Vì Trung Quốc, không quân Nhật Bản phải 'đem dao mổ trâu giết chim sẻ'

'Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn làm JASDF mất cân bằng và luôn phải phản ứng, hao mòn máy bay và phi hành đoàn, gây áp lực đào tạo và duy trì áp lực hàng ngày', Peter Layton, một nhà phân tích của Viện Griffith Châu Á ở Australia, nói.

Không quân Nhật Bản đang sử dụng các tiêm kích tàng hình F-35 mới của mình làm nhiệm vụ cảnh báo

Không quân Nhật Bản đang sử dụng các tiêm kích tàng hình F-35 mới của mình làm nhiệm vụ cảnh báo

Không quân Nhật Bản đang sử dụng các tiêm kích tàng hình F-35 mới của mình làm nhiệm vụ cảnh báo, có nghĩa là bất cứ ngày nào các tiêm kích có năng lực né tránh radar này cũng có thể phải cất cánh trong thời gian ngắn để đánh chặn và theo dõi các máy bay chiến đấu Trung Quốc đang thăm dò vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản.

Nhưng nếu Tokyo có cách khác thì những chiếc, F-35 sẽ không phải làm công việc buồn tẻ, tốn nhiều công sức này. Chúng quá đắt, độ tin cậy thấp và năng lực của chúng phù hợp cho các nhiệm vụ khác và không thể lãng phí chúng cho những chuyến bay lên xuống nhàm chán.

Hơn nữa, việc bào mòn khả năng tấn công mặt đất cao cấp của F-35 trong các hoạt động kiểm soát trên không thường xuyên là điều chính xác mà Bắc Kinh muốn Tokyo làm, theo nhận định của một số nhà quan sát.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản là một trong những lực lượng phòng không bận rộn nhất trên thế giới. Số lần không quân Nhật Bản (JASDF) chặn máy bay Trung Quốc bay qua vùng nhận dạng phòng không của Tokyo đạt đỉnh 851 lần vào năm 2016.

Trong nhiều năm, chính sách của JASDF là xuất kích 4 chiếc F-15J hoặc các máy bay chiến đấu khác để đối đầu với máy bay Trung Quốc. Nhưng tất cả những chuyến bay trong thời gian ngắn đó đều gây thiệt hại cho phi công và máy bay. Đối với Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), đó là một phần mục tiêu.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn làm JASDF mất cân bằng và luôn phải phản ứng, hao mòn máy bay và phi hành đoàn, gây áp lực đào tạo và duy trì áp lực hàng ngày", Peter Layton, một nhà phân tích của Viện Griffith Châu Á ở Australia, nói với CNN năm ngoái.

200 chiếc F-15 của Nhật Bản và phi hành đoàn chịu thiệt hại nặng nề nhất. Layton nói: “Tuổi thọ phi đội F-15J của Nhật Bản gần như nằm trong tay Trung Quốc”.

Việc JASDF thay thế một nửa số F-15 - cộng với các loại máy bay chiến đấu khác - bằng 160 chiếc F-35 mới cũng chẳng làm thay đổi tình hình. Và F-35 không hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ cảnh báo.

Trong biên chế của Mỹ, một chiếc F-35 chỉ sẵn sàng chiến đấu 60% thời gian, so với 70% của F-15. Một chiếc F-35 tiêu tốn 10 triệu USD mỗi năm để hoạt động. Một chiếc F-15 có giá chỉ 6 triệu USD.

"F-35 không thích hợp để cất cánh khẩn cấp", Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với Kyodo News.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Charles Brown, Jr. cũng cảm thấy như vậy. Brown nói với các phóng viên hồi tháng 2 rằng F-35 là “một chiếc Ferrari”. “Bạn không lái chiếc Ferrari của mình đi làm hàng ngày, bạn chỉ lái nó vào Chủ nhật. Đây là máy bay chiến đấu ‘cao cấp’ của chúng tôi. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không sử dụng chúng cho cuộc chiến cấp thấp. ”

Tướng Brown còn nói: “Tôi muốn tiết chế mức độ chúng tôi sử dụng những chiếc máy bay đó. Nhưng môi trường kiểm soát trên không xung quanh Nhật Bản không hẳn là ôn hòa”.

Với chi phí gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng xâm nhập, Tokyo năm nay đã điều chỉnh các chính sách phòng không của mình. Trước đây bốn chiếc F-15 có thể đánh chặn bất kỳ máy bay Trung Quốc nào bay qua ADIZ của Nhật Bản, thì giờ đây, JASDF chỉ lệnh cho các tiêm kích bay lên chặn những máy bay thăm dò hung hãn nhất của Trung Quốc. Các radar mặt đất và các hệ thống phòng không khác giám sát các phi vụ khác của Trung Quốc.

Sự thay đổi chính sách giải thích tại sao các vụ đánh chặn máy bay Trung Quốc của Nhật Bản giảm xuống còn 675 vào năm 2019 và giảm tiếp xuống chỉ còn 331 vào năm 2020.

Nhưng 331 lần xuất kích vẫn còn là rất nhiều đối với phi đội máy bay chiến đấu nhỏ của Nhật Bản. Để so sánh, toàn bộ liên minh NATO với hàng trăm máy bay chiến đấu của họ đã thực hiện chỉ 430 vụ đánh chặn máy bay Nga trong năm 2019.

F-35 có thể không lý tưởng cho việc kiểm soát trên không, nhưng JASDF không có lựa chọn nào khác. Ngay cả theo chính sách mới, hàng năm có thể có hàng trăm cuộc xâm nhập của Trung Quốc yêu cầu phản ứng trên không.

Một trăm chiếc F-15 không thể xử lý khối lượng công việc. Những chiếc máy bay F-35 đắt tiền, tốn nhiều công sức bảo dưỡng của Nhật Bản phải giúp đỡ. Ngay cả khi chúng không phù hợp với việc này lắm.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-trung-quoc-khong-quan-nhat-ban-phai-dem-dao-mo-trau-giet-chim-se-post1325486.tpo