Vị thế khác biệt trên sân chơi toàn cầu

'WEF là nơi quy tụ các doanh nghiệp đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Đồng hành cùng các doanh nghiệp này, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và FPT nói riêng sẽ có cơ hội bứt phá, tạo nên một vị thế khác cả về công nghệ và các chỉ số kinh tế trên sân chơi toàn cầu'.

Đó là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, người đã 7 năm liên tiếp tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos với TG&VN về ý nghĩa của việc tham gia WEF đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

WEF Davos là hội nghị thường niên lớn nhất của WEF, quy tụ lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới. FPT xuất hiện lần đầu tiên tại WEF vào năm 2012 sau khi trở thành một trong 1.000 thành viên sáng lập WEF vào tháng 11/2011.

Trao đổi về vai trò của WEF, người đứng đầu Tập đoàn FPT cho rằng, WEF là nơi quy tụ các tập đoàn tỷ USD, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu đồng hành với các doanh nghiệp này, Việt Nam nói chung và FPT nói riêng sẽ có cơ hội bứt phá, tạo nên một vị thế khác cho Việt Nam cả về công nghệ và các chỉ số kinh tế trên sân chơi toàn cầu. Bên cạnh đó, WEF cũng là nơi để cập nhật các xu hướng mới nhất về công nghệ.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại một cuộc gặp. (Nguồn: FPT)

“Chẳng hạn, WEF 2016 bàn đến câu chuyện cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 và đây thực sự là cơ hội để Việt Nam vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể đi thẳng vào những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, làm việc với những tập đoàn lớn nhất thế giới, những việc mới nhất thế giới. Đó là cơ hội rất đặc biệt, chưa từng xuất hiện: một hoặc nhiều công ty Việt Nam có thể trở thành tên tuổi hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mới”- ông Bình nhận định.

Từ sau WEF 2016, FPT đã đặt ra mục tiêu chiến lược là đồng hành với các tập đoàn sở hữu công nghệ nền (Technology Platform), tiên phong chuyển đổi số. Chiến lược này đã giúp FPT tiếp cận được với những tập đoàn toàn cầu có quy mô hàng chục tỷ USD. WEF hiện cũng là một trong những kênh quan trọng để FPT tiếp cận với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu.

“Năm 2017, 50 cuộc gặp tại Davos đã mang lại cho FPT thêm 20 khách hàng, đối tác. Những mối quan hệ tại Davos ngày càng được tăng cường và nhiều doanh nhân tôi gặp đã trở thành bạn bè. Họ hứa sang Việt Nam. Đây là điều quan trọng, bởi kinh nghiệm cho thấy, nếu không mời được lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn sang Việt Nam thì không thể có hợp đồng với họ” - ông Bình chia sẻ.

Theo ông Trương Gia Bình, WEF đã mang đến cho FPT cơ hội tiếp cận và hợp tác chiến lược và quy mô lớn với các đối tác, khách hàng lớn như tập đoàn như: UPS, HP, Siemens, Mitsubishi, Airbus,… Đặc biệt, sau WEF 2017, một trong những thỏa thuận quan trọng FPT đạt được là cung cấp 500 lập trình viên có kỹ năng chuyên môn để phát triển các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không dựa trên nền tảng Skywise của Airbus.

Chủ tịch FPT nhấn mạnh, WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Tại Davos 2018, FPT đã bàn cơ hội hợp tác về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… với những tên tuổi hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ, thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… Một trong các cuộc gặp có nhiều triển vọng là cuộc trao đổi về việc hợp tác trong mảng điện toán đám mây với Tổng Giám đốc HP Services, bà Ana Pinczuk - một trong những phụ nữ quyền lực nhất Silicon Valey, phụ trách 25.000 kỹ sư CNTT.

FPT cũng đã có cuộc thảo luận với ông Jim Barber, thành viên HĐQT Tập đoàn UPS, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, để mở rộng hợp tác toàn diện với tập đoàn này trong mảng chuyển đổi số.

Những hợp đồng, thỏa thuận có được từ WEF 2018 hiện đang được triển khai tốt và góp phần mang lại những thành công đáng kể cho FPT. Chẳng hạn như với Siemens, FPT đang là đối tác quan trọng của Tập đoàn này về nền tảng MindSphere. Hay như với GE, FPT được xem là đối tác khu vực về nền tảng công nghệ IoT - GE Predix, cho các ngành công nghiệp.

Bí quyết nắm cơ hội tại Davos

Trao đổi về bí quyết để có những cuộc gặp hiệu quả với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại Davos, vị thuyền trưởng tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam chia sẻ: Điểm lý thú ở WEF là sự tin cậy. Và để có được sự tin cậy này, các cuộc gặp cần được xếp lịch tối ưu, mọi tài liệu đều phải được chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu trước đó. Các cuộc gặp thường diễn ra rất ngắn gọn, khoảng 15 phút, đi nhanh vào chủ đề chính, tôi cần gì và bạn làm được gì. Phải tranh thủ từng phút tại Davos.

“Cuộc trò chuyện tay đôi với các lãnh đạo doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu không thể nào là câu chuyện “xã giao, tầm phào”. Chắc chắn không có chuyện bạn đang giải lao ngoài sảnh, hút thuốc hoặc uống cà phê, mà là cơ hội nói chuyện riêng tư với lãnh đạo một tập đoàn quốc tế” - ông Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch FPT cũng cho rằng, cuộc CMCN lần thứ 4 được coi là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng và đang thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của nền kinh tế số và những thay đổi như vũ bão mà cuộc CMCN lần thứ 4 mang lại.

Theo ông Bình, trong cuộc cách mạng số, mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số. Mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, tỉnh táo trước những thay đổi của cuộc CMCN lần thứ 4. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, hoặc bắt tay với các công ty công nghệ lớn để không bị lạc hậu.

“FPT sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi như IoT, Mobile, Big Data, Trí tuệ nhân tạo… để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng số theo hai hướng. Một là đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn cầu. Hai là thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ Tập đoàn” - ông Trương Gia Bình cho biết.

Hiện nay, FPT là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đang chuẩn bị tích cực để thích ứng với guồng quay của cuộc các mạng công nghệ số. FPT đồng hành cùng các doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền về IoT, IIoT để tạo ra các dịch vụ/giải pháp mới giúp các tập đoàn hàng đầu trên thế giới thay đổi phương thức hoạt động, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số.

WEF Davos 2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên CMCN 4.0” là lần thứ 8 FPT tham dự. Chúng tôi kỳ vọng cơ hội hợp tác có được với các Tập đoàn đứng đầu thế giới sau các cuộc gặp tại Davos cũng sẽ tương ứng với số lượng các cuộc gặp - Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vi-the-khac-biet-tren-san-choi-toan-cau-85752.html