Vị trí nào cho kinh tế tư nhân?

Từ lâu kinh tế Nhà nước được khẳng định đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân được xem là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trước những đóng góp của kinh tế tư nhân, nhiều ý kiến cho rằng, vị trí trên cần phải được xem xét lại.

Kinh tế tư nhân ngày một khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước (Ảnh TL)

Năm 2019, tên tuổi của Việt Nam tiếp tục được thế giới biết đến khi tờ Tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ xướng tên những doanh nhân Việt Nam trong danh sách tỷ phú USD. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản lên tới 6,6 tỷ USD (xếp thứ 239 thế giới), tăng 2,3 tỷ USD so với năm trước. Các tỷ phú Việt xếp sau lần lượt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,3 tỷ USD (vị trí 1.008); ông Trần Bá Dương và gia đình sở hữu 1,7 tỷ USD (1.349); ông Hồ Hùng Anh với tài sản trị giá 1,7 tỷ USD (1.349); và cuối cùng là ông Nguyễn Đăng Quang với 1,3 tỷ USD (1.717).

Tuy danh sách tỷ phú 2019 của Forbes chỉ đưa ra 5 cái tên doanh nhân Việt sở hữu khối tài sản tỷ USD nhưng nếu tính tài sản hiện tại thì con số tỷ phú USD phía Việt Nam phải là 6 người. Cụ thể, theo danh sách tỷ phú cập nhật trực tuyến (real time) của tạp chí này, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cũng đang sở hữu khối tài sản 1 tỷ USD và xếp thứ 1.756 trên thế giới.

Hơn mọi lời nói, những con số trên đã cho thấy khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh như thế nào, dù vẫn không được coi là “chủ đạo”.

Để có cái nhìn khách quan, có thể nhìn vào những con số thông qua sự so sánh giữa hai khối kinh tế. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, hàng loạt các chỉ tiêu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đều vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước về vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, về lao động...

Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tại thời điểm cuối năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỷ đồng, chiếm 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước là 8,36 triệu tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp.

Xét về doanh thu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu.

Tính về lợi nhuận, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.

Cùng với đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước, năm 2016 các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Còn về tạo việc làm, tính đến cuối 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo nhiều việc làm nhất với 8,57 triệu, cao hơn nhiều so với 1,31 triệu việc làm của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với những thống kê trên, những con số từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho thấy nhiều điều. Cụ thể, trong giai đoạn 2000-2017 tài sản đầu tư của khu vực tư nhân tăng đến 100 lần; lao động tăng khoảng 7 lần; doanh thu cũng tăng hàng chục lần; đóng góp vào ngân sách thậm chí còn cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài.

Có thể nói rằng, với những con số ấn tượng về sự tăng trưởng, kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong việc góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc, điều chỉnh phạm vi hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận rằng, mặc dù kinh tế tư nhân được thừa nhận trong hơn 30 năm qua, nhưng, như đánh giá tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ban hành tháng 6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân), nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm.

Cùng với đó, những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, khởi nghiệp của Chính phủ mặc dù đã có những biến chuyển nhưng vẫn còn đó nhiều rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến...

Và điều đáng lo ngại hơn là quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Nói như vậy để thấy rằng, những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân trong những năm qua đối với sự phát triển của kinh tế đất nước đã được ghi nhận bằng những con số ấn tượng. Nhưng, có một điều đáng tiếc là sự phát triển này vẫn còn ở dạng "tiềm năng" bởi những rào cản khiến khối kinh tế này “mãi không chịu lớn”.

Phương Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-tri-nao-cho-kinh-te-tu-nhan-post61266.html