Vị thế người thầy trong xã hội hiện đại

Lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động mang tính sáng tạo. Thế nhưng, nhiều năm nay cùng với việc chưa đủ sống bằng đồng lương của mình, các giáo viên cũng chưa thực sự được trao quyền chủ động, thậm chí đang bị động theo chương trình và sách giáo khoa (SGK). Vì thế kiến thức đến với học trò đôi khi vẫn là lý thuyết và mang tính giáo điều.

Bài cuối: Có thực mới vực được đạo

Các nhà giáo cần được quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần. (Ảnh: Lâm Thanh).

Đừng bắt giáo viên phụ thuộc vào SGK

Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du (giáo viên dạy Lịch sử, Trường PTTH Lê Quý Đôn - TPHCM) trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thầy Du bày tỏ: Mỗi khi đến ngày 20-11, các ngành các cấp có những buổi lễ tôn vinh sự hi sinh của các nhà giáo. Điều đó tốt, nhưng chúng tôi cần những sự quan tâm thiết thực hơn. Đó là Bộ GD&ĐT sẽ “cởi trói” cho giáo viên. Đừng bắt giáo viên phải phụ thuộc vào SGK nữa, chỉ cần có khung chương trình, hãy để giáo viên giảng dạy theo cách của mình để cung cấp kiến thức chuẩn cho học sinh.

Việc cởi trói ở đây là “cởi trói” thực sự chứ không phải “cởi trói” nửa vời như hiện nay: Yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng thi vẫn theo kiểu cũ. “Bản thân tôi vẫn thường trăn trở: mình dạy cho học sinh những điều các em thích, nhưng đi thi điểm sẽ không cao. Bộ GD&ĐT “cởi trói” nửa vời nên tôi cũng chỉ dám... đổi mới nửa vời. Tôi phải dung hòa, phải dạy cho học sinh những điều các em cần để đi thi”- thầy Đăng Du cho biết.

Tiếng nói của thầy Du là đại diện cho mong muốn của nhiều thầy cô giáo đang đứng lớp hiện nay. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân (Hải Hậu - Nam Định), hơn 30 năm dạy Văn - Sử - Địa cấp THCS cũng cho hay, giáo viên không chỉ là nhà giáo dục, đôi khi còn là nghệ sĩ hay nhà tâm lý học để đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện, đáp ứng đòi hỏi cao mà xã hội đang đặt ra. Cô Xuân phân tích: Hiện ngành giáo dục có hai yêu cầu chính đặt ra với giáo viên. Thứ nhất, giảng dạy làm sao đào tạo được những học sinh vượt qua được các kỳ thi mà đôi khi các kỳ thi đó có tính chất không ổn định, hay thay đổi trong thời gian ngắn.

Thứ hai, phải cung cấp được hết lượng kiến thức trong sách giáo khoa mà đôi khi khối lượng kiến thức đó không hề nhỏ. Vì vậy những yêu cầu trên vô tình đẩy giáo viên vào thế không được chủ động. Họ trở thành “người phát ngôn” cho SGK, kiến thức truyền thụ cho học sinh mang nặng tính lý thuyết, giáo điều. Do đó giáo viên cần được trao quyền chủ động mạnh mẽ hơn nữa trong việc lựa chọn kiến thức đưa đến cho học sinh.

Tất nhiên, không phải cho đến bây giờ, mà hơn 10 năm trước yêu cầu trao quyền tự chủ cho giáo viên đã được đặt ra. Cụ thể, từ năm học 2005-2006, Bộ GD&ĐT chủ trương “không bắt buộc giáo viên thực hiện phân phối chương trình một cách máy móc, hình thức như dạy đúng tuần, đúng tiết, thời lượng của mỗi tiết” (Công văn số 6494 ngày 27/7/2005). Mục đích của chủ trương này là trao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn phân phối chương trình (thứ tự các bài dạy), lượng kiến thức trong một bài và thời lượng của tiết học (mỗi tiết học dài, ngắn bao nhiêu tùy khả năng tiếp thu của học sinh).

Ở thời điểm ấy, nhiều giáo viên thở phào bởi đây đúng là một cuộc cách mạng, rằng trước đây, chương trình và SGK là pháp lệnh, buộc phải tuân theo. Nhưng thật tiếc, nhiều tháng sau khi triển khai chủ trương ấy, cũng không ít cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa hiểu phải tự chủ như thế nào: lựa chọn kiến thức ra sao, một tiết học có thể từ 20-60 phút được không... Đa số họ nói rằng cứ theo phân phối chương trình mà dạy, thừa thời gian thì dạy lại, thiếu thời gian thì bớt nội dung, đưa vào giờ tự học có hướng dẫn. Mỗi nơi một kiểu, mỗi người một phách. Hiệu trưởng thậm chí không đủ thời gian để nghiên cứu xem giáo viên làm như thế có hợp lý không, nên chủ trương ấy đã thành nửa vời.

Gần đây nhất, trong tháng 10/2017, cho dù Bộ GD&ĐT đã có Công văn đính chính về một văn bản có nội dung “Cấm dạy nội dung ngoài SGK” vừa ban hành, nhưng nhiều giáo viên vẫn thấy chưa thỏa đáng. Bởi nếu báo chí không vào cuộc, người trong nghề không lên tiếng, thì việc cấm dạy học ngoài SGK sẽ kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên, khiến cho học sinh rất thiệt thòi. Từ thực trạng này, đã có những ý kiến nêu ra: Ngành giáo dục chỉ cần đặt hàng cho giáo viên để tạo ra những sản phẩm đạt các tiêu chí đã đặt ra. Không nên áp đặt thời lượng, kiến thức vào từng bài, từng tiết sẽ khiến giáo viên không cảm thấy thoải mái. Từ đó họ sẽ không tạo ra được chất lượng sản phẩm như mong muốn của xã hội.

Cần mức lương đủ sống

Vậy đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Mang băn khoăn này gặp các chuyên gia, chúng tôi nhận được phần lớn câu trả lời: Điều chúng ta phải thay đổi đầu tiên hiện nay chính là chính sách về tiền lương cho nhà giáo. Hiện tiền lương rất thấp để cho giáo viên có thể yên tâm giảng dạy. Tuy không cần phải quá cao nhưng chí ít cũng phải đủ để họ yên tâm nuôi sống bản thân mình, nuôi sống được gia đình mình.

Câu nói “có thực mới vực được đạo”- nếu áp dụng vào nghề giáo hiện nay, được hiểu theo nhiều nghĩa đều đúng cả. Ấy là việc được trao thực quyền sáng tạo, được quan tâm hơn nữa về cả đời sống vật chất và tinh thần. Cách đây vài tháng, câu chuyện về việc bỏ biên chế giáo viên cũng đã khiến nhiều nhà giáo chạnh lòng.

Dư luận khi ấy cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Mục đích của cuộc “cách mạng” bỏ công chức, viên chức giáo viên là tăng tính cạnh tranh, nhằm thu hút người tài cho ngành giáo dục, nhưng liệu cải cách theo hướng ấy có thực sự giúp các nhà giáo sống được bằng lương không? Tăng lương cho giáo viên từ nguồn nào khi mà ngân sách dành cho giáo dục vào khoảng 20% so với tổng chi của ngân sách nhà nước. Thật may, việc khẳng định không có chủ trương bỏ biên chế giáo viên của lãnh đạo Chính phủ đã giải tỏa tâm tư, nỗi lo lắng của hơn 1 triệu giáo viên, cũng như cả xã hội.

Nhưng cũng chính từ mức lương quá thấp, lại chịu nhiều áp lực nên không ít thầy cô giáo nhiệt huyết đã phải chuyển nghề, hoặc xin ra khỏi biên chế. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ĐBQH đã kiến nghị: Hãy trả lương nhà giáo theo mức độ và hiệu quả công việc.

Mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ và Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT nêu nhiều bất hợp lý trong cách chi trả lương. Theo báo cáo này, tổng hợp thông tin dựa trên báo cáo của 40/63 tỉnh thành và khảo sát thực tế cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên trong khoảng từ 3 - 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra: Thang bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương khóa 8 và Nghị quyết số 29/NQ/TW, đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Dựa trên thực tế tiền lương, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị cần trả lương cho giáo viên theo mức độ và hiệu quả công việc.

Đề xuất nêu rõ: Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù hợp với quy định vị trí việc làm hiện nay. Việc xếp chung một hạng viên chức sẽ khó thu hút những người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng. Hiện tại, nhà giáo có trình độ khác nhau nhưng xếp lương cùng bảng do hạng chức danh như nhau, mặc dù công việc có thể được phân công khác nhau. Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng; Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định mức lương lao động tùy thuộc vào vị trí công việc.

Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Đức Minh- cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, một trong năm giải pháp chiến lược mà Bộ GD&ĐT đưa ra là trong năm nay quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đội ngũ nhà giáo. Trong Luật Giáo dục đang sửa đổi, chương về nhà giáo rất được quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất cần các thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, đón nhận các thách thức và chuyển hóa một cách tích cực. Bởi đây cũng là cơ hội để các thầy cô khẳng định mình, vì Đảng và Nhà nước, tất cả các cấp, ngành đều quan tâm đến giáo dục ở những góc độ khác nhau.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/vi-the-nguoi-thay-trong-xa-hoi-hien-dai-386237