Vì Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc gác lại bất đồng

Trong vấn đề Triều Tiên, hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc đang gác lại bất đồng. Ngoại trưởng Hàn Quốc lần đầu tiên tới Trung Quốc trong vòng 3 năm qua.

Động cơ thúc đẩy

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong hôm 2/4 bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Hàn Quốc đến Trung Quốc trong vòng 3 năm qua.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ảnh: TBS.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ảnh: TBS.

Sự kiện lần này đánh dấu, lần đầu tiên một ngoại trưởng Hàn Quốc đến thăm Trung Quốc trong vòng 3 năm qua và cũng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Chung Eui-yong kể từ khi nhậm chức từ đầu tháng 2.

Chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để 2 nước tìm ra cách thức thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như trao đổi ý kiến chuyên sâu về vấn đề tên lửa/hạt nhân Triều Tiên cùng các vấn đề “nóng” của quốc tế và khu vực.

Có thể thấy rằng, Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc kể từ năm 2016 sau khi nước này cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - động thái mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa an ninh quốc gia, khiến ngành du lịch, mỹ phẩm và giải trí của Hàn Quốc phải “lao đao” do những hạn chế từ phía Trung Quốc. Sự kiện ngoại giao gần đây nhất giữa 2 nước là chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Hàn Quốc vào tháng 11/2020.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hàn Quốc lần này cho thấy, Hàn Quốc đang thực thi chính sách ngoại giao “cân bằng” trong quan hệ đồng minh với Mỹ và cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Ngoài ra, hai ngoại trưởng cũng dự kiến cân nhắc về khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Hàn Quốc trong thời gian tới, một cơ hội khởi đầu mới trong quan hệ song phương, tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022.

Hàn Quốc muốn lập trường như thế nào từ phía Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên?

Triều Tiên đã chọn thời điểm phóng tên lửa để gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Sau một thời gian dài “án binh bất động” cùng với thời điểm cả thế giới đang “loay hoay” tập trung cho ứng phó với Covid-19 và khi chính trường thế giới nóng dần lên với sự trở lại của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung thì Triều Tiên phóng tên lửa trở lại. làm cho vấn đề này lại trở thành một trong các chủ đề nóng của các chương trình nghị sự lớn.

Ông Chung Eui-yong từng là cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, là mắt xích quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2018. Ông cũng từng là đặc phái viên trong việc liên lạc với Trung Quốc về Triều Tiên. Do vậy ông Chung Eui-yong là người rất có kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề này. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì quan điểm “sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và các bên liên quan nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề tồn tại, duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Điều quan trọng mà Trung Quốc, Hàn Quốc và cả thế giới đang quan tâm là phản ứng, cũng như là chính sách đối với Triều Tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden được hoạch định một cách rõ ràng, cụ thể hơn khi Triều Tiên chỉ được xác định là một “mối đe dọa” trong các tuyên bố chung gần đây.

Hàn Quốc sẽ cân bằng thế nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên?

Sau chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tập trung vào hợp tác với các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tìm cách “né tránh” chiến dịch của Mỹ và tránh gây bất lợi cho quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Có thể thấy rất rõ điều này trong việc, tuyên bố chung 2+2 Mỹ-Nhật vừa qua có từ ngữ cứng rắn và chỉ trích trực tiếp hành vi của Trung Quốc, thì trái lại đối thoại 2+2 Mỹ - Hàn đã không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Gần đây trước báo giới, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã bác bỏ ý kiến cho rằng Hàn Quốc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc một trong hai bên đã yêu cầu Hàn Quốc đưa ra lựa chọn đó. Ông khẳng định, lập trường cơ bản của Hàn Quốc là rõ ràng và không hề mơ hồ được dựa trên mối quan hệ vững chắc Mỹ - Hàn và cải thiện hài hòa quan hệ với Trung Quốc.

Có thể thấy Hàn Quốc hiện đang rơi vào tình thế “khó càng thêm khó” trong nỗ lực cân bằng quan hệ đồng minh với Mỹ và sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có những “bước đi” thận trọng nhằm có được sự ủng hộ của cả Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự đột phá trong quan hệ với Triều Tiên ở năm cuối nhiệm kỳ./.

Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-trieu-tien-han-quoc-va-trung-quoc-gac-lai-bat-dong-847556.vov