Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh

Phát triển Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh là một trong những mục tiêu và hành động xuyên suốt của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Với những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, tin tưởng chắc chắn rằng, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố sẽ dành nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng và môi trường để đưa Hà Nội thực sự là thành phố xanh - sạch - văn minh.

Từ xóa nhiều điểm đen ô nhiễm…

Thời gian gần đây, dạo quanh các hồ lớn, nhỏ trên địa bàn khu vực nội, ngoại thành Hà Nội bất cứ ai cũng đều cảm nhận được sự trong lành, sạch sẽ của mặt nước. Ngay như sông Tô Lịch, dù chưa được xử lý nguồn nước, nhưng cảnh quan môi trường xung quanh đã khác trước rất nhiều.

Tuyến đường Giảng Võ vốn nhiều cây cổ thụ, thời gian qua được cải tạo mới bằng việc trồng nhiều cây xanh, hoa càng trở nên đẹp và xanh hơn (ảnh: CTV)

Tuyến đường Giảng Võ vốn nhiều cây cổ thụ, thời gian qua được cải tạo mới bằng việc trồng nhiều cây xanh, hoa càng trở nên đẹp và xanh hơn (ảnh: CTV)

Là một trong những người dân thường xuyên đi bộ, tập thể dục tại đường đi bộ ven sông Tô Lịch, ông Nguyễn Văn Lâm phấn khởi cho biết: “Từ khi được cải tạo đến nay khu vực này đã trở nên sạch sẽ, đẹp hơn rất nhiều. Hàng ngày, tôi cùng rất đông mọi người đến đây đi bộ thể dục, rèn luyện sức khỏe. Việc cải tạo sông không chỉ tạo cảnh quan, đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực mà còn tạo ra những ấn tượng mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế”.

Không chỉ riêng các hồ trong khu vực nội thành Thủ đô, đặc biệt một điểm nhấn đáng ghi nhận tại các khu vực nông thôn của thành phố Hà Nội là từ ý tưởng xuất phát của người dân cùng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và lòng kiên trì, sự đồng thuận của bà con nhiều mô hình cải tạo kênh mương, ao hồ thành khu vực vui chơi sinh hoạt cộng đồng sinh thái hoặc xã hội hóa vườn hoa, ao hồ đã được thực hiện. Điển hình như các mô hình tại huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín… các ao hồ đã được kè bờ, không cho nước thải xuống hồ, tạo cảnh quan, cải thiện chất lượng nước, hình thành các khu vui chơi, khu tập bơi chống đuối nước cho trẻ em đã dần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân.

Tiêu biểu như ao làng Thiên (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) từ trước năm 2016 ao khá bẩn bởi bao quanh là bèo, chất thải... không có người dọn dẹp gây mất cảnh quan của ao làng. Trong vùng, trẻ em lại không biết bơi lội nên người dân nơi đây đã nảy ra ý tưởng cải tạo ao làng thành điểm vui chơi giải trí, nơi bơi lội cho trẻ em cũng như người dân trong vùng. Đến nay, ao làng vừa sạch đẹp, lại là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi bơi lội, tổ chức các giải thi đấu hàng năm trên địa bàn xã khiến ai nấy trong làng đều hồ hởi, phấn khởi.

Đặc biệt hơn ghi nhận thực tế tại những nơi trước đây từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố cho thấy, nhiều bãi rác tự phát, bốc mùi hôi thối nay đã được thay thế bằng những con đường hoa xanh tươi, là nơi vui chơi, tập thể dục cho mọi người, tiêu biểu như con đường hoa tím tại thôn Lê Dương, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai)… Theo ông Nguyễn Công Sáng, người dân thôn Lê Dương, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, trước đây, người dân trong thôn vẫn có thói quen vứt rác ra ngoài đường. Tuy nhiên, sau khi đường được bê tông hóa, con đường hoa được trồng, người dân thôn Lê Dương cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, chung sức cùng chính quyền cải tạo môi trường sống. Người dân nơi đây phấn khởi vì được hưởng một cuộc sống trong lành hơn, từ đó ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng cũng được nâng lên.

...Đến tiếp tục cải thiện môi sinh

Mặc dù các giải pháp đã và đang được chính quyền các cấp triển khai khá đồng bộ, tuy nhiên để Hà Nội luôn sạch, đẹp đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng cũng như của cộng đồng. Mỗi người dân Hà Nội cần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của “Thành phố hòa bình”, “Thủ đô nghìn năm văn hiến” bằng những việc làm thiết thực như giữ gìn nhà cửa sạch đẹp, ngõ phố khang trang; vận động, nhắc nhở mọi người cùng giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư; bảo vệ cây xanh, môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu phố, đường làng, ngõ xóm… Có như vậy mới luôn tạo dựng được nét đẹp của Thủ đô trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền Thành phố trong thời gian qua. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 9/2016 đến nay Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 63 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, nạo vét bùn 12 hồ. Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, từng bước tách nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào các hồ kết hợp với cải tạo cảnh quan, chống lấn chiếm.

Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét: Nạo vét duy tu duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Kết quả nạo vét bùn hệ thống thoát nước với tổng khối lượng năm 2017 là 134.534 m3, năm 2018 là 166.610 m3; năm 2019 là 174.468 m3. Nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Thành phố cũng triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy giai đoạn từ 2016 - 2020; hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông (trên địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên). Xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội được chú trọng quan tâm, hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị ước khoảng gần 900.000 m3/ngàyđêm (tương đương với 328,5 triệu m3/năm). Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tập trung tại 8 nhà máy xử lý nước thải khoảng 296.700 m3/ngày/ đêm.

Cùng với đó, để cải thiện chất lượng không khí của thành phố, Hà Nội đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường kiểm soát khí thải các phương tiện tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ.../.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-thu-do-xanh-sach-dep-van-minh-114043.html