Vị thế mới của dầu thô Nga trên thị trường thế giới

Thị trường Tây Bắc Âu vốn là thị trường xuất khẩu dầu thô Urals lớn nhất của Nga trong hàng thập kỷ qua.

Các nhà máy lọc, hóa dầu truyền thống tại khu vực được thiết kế để tinh chế chủ yếu dầu nặng trung bình Urals (nặng hơn và có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn so với dầu Brent, dầu WTI). Do đó, nguồn cung dầu Urals từ Nga có vị trí quan trọng đối với ngành tinh chế dầu thô Tây Bắc Âu. Trong điều kiện thị trường dầu thô ổn định, giá dầu Urals thường được rao bán với giá chiết khấu so với tiêu chuẩn dầu Brent.

Khủng hoảng đại dịch kết hợp với khủng hoảng giá dầu và việc Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô kỷ lục trong tháng 6 và 7 theo thỏa thuận OPEC+ khiến xuất khẩu dầu Urals giảm mạnh. Đồng thời, hoạt động tinh chế dầu thô tại Tây Bắc Âu bắt đầu phục hồi trong quý II/2020 khi các nền kinh tế chủ chốt của EU kiểm soát được đại dịch. Những yếu tố trên khiến nhu cầu dầu Urals cho hoạt động tinh chế tăng mạnh, đẩy giá dầu Urals cao hơn so với tiêu chuẩn Brent. Kể từ tháng 8 tới, chênh lệch giá dầu Urals so với dầu Brent nhiều khả năng sẽ giảm và trở về mức thấp hơn tiêu chuẩn Brent khi Nga tăng sản lượng khai thác dầu Urals (OPEC+ quyết định nới lỏng cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020). Nguồn cung dầu Urals cho thị trường Tây Bắc Âu sẽ dồi dào hơn.

Việc một số nhà tinh chế nhập khẩu dầu thô Trung Đông, dầu thô Azerbaijan và một số loại dầu khác thay thế dầu Urals làm nguyên liệu đầu vào cho các dây chuyền lọc, hóa dầu có thể chỉ mang tính tạm thời. Trong thời gian đại dịch, hầu hết các nhà máy tinh chế đều sụt giảm mạnh công suất, tồn kho sản phẩm dầu mỏ ở mức cao. Điều này tạo điều kiện cho các nhà tinh chế tính đến đa dạng nguồn cung dầu để tránh phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu Urals từ Nga. Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật: các nhà máy tinh chế dầu thô truyền thống đòi hỏi nhiên liệu là dầu Ural hoặc hỗn hợp dầu có tính chất hóa lý tương đương dầu Urals. Do đó, các nhà tinh chế sẽ phải pha trộn các loại dầu thô khác với hóa chất để tạo hỗn hợp nhiên liệu đầu vào phù hợp.

Từ góc độ kinh tế: việc pha trộn dầu thô, tạo hỗn hợp nhiên liệu đầu vào thay thế cho dầu Urals sẽ tốn thêm chi phí cho các nhà tinh chế. Khi tăng tỷ lệ nhập khẩu thay thế và giá dầu trên thị trường dần ổn định thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm xuống, biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Ngoài ra, ngành công nghiệp tinh chế dầu thô tại châu Âu cơ bản đã bão hòa. Việc thay thế các dây chuyền lọc, hóa dầu truyền thống sang các dây chuyền thế hệ mới, sử dụng các loại dầu thô khác thay thế cho dầu Urals sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là khi các chính sách hỗ trợ tài chính của châu Âu hướng đến nền kinh tế "xanh", trung hòa carbon và giảm sử dụng sản phẩm nhựa.

Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2 đến mức tối thiểu và phục hồi kinh tế "xanh" sau đại dịch của EU đang và sẽ đặt ra những thách thức đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu thô Urals của Nga trong triển vọng trung và dài hạn. Xu hướng sử dụng động cơ điện, động cơ hydro đang gia tăng mạnh tại EU. Sự thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng trong đại dịch và ý thức cao về vấn đề môi trường khiến người dân EU giảm dần sự quan tâm đến sử dụng các phương tiện chạy xăng và dầu diesel. Do đó, mà quy mô ngành tinh chế dầu thô châu u có thể bị thu hẹp hoặc một phần các dây chuyền tinh chế sẽ chuyển sang sử dụng nguyên liệu đầu vào là nguyên liệu sinh học. Vì vậy mà nhu cầu nhập khẩu dầu thô, nhất là dầu Ural vào thị trường tây bắc u nhiều khả năng sẽ giảm trong trung và dài hạn.

Từ góc độ chiến lược hoạt động, các nhà sản xuất dầu của Nga cần phải điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình khi: (1) thị trường châu Âu thay đổi mạnh mẽ mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và chính sách về môi trường; (2) Nhiều mỏ khai thác dầu Urals chính của Nga tại Tây Siberia, khu vực tây bắc Nga đã bước vào giai đoạn suy giảm; (3) Tiềm năng khai thác dầu thô mới đang tập trung ở khu vực Bắc Cực (với loại dầu ARCO), dự án Vostok Oil (với loại dầu chứa hàm lượng lưu huỳnh thấp), Đông Siberia và Viễn Đông (với loại dầu ESPO).

Hiện tại các nhà máy tinh chế dầu của Gazprom Neft, Sibur, Rosneft đang tích cực mở rộng công suất tinh chế và đẩy mạnh hiện đại hóa sâu, góp phần giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Qua đó có thể tăng hấp thụ dầu thô Urals khi nhu cầu dầu Urals tại thị trường châu Âu sụt giảm. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo vị thế xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới của mình, Nga đang chú trọng phát triển thị trường "hướng Đông" tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là thị trường Trung Quốc. Điều này đã được đưa vào nội dung Chiến lược năng lượng đến năm 2035 của Nga. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Nhu cầu tiêu thụ dầu thô cao sẽ dần thay thế thị trường châu Âu truyền thống.

Hai nhà sản xuất dầu khí hàng đầu là Rosneft và Gazprom Neft đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu dầu thô sang thị trường này. Trong đó Rosneft đang tăng cường xuất khẩu dầu thô ESPO thông qua hệ thống đường ống và cảng ở khu vực Viễn Đông. Gazprom Neft đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô ARCO thông qua tuyến hàng hải phương bắc.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-the-moi-cua-dau-tho-nga-tren-thi-truong-the-gioi-574931.html