Vị thế hạt gạo Việt Nam

ST25- loại gạo vừa được bình chọn 'Gạo ngon nhất thế giới năm 2019' đang được nhiều người săn lùng tìm mua. Những tín hiệu này đã thắp lên niềm tin cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Người tiêu dùng tại TP HCM tìm mua gạo ST25. (Ảnh: TTXVN).

Người tiêu dùng tại TP HCM tìm mua gạo ST25. (Ảnh: TTXVN).

Gạo Việt được vinh danh

Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Philippines mới đây, gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”. Như vậy, sau sau hàng chục năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, gạo Việt lần đầu tiên đã có thể định vị được “cái danh” của mình trên trường quốc tế, khẳng định vị thế, chất lượng của sản phẩm gạo Việt.

Dù đứng trong top đầu các nước xuất khẩu gạo, song gạo Việt Nam chưa khi nào ghi được dấu ấn đối với người tiêu dùng thế giới. Dường như, thế giới chỉ nhắc đến gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ, trong khi nhiều nước nhập khẩu rất lớn gạo từ Việt Nam. Điều này cho thấy, việc xuất khẩu chủ yếu chạy theo sản lượng mà không coi trọng chất lượng đã khiến cho gạo Việt không thể gây được tiếng vang, không thể “định vị” thương hiệu của mình trên bản đồ thế giới. Nguyên nhân chính là ở chỗ, các DN xuất khẩu gạo chưa chú trọng trong việc xây dựng được thương hiệu, bên cạnh đó tư duy chạy theo sản lượng xuất khẩu vẫn còn đè nặng lên DN một thời gian dài.

Tuy nhiên, tin vui gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh đã làm thay đổi cách nhìn của thế giới đối với sản phẩm gạo của chúng ta. Theo ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự kiện này không chỉ góp phần nâng uy tín của gạo Việt trên trường quốc tế mà còn là động lực để các địa phương, DN và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã có nhiều động thái nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam với mục đích là nâng tầm ngành sản xuất lúa gạo. Bởi vậy, việc gạo ST25 đứng đầu về gạo ngon thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những nỗ lực này của ngành nông nghiệp, đồng thời tạo đà để người nông dân có thêm động lực sản xuất ra nhiều loại gạo chất lượng cao trong thời gian tới.
Sự phát hiện tình cờ

Qua trò chuyện kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của gạo ST25, cho biết quá trình tiếp xúc và nghiên cứu về cây lúa cũng ngót nghét trên 20 năm. Kết quả là ông và cộng sự đã làm rạng danh tỉnh Sóc Trăng khi gạo ST25 được công nhận ngon nhất thế giới.

Ông Cua kể, trong một lần thăm đồng vô tình ông phát hiện một số cây lúa có hình dáng lạ, gốc màu tím, hạt thon dài. Cho rằng đây có thể là những cá thể của giống lúa VD20 đột biến, ông Cua cùng với 2 đồng nghiệp là Tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương đã nghiên cứu lai tạo, nhân giống và cho ra thị trường hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST (viết tắt của từ Sóc Trăng).

Ông Hồ Quang Cua chia sẻ: “Sự phát hiện giống lúa ST tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với nhóm chúng tôi, giúp cho công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng phát triển và nhân ra nhiều loại”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: Giống lúa ST25 có chu kỳ sản xuất ngắn với 95 ngày. Đây là giống lúa thơm, hạt dài, cơm dẻo. Năm 2014, giống lúa này được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử. Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho năng suất 7 tấn/ha. Ngoài là giống lúa đặc sản, ST25 còn thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; sinh trưởng tốt tại vùng đất mặn, phèn. Đặc biệt ST25 rất thích hợp cho vùng xen canh lúa-tôm.

Vấn nạn gạo giả và những nguy cơ

Do sức hút khá mạnh của gạo ST25 nên nhiều người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh đang săn lùng tìm mua. Nắm bắt được nhu cầu này nên gạo giả bắt đầu xuất hiện. Chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng internet đều thấy rao bán gạo ST25 với nhiều loại bao bì và giá gạo khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang.
Theo ông Hồ Quang Cua, ngay khi gạo ST25 được vinh danh nhiều DN đã có những hành vi làm giả thương hiệu, có trường hợp DN “phù phép” dán nhãn ST25 lên bao bì ST24 để đánh lừa người tiêu dùng. Nếu như tình trạng này không được ngăn chặn, chắc chắn không lâu nữa thương hiệu gạo ST25 sẽ bị thế giới nhìn bằng con mắt khác. Chính cách làm ăn theo kiểu “ăn xổi” của một số DN đang giết dần những DN uy tín, trực tiếp đưa giá trị của gạo Việt xuống tầm thấp của thế giới. Cũng theo ông Cua, Việt Nam chỉ có thể xây dựng thương hiệu gạo khi nào kiểm soát được chất lượng hạt giống.

Nhìn nhận về hiện tượng gạo giả thương hiệu ST25, chuyên gia kinh tế -TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dường như câu chuyện hàng giả hàng nhái chưa thể có hồi kết khi mà lòng tham của con người vẫn lớn hơn danh dự. Ông Hiếu nêu lên thực tế, nếu như ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Mỹ, hành vi làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ bị kiện ra tòa và xử lý theo khung pháp lý một cách nghiêm khắc, thì ở Việt Nam chúng ta chưa thấy có một vụ việc nào liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ bị đưa ra tòa. Điều này khiến cho các đối tượng “nhờn” luật, họ sẵn sàng làm giả bất cứ một thương hiệu nổi tiếng nào hòng đạt được lợi nhuận to lớn, và nếu chẳng may có bị phát hiện, cùng lắm là bị xử lý hành chính.

“Chế tài quá “nhẹ tay” là nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa thể được triệt tiêu” – ông Hiếu nói và nhấn mạnh thêm, nếu không siết mạnh, sản phẩm gạo ST25 cũng đang bị đe dọa bởi vấn nạn gạo giả xuất hiện tràn lan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân DN, đến chủ thương hiệu gạo đó mà còn làm giảm uy tín ngành gạo Việt.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình dài, chúng ta cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu DN. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải làm sao giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì bên cạnh thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng. Song, nếu chúng ta không dẹp được tình trạng làm giả, làm nhái, liệu người tiêu dùng thế giới có đặt niềm tin vào các sản phẩm của gạo “made in Vietnam”?

2 năm trước, gạo ST24 của Sóc Trăng lọt vào top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tại hội nghị lần này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chọn hai loại gạo ST24 và ST25 của ông Cua và các cộng sự. Và mới đây, tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) ở Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Manila– Philippines, nhóm nhà khoa học gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương được vinh danh khi gạo ST25 do họ lai tạo nhận được cúp World’s Best Rice.

Duy Phương - Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/vi-the-hat-gao-viet-nam-tintuc453586