Vị thế người thầy

LTS: Hình ảnh người thầy từ xưa gắn với sự tôn trọng, sự hiểu biết. Bất cứ ai trong cuộc đời cũng có những người thầy để nêu gương, để thần tượng. Bởi thế, khi bất chợt đâu đó đọc được thông tin, hay bắt gặp những hình ảnh người thầy với những tiêu cực tràn lan như thầy đánh trò, trò đánh thầy… mới thấy thật đáng buồn.

Chia sẻ về những thay đổi của ngày xưa – ngày nay khi nhắc đến việc học và chữ “thầy”, các chuyên gia trong chuyên đề này đều ngậm ngùi nhớ lại những ngày xưa, khi đi học với khó khăn vất vả nhưng trên môi luôn nở nụ cười. Hình ảnh cả thầy và trò đều vẹn nguyên trong sáng, lung linh. Ngày nay, hình ảnh người thầy trong giai đoạn mới phát triển về mọi thứ; gắn với sự hiện đại, trẻ trung năng động. Nhưng dường như cũng bị cuốn theo nền kinh tế thị trường, đạo thầy trò đang dần bị biến thiên, thay đổi.

Câu chuyện rớt điểm đầu vào các trường sư phạm trong mấy năm gần đây đã tốn khá nhiều giấy mực của các trang báo trên cả nước, gây hoang mang dư luận và đau đầu nhiều nhà giáo dục. Làm thế nào để lấy lại vị thế người thầy? làm thế nào để nâng cao chất lượng và phẩm chất nhà giáo?... là những câu hỏi được cả xã hội đặt ra.

Dù câu trả lời là gì, ý tứ quan trọng luôn được nhắc đến là trong công cuộc đổi mới mạnh mẽ về giáo dục, người thầy phải là gốc. Có chương trình tốt, cơ sở vật chất tốt nhưng giáo viên không giỏi thì không đảm bảo được chất lượng giáo dục. Và hơn hết cả, để truyền thống tôn sư trọng đạo có thể được mãi lâu bền, thì hình ảnh người thầy luôn cần được xứng tầm vị thế. Xứng tầm từ năng lực đến phẩm chất, để ngày nay, ngày sau không còn những câu chuyện buồn, những hình ảnh phản cảm về nghề giáo.

Huyền Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/vi-thenguoi-thay-tintuc422150