Vị thế mới từ sự minh bạch

Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) trong năm 2019 vừa công bố cho thấy, Việt Nam không chỉ tăng 14 bậc so với các quốc gia được khảo sát, mà còn vượt lên chính mình với những tiến bộ rõ rệt ở cả 3 trụ cột: Minh bạch ngân sách; sự tham gia của người dân; sự giám sát của Quốc hội và kiểm toán đều được cải thiện.

Ảnh TTXVN

Ảnh TTXVN

Khảo sát về minh bạch ngân sách do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần kể từ năm 2006 và thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong lần khảo sát này, OBI của Việt Nam đã tăng tới 23 điểm so với năm 2017. Nhờ đó, Việt Nam đủ điều kiện gia nhập vào Câu lạc bộ Chính phủ Mở, đồng nghĩa với việc được quốc tế công nhận nằm trong nhóm quốc gia có Chính phủ hướng tới công khai minh bạch.

Kết quả trên càng có ý nghĩa khi mới 2 năm trước, Việt Nam còn xếp hạng dưới mức trung bình toàn cầu về công khai ngân sách và sự tham gia của công chúng vào các quá trình liên quan đến ngân sách.

Cùng với đó, đánh giá MOBI 2019 đã ghi nhận mức độ công khai, minh bạch được cải thiện rõ rệt của 44 bộ, cơ quan Trung ương được ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ. Hiện, 1 đơn vị đạt mức công khai “Tương đối”, 8 đơn vị đạt mức công khai “Chưa đầy đủ” thông tin về ngân sách. Trước đó, 37 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2018 đều ở mức độ “Ít” hoặc không công khai thông tin về ngân sách.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả trên cho thấy Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) đã thực sự đi vào đời sống nhờ phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai ngân sách được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân thực sự hiểu được thông tin, từ đó quan tâm và tham gia tích cực hơn vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách...

Chỉ số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam sẽ tiếp tục bứt tốc ngoạn mục những năm tới nhờ Luật Đầu tư (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, cộng với sức ép cải cách lành mạnh từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã trở thành thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, chưa có bộ, cơ quan Trung ương nào tại Việt Nam đạt mức công khai “Đầy đủ”. Do vậy, cần xác định rõ nguyên nhân để tiếp tục củng cố, hoàn thiện việc công khai minh bạch ngân sách; đảm bảo tất cả các bộ, cơ quan Trung ương mở chuyên mục công khai NSNN trên cổng thông tin điện tử và đưa thông tin công khai đúng thời gian quy định.

Việc cải thiện chỉ số công khai minh bạch ngân sách được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chân chính, xem xét khi lựa chọn Việt Nam để đầu tư, kinh doanh lâu dài.

Mặt khác, sự công khai, minh bạch sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp; tạo ra sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa người dân và Nhà nước, từ đó tạo động lực để người dân có ý thức đóng góp tích cực hơn cho ngân sách quốc gia.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vi-the-moi-tu-su-minh-bach-post430601.html