huỳnh Anh chỉ chăn thả quanh quẩn trong xóm, còn mình ngày nào cũng đến ngôi trường làng dựa cửa xem thầy dạy chữ. Thương thằng nhỏ đầu còn để chỏm mà ham học, ông thầy ưu ái gọi vào cho ngồi học luôn mà khỏi cần đong lúa trả học phí. Ai dè cậu bé Huỳnh Anh sáng trí quá và trở thành học trò giỏi nhất trong trường.

Thi đậu Primaire, Huỳnh Anh xin mẹ cho thôi chăn trâu để lên Tam Kỳ học tiếp. Hôm từ giã mẹ và họ hàng lên đường, trong tay nải của cậu thanh niên chân đất chỉ có một bộ đồ vá chằng vá đụp và vài cắc bạc Đông Dương lấm lem mùi bùn. Vừa dạy thêm để kiếm tiền ăn và học tại nhà thầy Nhẫn, Trợ Hiên ở Tam Kỳ, chẳng mấy chốc cậu thanh niên người Điện Bàn đã nổi tiếng khắp xứ Quảng vì sở học.

Năm 1932, nghe triều đình Huế mở khoa thi vào Quốc Tử Giám, chàng thanh niên Huỳnh Anh liền xin phép thầy lều chõng ứng thí. Ngày xướng tên tân thủ khoa, quan trường thi phải gọi đến ba lần, Huỳnh Anh mới dám đáp vì ông không dám tin mình đỗ cao nhất giữa hàng trăm sĩ tử cả nước về dự. “Chó ngáp phải ruồi thôi chứ mình là con nông dân, sao so lại với biết bao công tử, hoàng thân quốc thích trong triều” - Thiếu tướng Chín Huỳnh kể bằng giọng khôi hài.

Hơn ba năm kinh sử, mới 22 tuổi Huỳnh Anh đã được triều Nguyễn bổ nhiệm làm quan thừa phái vào phủ Bình Thuận nhậm chức. Làm quan ăn trắng mặc trơn nhưng ông quan trẻ luôn đau đáu nỗi đau của người dân bần cùng thời thuộc Pháp. Năm 1942 ông bất ngờ từ quan, rũ áo lên rừng theo kháng chiến. Bài thơ “ngẫu cảm” mà ông sáng tác năm 1940 đã cho thấy vị quan trẻ đã trăn trở, khắc khoải với thân phận mình

Giang hồ trì sính kỷ cương sinh Tạm dịch: Đường đời dong ruổi đã bao năm

Bạch chỉ đồ nha ngộ thử sinh Giấy trắng đành đem vẽ quạ chăng

Hường hộc kỳ tằng phong vũ thấp Chim giữa trời mưa nắng chẳng quản

Bá tòng bất nại tuyết sương kinh Cây mùa đông tuyết giá đành cam

Vũ mao cố ảnh tàm nan trạng Nhìn qua lông cánh càng day dứt

Bê (tỳ) nhục thôi nhơn hận vị bình Ngắm lại bóng hình luống khổ tâm

Lõi lõi sầu trường hà xứ để Biết tỏ cùng ai niềm sâu kín

Thương thiên vạn lý nguyệt tam canh Trăng khuya thông cảm với thăng trầm

Tháng 8-1945, cách mạng bùng nổ, Huỳnh Anh lao ngay vào tuyến đầu với nhiệm vụ là cán bộ Công an tỉnh Quảng Nam. Sau đó ông được điều về phụ trách Công an tỉnh Quảng Ngãi, rồi Công an Liên khu V. Ở đâu, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình như “chim giữa trời mưa nắng chẳng quản”.

Vụ án gián điệp hai mang

Từ 1948 đến 1950, ông được cử giữ chức trưởng Ty Công an tỉnh Quảng Ngãi. Theo hồ sơ lưu thì lúc đó ông là một trong những cán bộ công an rất giỏi về nghiệp vụ điều tra vì có cách hỏi cung sắc sảo và thông minh.

Thời điểm trên, cơ quan tình báo Liên khu V đang giải quyết vụ án khi thông tin từ căn cứ liên tục bị lộ, rò rỉ và đều bị Phòng Nhì quận đội Pháp nắm hết toàn bộ. Một số đương sự bị quy kết là gián điệp và bị bắt giam nhưng lại liên tục kêu oan. Trước tình hình phức tạp này, không thể vội vã kết tội những người đã bị bắt đều là những đồng đội, đồng chí khi chưa có chứng cứ rõ ràng nên Liên khu ủy Khu V điều ông cùng một số cán bộ khác sang phối hợp điều tra vụ án. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp hỏi cung, ông Huỳnh Anh kết luận vụ án này xảy ra là do sai lầm trong việc dùng gián điệp hai mang. Ngoài ra, do không tuân thủ các biện pháp hỏi cung nên đã bắt và quy kết oan những người vô tội. Sau kết luận này, toàn bộ những người bị bắt đều được trả tự do. Sau thành tích trên, năm 1951 ông được cử giữ chức trưởng Phòng Bảo vệ chính trị Công an Liên khu V.

Đến năm 1952, ông được điều sang Bộ Tư lệnh Liên khu V phụ trách Ban Bảo vệ các chiến dịch gồm bộ phận bảo vệ căn cứ và bộ phận bảo vệ chiến trường. Trong trận đập tan cứ điểm Măng Đen cách Kon Tum 60 km đêm 27-1-1954, mở màn chiến dịch Đông Xuân, ông Huỳnh Anh chính là người chịu trách nhiệm lập kế hoạch nghi binh. Nhờ kế hoạch táo bạo của ông, cuộc hành quân của bộ đội được đảm bảo bí mật đến phút chót và chỉ sau sáu giờ nổ súng, cứ điểm Măng Đen đã bị san bằng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông bàn giao chiến trường Gia Lai-Kon Tum và được lệnh rút vào hoạt động bí mật, xây dựng mạng lưới bí mật trong vùng tạm chiếm. Hoàn thành, ông được lệnh tập kết ra Bắc và năm 1958, do thông thạo năm thứ tiếng Trung, Pháp, Lào, Campuchia, Thái nên ông được điều về Hà Nội, công tác ở Vụ 6B ( tức K.49 - nay là Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) và được đề bạt giữ chức vụ phó.

Kỳ cuối: Điệp vụ ở biên giới Ý - Thụy Sĩ

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/vi-tuong-cong-an-lam-quan-hai-che-do-863141.html