Vị thế Việt Nam trong tháng làm chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ

Trong tháng 4 này, Việt Nam đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ). Giữa 'đấu trường' quốc tế với nhiều sức ép, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại, lồng ghép các vấn đề ưu tiên của mình và có những đóng góp riêng.

Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên thảo luận cấp cao trực tuyến về chủ đề: “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”

Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên thảo luận cấp cao trực tuyến về chủ đề: “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”

Ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, trao đổi với PV về những việc mà Việt Nam đang thực hiện để đảm nhận trọng trách tại LHQ. Ông nói:

“Trong một số vấn đề phức tạp, có sự cọ xát về quan điểm, ta bảo đảm lập trường nguyên tắc, lấy luật pháp và thông lệ quốc tế làm cơ sở chính, thể hiện thái độ cân bằng, xây dựng và có trách nhiệm. Ví dụ trong vấn đề gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo tại Syria, Việt Nam đã kiên trì lập trường ủng hộ cứu trợ nhân đạo tại Syria, coi đây là nhân tố quan trọng nhất”.

Ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam thực hiện nhiều việc định kỳ theo tháng; tổ chức, chủ trì, điều hành các cuộc họp của HĐBA; tổ chức trao đổi với nhiều cấp để thống nhất chương trình làm việc và các ưu tiên trong tháng làm chủ tịch; đại diện HĐBA trong quan hệ, thông tin với các nước thành viên ngoài HĐBA, các cơ quan của LHQ, tổ chức quốc tế và báo chí để thực hiện nỗ lực tăng cường thông tin và minh bạch hóa hoạt động của HĐBA.

Trong vai trò Chủ tịch HĐBA, các nước đều tranh thủ lồng ghép, thúc đẩy những vấn đề thuộc ưu tiên của mình, dưới hình thức tổ chức họp cấp cao hoặc xây dựng văn kiện về chủ đề đó. Trong tháng 4/2021, Việt Nam triển khai một số sự kiện điểm nhấn, đồng thời là những ưu tiên của ta. Đó là:

Phiên họp cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn chủ trì vào tối 8/4;

Phiên thảo luận cấp cao trực tuyến về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 19/4;

Phiên thảo luận mở trực tuyến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” do lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì vào ngày 27/4;

Phương châm của Việt Nam là dựa trên kinh nghiệm đảm nhận vị trí chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và năm đầu tiên tham gia HĐBA, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò chủ tịch một cách tích cực, chủ động, có trách nhiệm; khách quan, minh bạch; xử lý hài hòa, cân bằng mối quan tâm của các nước đối với vấn đề được thảo luận tại HĐBA và thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại HĐBA.

Việt Nam có thể lồng ghép các ưu tiên của mình trong công việc tại tháng đảm nhiệm chủ tịch HĐBA như thế nào thưa ông?

Chúng ta bước vào tháng đảm nhận vị trí chủ tịch HĐBA lần này với tâm thế mới, đặc biệt là sau thành công của ĐH Đảng XIII với những định hướng phát triển lớn của đất nước, trong đó, đường lối đối ngoại là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương tại HĐBA.

Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA chính là triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại mà ĐH Đảng XIII đề ra, trong đó có đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các chủ đề mà Việt Nam đề ra đều có sự liên thông với nhau: thúc đẩy hòa bình bền vững ở tất cả các giai đoạn và đặc biệt là nhấn mạnh vấn đề giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngăn ngừa xung đột.

Ngăn ngừa xung đột là ngăn ngừa từ sớm, từ xa. Khi xung đột xảy ra, chúng ta quan tâm bảo vệ lợi ích của người dân, các nhóm dễ bị tổn thương, từ đó quan tâm bảo vệ hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột vũ trang như bệnh viện, trường học, nhà máy điện...

Sau khi kết thúc xung đột, chúng ta quan tâm việc giải quyết hậu quả như khắc phục hậu quả bom mìn, ổn định cuộc sống của người dân, những cộng đồng bị ảnh hưởng vì vật liệu nổ, để tập trung phát triển bền vững.

Từ nay cho đến hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2021, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên đề ra từ khi ứng cử là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Trong 2 nhiệm kỳ HĐBA của Việt Nam, tình hình chính trị - an ninh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước ngày càng gay gắt. Việt Nam ứng xử như thế nào để vượt qua những khó khăn đó và đảm nhiệm tốt vai trò của mình?

Đúng là tình hình chính trị - an ninh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh nước lớn gay gắt, nhiều điểm nóng, xung đột (đặc biệt ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi) căng thẳng, chưa thể giải quyết.

Đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh - hòa bình quốc tế, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của HĐBA. Tuy nhiên, HĐBA đã thích ứng rất nhanh và hiệu quả với đại dịch. Trong năm qua, HĐBA xử lý khối lượng công việc lớn hơn: Tổ chức và tham gia hơn 450 cuộc họp cấp đại sứ, thông qua gần 150 văn kiện các loại; cơ chế/phái bộ gìn giữ hòa bình vẫn được gia hạn, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của mình. Là một ủy viên không thường trực, Việt Nam đã có những đóng góp của riêng mình, thúc đẩy công việc chung của HĐBA.

Sau một năm tham gia, chúng ta đã có một số kinh nghiệm, trong đó có bài học kinh nghiệm về: Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; Kiên trì, kiên định lập trường, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.

Trong một số vấn đề phức tạp, có sự cọ xát về quan điểm, ta bảo đảm lập trường nguyên tắc, lấy luật pháp và thông lệ quốc tế làm cơ sở chính, thể hiện thái độ cân bằng, xây dựng và có trách nhiệm. Ví dụ trong vấn đề gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo tại Syria, Việt Nam đã kiên trì lập trường ủng hộ cứu trợ nhân đạo tại Syria, coi đây là nhân tố quan trọng nhất. Ta đã bỏ phiếu cho cả dự thảo của Nga và của phương Tây về vấn đề này chứ không chọn bên. Các nước đều hiểu và coi trọng ý kiến, lập trường của Việt Nam.

Cảm ơn ông.

Ba ưu tiên trong tháng 4

Trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 4/2021, Việt Nam thúc đẩy 3 ưu tiên cụ thể:

Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy

xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột;

Khắc phục hậu quả bom mìn; Duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn;

Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột

vũ trang.

Thu Loan (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-the-viet-nam-trong-thang-lam-chu-tich-hoi-dong-bao-an-lhq-post1327389.tpo