Vị trí ga ngầm C9: Người dân đồng tình, học giả ủng hộ

Sau 15 năm nghiên cứu với rất nhiều lần lấy ý kiến, điều chỉnh quy hoạch vị trí và thiết kế, dự án ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang đứng trước nguy cơ bị kéo dài tiến độ. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu cứ tiếp tục tình trạng này sẽ khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, lâu dài của Thủ đô mà còn gây tốn thêm chi phí, thiệt hại về kinh tế.

Quy trình thận trọng, phương án hiện tại là tối ưu

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, quá trình nghiên cứu quy hoạch, xác định hướng tuyến và vị trí các ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 được khởi đầu từ năm 2004 thông qua Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Đây là chương trình nghiên cứu thực hiện theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Quá trình nghiên cứu đã nhiều lần được lấy ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân về vị trí hướng tuyến, các ga và đã nhận được sự đồng thuận cao.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công đoạn từ khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình... đến đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa... tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của Nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam. Viện Khảo cổ học đã thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá khảo cổ học tuân thủ theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Phối cảnh vị trí ga ngầm C9.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực không hề gây tác động phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích.UBND thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi hồ Hoàn Kiếm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12m, bảo đảm mức lún bề mặt thấp nhất trong quá trình thi công, vận hành nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm. Đỉnh tuyến hầm sâu cách mặt đất khoảng 12,3m, đi qua phía trước Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, đền Bà Kiệu, tòa nhà của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, trụ sở HĐND và UBND thành phố Hà Nội, mép ngoài tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp khoảng 1m. Hầm có đường kính 6,5m thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ tiên tiến, triệt tiêu hoàn toàn độ rung lắc, độ lún bề mặt không đáng kể, kiểm soát và tránh tối đa ảnh hưởng đến các công trình lân cận thông qua các bộ cảm biến kết nối với trung tâm điều khiển.

Tính đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, trong đó có vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu trong suốt 15 năm với hơn 10 lần điều chỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyên suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch.

…Thêm nữa, với sự khảo sát, tính toán cẩn thận trong quá trình thiết kế, đo đạc, kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị cảm biến gắn trong công trình trước, trong và sau quá trình thi công sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hạng mục của di tích và phố cổ.

Kéo dài đến bao giờ?

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, Hà Nội hiện là đô thị 10 triệu dân, giao thông đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng và có xu hướng ngày càng diễn biến xấu đi. Đường sắt đô thị (ĐSĐT) có vai trò rất quan trọng đối với Hà Nội, chậm phát triển ĐSĐT ngày nào, thành phố sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về ùn tắc giao thông ngày đó.

Tuyến ĐSĐT số 2 đã được phê duyệt từ năm 2008. Nhưng 10 năm qua, không dưới 45 cuộc họp, vẫn chưa thống nhất, quyết định được phương án vị trí Ga C9, do đó chưa thể có được thiết kế cơ sở nhằm triển khai thực hiện. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ tuyến ĐSĐT số 2 mà còn ảnh hưởng chung đến cả hệ thống ĐSĐT của Thủ đô.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam khẳng định rất đồng tình với phương án xây dựng Nhà ga C9, ông Trần Ngọc Chính cũng nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện dự án tuyến ĐSĐT số 2 bằng nguồn vốn vay ODA. Trong khi đó, với vốn vay làm nhanh, làm tốt thì hiệu quả đồng vốn càng cao. Để càng lâu, càng chậm tiến độ thì càng đội vốn, khoản vay càng lớn và kéo theo nhiều hệ lụy, tổn hại.

Đồng tình với quan điểm này, Nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Danh Lợi cho biết, việc lựa chọn vị trí đặt ga ngầm C9 đã được công khai và bàn thảo qua rất nhiều lần mới chốt được phương án hiện tại, các bộ ban ngành cũng đã cơ bản thống nhất. Từ thực tế này, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng không nên truy lại các phương án cũ hay nói về hướng tuyến nữa.

“Hiện tại chúng ta nên tập trung vào bàn các chi tiết về mặt kỹ thuật, kiến trúc… trong quá trình thực hiện thi công. Hồ Gươm là di sản mang cả không gian mở công cộng nên cần phải có kiến trúc mở. Ga C9 sẽ trở thành nơi kết nối, đưa mọi người đến với di sản, bởi vậy cần thiết kế phù hợp với công năng cũng như hài hòa với cảnh quan khu vực” – Nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Danh Lợi nhấn mạnh.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-tri-ga-ngam-c9-nguoi-dan-dong-tinh-hoc-gia-ung-ho-83420.html