Vị tiến sĩ Việt kiều và chuyện 'chặt cầu qua sông'

Đang có một công việc và cuộc sống sung túc ở Canada, TSKH Nguyễn Quốc Bình nhận lời trở về Việt Nam giúp lãnh đạo TP.HCM xây dựng nền móng của ngành công nghệ sinh học.

Ông quyết định bán hết tài sản để không còn đường lui nếu gặp khó khăn, bất trắc…

“Tôi nói với bà xã, vợ chồng mình từ bỏ thế giới vàng như Jack London; không còn ôtô, nhà riêng, có gì ăn nấy…”, ông nhớ lại.

Lối rẽ cuộc đời

Bên chén trà một chiều cuối năm, nói về quyết định trở về, TSKH Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) bộc bạch: Mình có kiến thức về công nghệ sinh học (CNSH), là một trong những người Việt đầu tiên được đào tạo bài bản ở các nước phát triển và thấy có trách nhiệm trở về đóng góp cho quê hương theo lời đề nghị của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM hồi đó là anh Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM).

Anh Nhân muốn xây dựng trung tâm CNSH ở TP.HCM với yêu cầu là sản phẩm nghiên cứu có thể thương mại hóa và 30 năm sau không lạc hậu so với thế giới.

 TSKH Nguyễn Quốc Bình (phải) trao đổi cùng các chuyên gia nước ngoài tại một hội nghị khoa học quốc tế. Ảnh: Tiền Phong.

TSKH Nguyễn Quốc Bình (phải) trao đổi cùng các chuyên gia nước ngoài tại một hội nghị khoa học quốc tế. Ảnh: Tiền Phong.

Lối rẽ quan trọng làm thay đổi cuộc sống ông Bình và gia đình diễn ra vào năm 2004. Trong một lần về nước, đồng nghiệp cũ ở Đại học Tổng hợp TP.HCM nhờ ông hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về CNSH.

Khi đó, ngành này còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Muốn làm luận án tiến sĩ công nghệ sinh học thì phải có tiền. Ông bèn lên Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký đề tài để xin kinh phí thì được giới thiệu sang Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Gặp ông, Giám đốc Sở NN&PTNT hồi đó là ông Nguyễn Phước Thảo vui mừng như “bắt được vàng” bởi sở được giao xây dựng đề án trung tâm công nghệ sinh học do một phó giám đốc sở trực tiếp phụ trách nhưng chưa biết phải làm thế nào.

TSKH Nguyễn Quốc Bình lập tức được đưa đến diện kiến Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ông Bình nhớ lại:

“Tôi đưa ra 3 đề nghị: Một là trả mức lương cho tôi đủ sống. Hai là dự án phải đủ lớn chứ lại mô hình Viện Nghiên cứu thì thà không làm còn hơn. Và đề nghị thứ ba là các sở ban ngành phải xem việc xây dựng trung tâm CNSH là trách nhiệm của họ. Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng. Anh Nhân đồng ý ngay.

TP.HCM trả lương cho tôi 10 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần so với tiến sĩ trong nước nhưng chỉ bằng 20% mức lương của tôi bên Canada. Anh Nhân cũng đồng ý với tổng kinh phí đầu tư tôi đưa ra là 100 triệu USD và dự kiến sẽ phân kỳ đầu tư. Riêng về đề nghị thứ ba, anh Nhân ra quyết định thành lập ban chỉ đạo, thành viên là phó giám đốc các sở ban ngành để chủ động xử lý những công việc liên quan”.

TSKH Nguyễn Quốc Bình xin phép trở về Canada sắp xếp công việc trong thời hạn một tháng. Ông xin nghỉ việc ở trường đại học và bàn với vợ bán toàn bộ tài sản gồm nhà riêng, ôtô, cổ phần… rồi dắt đứa con út trở về Việt Nam.

Ông nói với vợ: Về nước làm việc chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nếu còn nhà, còn xe, mình dễ thoái lui.

Ông Bình được bổ nhiệm làm phó giám đốc trung tâm CNSH. Ông nói việc bổ nhiệm thể hiện kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo TP.HCM, nhất là Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết (sau này là Chủ tịch nước) bởi ông Bình là người ngoài đảng lại là Việt kiều; trong khi quy định người giữ chức vụ phải là đảng viên, quốc tịch Việt Nam.

TSKH Nguyễn Quốc Bình. Ảnh: Tiền Phong.

Tự hào là người Việt Nam

TSKH Nguyễn Quốc Bình quê ở Quảng Bình, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố ông là Việt kiều Thái Lan, cán bộ đại đội Trần Phú, một trong 3 đại đội vũ trang đầu tiên của miền Nam thành lập vào năm 1946 và là tiền thân của tiểu đoàn 307 anh hùng.

Mẹ ông là du kích Đồng Khởi Bến Tre. Vừa đầy tháng, ông Bình theo bố mẹ tập kết ra Bắc. Trong ký ức của ông vẫn còn in sâu những kỷ niệm thời thơ ấu ở đất lửa Quảng Bình.

Năm 1972, ông Bình được du học tại Đại học Tổng hợp Kisinhov thuộc Cộng hòa Moldavia (Liên Xô cũ). Sau khi tốt nghiệp, ông về nước làm giảng viên Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Năm 1986, ông được Chính phủ Pháp cấp học bổng học chương trình thạc sĩ (2 năm) và tiến sĩ (3 năm) tại Đại học Paris 11.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về CNSH, ông tiếp tục thực hiện chương trình sau tiến sĩ và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Laval ở Québec (Canada).

Ông nhớ lại: “Đất nước ngày ấy còn quá khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học thiếu thốn. Trở về cũng không thể vận dụng kiến thức đã học. Lãnh đạo trường động viên tôi ở lại, khi nào trường cần sẽ mời về. Đến năm 1996, tôi đủ điều kiện lấy quốc tịch Canada. Tôi cũng đủ điều kiện nhập quốc tịch Pháp nhưng không làm vì không muốn bỏ quốc tịch Việt Nam".

Mong muốn trở về luôn thôi thúc. Ông Bình góp vốn mở một nhà máy sản xuất giò chả. Cứ hai năm, ông xin nghỉ phép về nước một lần nhưng không hiểu vì lý do gì, khi đặt vấn đề muốn về nước công tác thì nhiều nơi ngần ngại cho đến khi gặp lãnh đạo TP.HCM.

TSKH Nguyễn Quốc Bình cho biết ban đầu, trung tâm vừa xây dựng, vừa đào tạo, vừa nghiên cứu, sản xuất vắc xin, các kit, dược sinh học… Ông Bình phụ trách tất cả các đề tài, từ thực vật đến y dược, thủy sản, sau này mới chuyển giao dần cho học trò.

Trung tâm CNSH đã trực tiếp đào tạo, xây dựng đội ngũ gần 100 thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó ông Bình trực tiếp hướng dẫn bảo vệ luận án cho hơn 30 người.

Ông trăn trở: “Đây là nguồn nhân lực rất quý, chỉ tiếc mình chưa có chính sách giữ nhân tài. Người có trình độ thạc sĩ ở trung tâm CNSH chỉ hưởng mức lương 3,7 triệu đồng/tháng. Ra ngoài khu vực tư nhân, nhiều nơi sẵn sàng trả từ 1.300 -2.000 USD/tháng.

Nhiều đề án tạo đột phá như tạo giống lan, tạo rễ tóc sâm ngọc linh bằng công nghệ gene, tạo ra các dòng lan mới, cá phát sáng, cá kiểng, văc - xin thế hệ mới cho cá tra… có thể thương mại hóa được. Tuy nhiên, một số sản phẩm đang gặp những rào cản pháp lý về chuyển đổi gene trong lúc việc giải quyết còn chậm so với thế giới”.

Theo Huy Thịnh / Tiền Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-tien-si-viet-kieu-va-chuyen-chat-cau-qua-song-post1040072.html