Vì trò, thầy vượt non cao...

Mù chữ, mù cả tiếng phổ thông nên người La Hủ duy nhất ở bản Ứ Ma, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) có thể nói chuyện với tôi một cách “bập bõm” là trưởng bản Ly Sạ Đư. Tại các bản khác của Pa Ủ, việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông cũng khó khăn tương tự. Rào cản vô hình này đang khiến cho việc gieo chữ ở xã vùng cao Pa Ủ - đã khó lại càng thêm khó.

Lớp 2 với 5 học sinh ở điểm trường bản Hà Xi - Hà Nê. Ảnh: HOÀNG MAI

Gian nan đưa trò tới lớp

7h30 sáng, khi những đám sương mù bắt đầu dần tan trên đỉnh núi, cũng là lúc thầy giáo người Mường - Bùi Văn Xuân (điểm Trường Tiểu học bản Hà Xi - Hà Nê, xã Pa Ủ) gõ kẻng tập trung học sinh vào lớp. Đợi mãi chưa thấy học sinh nào, thầy Xuân lại đi một vòng quanh bản làm công việc quen thuộc đã nhiều năm nay: Tìm và dẫn học sinh tới lớp. Sau một hồi động viên, khuyên nhủ phụ huynh và học sinh, 8h30 buổi học ở lớp 1 của thầy Xuân bắt đầu với 5 học sinh/sĩ số 9 học sinh.

Giống như thầy Xuân, sáng nào, cô giáo người Thái - Lò Thị Thảo (điểm Trường Tiểu học ở bản Ứ Ma - xã Pa Ủ) cũng lo lắng về việc 12 em học sinh hôm nay liệu có đến lớp đủ không? Danh sách lớp ghép 1 và 2 của cô Thảo có 14 học sinh, nhưng 2 em Ly Lò Bơ và Vàng Sè Chờ, từ hôm khai giảng chưa một ngày đến lớp. “Nương rẫy của người La Hủ thường ở rất xa nên bà con dựng lán làm nương rồi ở lại đó cả tuần. Trẻ em được bố mẹ mang đi theo lên nương từ khi ẵm ngửa. Đến tuổi đi học, bố mẹ từ chối cho trẻ đến trường vì để ở nhà không ai trông” - cô Thảo cho biết.

Học sinh lớp 1 và 2 của cô Thảo đứa nào đứa đấy bé như cái kẹo, ngoan ngoãn ngồi nghe cô giảng bài. Vậy nhưng, nguyên việc đánh vần chữ mờ i mi (mi) mà cô giáo nhắc đi nhắc lại, nhiều em vẫn ngơ ngác. “Các em không biết tiếng phổ thông nên rất vất vả để các em hiểu, dù là từ đơn giản nhất. Có khi hôm nay dạy, sáng mai hỏi lại các em không nhớ chữ gì. Đành phải ôn lại từ đầu” - cô Thảo buồn bã.

Để vận động các em tới trường, cô Thảo phải nhờ trưởng bản đưa đến tận nhà mỗi em để thuyết phục bố mẹ, ông bà, nhưng nhiều gia đình vẫn không cho con đi học. Phụ huynh thì không ai biết tiếng phổ thông nên cô giáo góp ý, dặn dò gì chỉ im lặng hoặc cười…

Với thầy Bùi Văn Xuân, chuyện vận động học sinh tới trường cũng luôn là nỗi ám ảnh khi mỗi năm học bắt đầu: “Tôi là giáo viên “cắm bản”, nhưng muốn gặp trưởng bản còn khó. Vì trưởng bản ở trên nương là chủ yếu. Nhiều lần đi bộ cả tiếng đồng hồ lên nương tìm trưởng bản nhờ vận động giúp, nhưng đến nơi không gặp, lại đi bộ quay về…”.

Từ tháng 9.2016, theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, chế độ dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào La Hủ đã được nâng lên. Hằng tháng, các em học sinh bán trú được hỗ trợ trung bình 690.000 đồng/em + 15kg gạo… Vậy nhưng để chính sách, chế độ đến được với các em, cũng lại một tay các thầy cô lo liệu.

Một buổi học tại lớp ghép của cô giáo Thảo. Ảnh: HOÀNG MAI

“Người La Hủ chưa có thói quen khai sinh cho con, nên để các cháu được hưởng chế độ của Nhà nước dành cho học sinh DTTS, cô giáo lại phải đến từng nhà hỏi tên, ngày tháng năm sinh rồi đi làm giấy khai sinh cho trẻ. Bố mẹ cũng không nhớ chính xác con mình sinh ngày nào, chỉ biết sinh mùa hè hay mùa đông, sinh cùng mùa với con trâu, con chó trong nhà… Vậy mà không may cô kê khai thiếu cháu nào, lúc lĩnh tiền chế độ không có, phụ huynh lại tìm cô giáo bắt đền…” - cô Thảo chia sẻ.

Nỗi niềm người đi gieo chữ

Tranh thủ giờ ra chơi, chúng tôi ghé thăm căn phòng đơn sơ dựng ngay sát cạnh điểm trường của cô giáo Lò Thị Thảo. Mặc dù chủ nhân của căn phòng đã cố gắng sắp xếp nhưng vẫn không giấu nổi sự tuyềnh toàng của cảnh cơm niêu nước lọ. Để lại 2 con thơ (một cháu 3 tuổi, một cháu 4 tuổi) ở nhà dưới xã Mường Tè cho cụ nội trông, cứ đầu tuần, cô Thảo lại vượt 50km lên dạy học ở bản Ứ Ma. Chồng cô, thầy giáo Sếnh Văn Chinh (người dân tộc Mảng) cũng xa nhà, dạy học ở điểm trường tại trung tâm xã.

“Các cháu ở điểm trường ăn bán trú ngày 3 bữa nên ngoài giờ dạy, tôi lại tranh thủ giặt giũ đồng phục, trồng rau, nấu nướng cho các cháu ăn” - cô Thảo kể. Là phụ nữ nên nhiều khi thay đồ, giặt đồ, chải tóc, bón cơm cho học sinh, cô Thảo không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến 2 đứa con nhỏ, mỗi lần chỉ được gặp bố mẹ vào cuối tuần.

Vậy nhưng, so với thầy Nhuần, thầy Xuân ở điểm trường Hà Xi - Hà Nê, cô Thảo vẫn còn hạnh phúc hơn vì bản Ứ Ma còn có sóng điện thoại, khi rảnh rỗi có thể trò chuyện cùng người thân. Tại điểm trường Hà Xi - Hà Nê, điện lưới quốc gia vừa có từ tháng 9.2016, nhưng điện thoại thì muốn gọi phải đi xuống núi… vài kilômét. “Điểm trường khó khăn quá, nên nhà trường quyết định phân công 2 thầy (thay vì chỉ 1 thầy như quy định) để hai thầy đỡ đần nhau và để có người trò chuyện trong suốt 5 ngày dạy học trên bản” - chia sẻ của thầy Trương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) số 1 Pa Ủ phần nào lý giải, vì sao khi thấy tôi đến với Hà Xi - Hà Nê, thầy Nhuần, thầy Xuân lại mừng vui đến thế. Giữa rừng núi mênh mông, nói những điều đơn giản mà có người nghe được, hiểu được với các thầy cũng là một niềm hạnh phúc hiếm hoi.

Nhìn thầy Nhuần, thầy Xuân lúi húi với thịt muối chua, trứng, bí, khoai sọ để chuẩn bị bữa ăn cho học trò, thấy đâu đó bóng dáng của người cha cần mẫn chăm cho lũ con thơ dại. Nhà tận Hòa Bình, mỗi năm chỉ về thăm nhà vào dịp tết, dịp hè, nên với thầy Bùi Văn Xuân, dạy học, chăm sóc học trò không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui ở nơi quay bốn bề chỉ thấy núi và núi…

Để đường đến trường không còn xa

Để lên được các điểm trường Ứ Ma, Hà Xi - Hà Nê, từ thị trấn Mường Tè, chúng tôi phải đi thêm 70km mới đến trung tâm xã Pa Ủ. Từ trung tâm xã, với sự hỗ trợ của cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ, chúng tôi lại tiếp tục hành trình qua con đường dài gần 20km, lổn nhổn đá, đèo dốc uốn lượn, trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì trơn trượt…

Nếu như Mường Tè là huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, thì xã Pa Ủ chính là xã khó khăn nhất, nhì huyện Mường Tè. Toàn xã Pa Ủ hiện có 12 bản, với 707 hộ, 3.196 nhân khẩu - 100% đều là người dân tộc La Hủ. Đã gần 10 năm rời bỏ cuộc sống lang thang rừng rú để ổn canh, ổn cư, nhưng người La Hủ ở Pa Ủ vẫn sử dụng ngôn ngữ truyền miệng là chủ yếu, mù chữ, mù cả tiếng phổ thông… Đây cũng chính là hạn chế khiến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành riêng cho đồng bào La Hủ không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Đến nay, các làng bản người La Hủ vẫn phải sống nhờ gạo cứu đói của Nhà nước, nhiều con em đồng bào La Hủ lên nương thay vì đến trường, con chữ vẫn là cái gì đó rất xa lạ…

Trước thực tế này, vấn đề giáo dục được các cấp, các ngành ở huyện Mường Tè xác định là hướng đi cơ bản để người La Hủ dần có những thay đổi tích cực. Câu chuyện ở Trường PTDTBT số 1 Pa Ủ là một ví dụ. Thực hiện việc đưa học sinh về trung tâm học và ở bán trú, năm học 2016 - 2017, Trường PTDTBT số 1 Pa Ủ có 190 học sinh - trong đó 100% các em đều là con em của đồng bào La Hủ. Để các em yêu trường, ham thích việc học tập, từ năm 2015, thầy Trương Văn Đông đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phổ cập; phối hợp các trưởng bản, các tổ chức đoàn thể trong xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần.

Các em chịu đến lớp mới là thành công bước đầu, để các em yêu trường, học tập chuyên cần, nhà trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt giữa giờ như: Đọc sách, múa hát tập thể, chơi trò chơi để từng bước giảm bớt sự tự ti, nhút nhát của các học sinh La Hủ… Thậm chí, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, nhà trường còn thuê nhân viên phục vụ là người La Hủ có uy tín ở các bản Hà Xi, Pha Bu, Ứ Ma, Nhú Ma…, để các em yên tâm ở lại trường…

Có mặt tại trường vào đúng giờ ăn tối của học sinh, tôi vô cùng ngạc nhiên trước nền nếp của các em, từ việc dọn cơm, ăn cơm đến thu rửa mâm bát. Đặc biệt, không còn hình ảnh các cô bé, cậu bé tóc khét nắng, cúi đầu khi ai đó hỏi thăm; các em học sinh ở Trường PTDTBT số 1 Pa Ủ thơm tho, sạch sẽ và nhanh nhẹn chào hỏi khi thấy tôi xuất hiện.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, thầy Đông bộc bạch: “Các em ở trường đều được thầy cô hướng dẫn gội đầu bằng dầu gội, ngâm vỏ gối, chăn màn bằng comfor… Đầu buổi học, giáo viên phát quần áo đồng phục cho học sinh, cuối buổi học sẽ hướng dẫn các em giặt giũ, giữ gìn quần áo học sinh luôn sạch sẽ. Tôi cho rằng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ là vô cùng quan trọng. Khi các em đã ý thức và cảm nhận được sự sạch sẽ, thơm tho, các em sẽ dần dần thay đổi theo hướng tích cực. Yêu mến và gắn bó với ngôi trường hơn. Tỉ lệ đi học chuyên cần của các học sinh người La Hủ tăng lên trông thấy so với những năm học trước, đã chứng minh điều đó”.

Ngày 20.11, trong lúc nhiều trường học trên cả nước, các thầy cô giáo tưng bừng nhận quà, nhận hoa và những lời chúc mừng của các phụ huynh, học sinh, thì ở Pa Ủ - xã biên giới cách Hà Nội gần 700km - nhiều thầy cô vẫn lặng lẽ đi về, cần mẫn “cắm bản”, không một phụ huynh, học sinh nào biết và nhắc tới ngày 20.11. Với các thầy cô, chỉ cần học sinh chuyên cần tới lớp - đó cũng là món quà vô giá, là lời cảm ơn không lời mà đầy ý nghĩa.

PHÓNG SỰ CỦA HOÀNG MAI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/vi-tro-thay-vuot-non-cao-611741.bld