Vị thế của quốc gia Đại Việt qua trò Xuân Phả

Trò Xuân Phả là ảnh xạ của lịch sử về việc tiến cống, chào mừng của những nước lân bang và thể hiện khát vọng độc lập tự chủ, hùng cường Đại Việt. Tích trò và nội dung của năm điệu múa cổ làng Láng chính hồn cốt của dân tộc, thông qua lời ca và những điệu múa chứa đựng những thông tin của một thời đã qua, phản ánh quá khứ hào hùng, vị thế của quốc gia Đại Việt với các nước trong khu vực và quốc tế.

Một cảnh trong trò Xuân Phả (Thọ Xuân). Ảnh: Lê Công Bình

Xứ Thanh là miền đất của trò diễn. Trò Xuân Phả là một trong những trò diễn tiêu biểu, lưu dấu quá khứ hào hùng công cuộc dựng nước và mở nước của cha ông thời quốc gia độc lập tự chủ Đại Việt.

Làng Láng, sau này gọi là làng Xuân Phả nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân từ xa xưa đã từng nổi tiếng với 5 điệu múa rất đặc biệt, thường gọi là “Lân Bang Ngũ Quốc Đồ Tiến Cống” là một tổ hợp hát múa dân gian đặc sắc, mang đậm chất cung đình.

Về nguồn gốc trò làng Láng - Xuân Phả theo thần tích cho biết: Khi đất nước có nạn giặc ngoại xâm, nhà Vua sai sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài đánh giặc cứu nước. Khi sứ giả đi đến bờ sông Chu thì gặp giông tố phải trú lại trong nghè Xuân Phả. Đến đêm, linh thần báo mộng về cách phá giặc, sứ giả vội về bẩm báo lại với nhà vua. Vua thấy kế hay nên làm theo và quả nhiên thắng trận. Đất nước lại được bình yên. Để tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, nhà vua đã ban tặng cho thần là Đại Hải Long vương Hoàng Lang Tướng quân và thưởng các điệu: Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung được diễn trong các ngày 10-11 tháng hai âm lịch tại hội làng.

Trong hội lễ làng Xuân Phả, ngày đầu tiên dân làng tổ chức kéo hội, tế lễ thành hoàng và chạy giải. Ngày mùng 10 các con trò trình diễn trò Hoa Lang, Ai Lao, Tú Huần và sang ngày 11 diễn trò Chiêm Thành và Ngô Quốc.

Với điệu Hoa Lang, đi đầu là con kỳ lân - thủy quái ở biển, múa sát đất như bơi lội. Đoàn người Hoa Lang có cô gái Việt ra đón tiếp với các nhân vật ông chúa, mế nàng và 10 quân. Trang phục gồm áo dài, tay cầm quạt và mái chèo, đeo mặt nạ. Mũ chúa được chạm rồng, chạm mặt nguyệt. Ngựa hai con đan bằng nứa bịt giấy lồng vào người múa. Đoàn người vừa múa vừa hát:

... Trò tôi ở bên Hoa Lang

Tôi nghe chính đức tôi sang chèo chầu...

Kết thúc trò là điệu múa chèo thuyền, đoàn người vượt biển đến tiến cống rồi trở ra biển để tiếp tục cuộc hành trình.

Điệu Ai Lao, thể hiện đoàn vương quốc Vạn tượng do đích thân vua vào chúc mừng. Đi đầu là voi và hổ múa cùng những người thợ săn. Vua Ai Lao đầu đội mũ cánh chuồn mặc áo chàm xanh, có người theo sau đấm lưng. 10 quân (hai người sau cùng gánh cỏ cho voi) đội mũ rễ si, tay cầm xênh tre xếp thành hai hàng với những điệu múa mô phỏng việc săn bắn hái lượm.

Điệu Tú Huần còn gọi là Lục hồn Nhung, trang phục trò Tú Huần đầu đội mũ, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và 10 người con. Mặt người mẹ thì già nua còn 10 người con được chia thành 5 cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2... 5 cái răng. Nghe hồi trống, cụ cố già, người hầu bên cạnh cầm quạt, lượn hai vòng quanh sân nghè, vái chào. Bà mẹ gõ xênh nhảy theo nhịp ba gần ban thờ, quỳ vái. Theo nhịp trống, 10 con chia thành từng đôi, tiến lùi theo mẹ múa.

Điệu Chiêm Thành, thể hiện đoàn sứ của vương quốc Champa tới chúc mừng, gồm có ông chúa, bà nàng, một người hầu, hai phỗng hầu và 16 quân. Chúa và quân. Sau khi chúa đọc văn tế và hai phỗng dâng hương, đoàn quân ngậm mặt nạ gỗ kỳ dị nhảy múa, giống các tư thế trong các tượng Chàm cổ.

Điệu Ngô Quốc chính là đoàn múa của người Trung Hoa. Nhân vật trong trò này có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo trông như người Mãn Thanh. Kết thúc trò cũng là điệu chèo thuyền với lời ca lưu luyến: ... Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi/ Chàng về Bắc quốc, em thời An Nam/ Mưa đâu chớp đấy cho cam/ Mưa qua thành Lạng chớp ngàn mây xanh...

Trò Xuân Phả mô tả cảnh năm phương đến chầu, múa hát những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các quốc gia chúc mừng nhà vua và triều đình Đại Việt sau chiến thắng ca khúc khải hoàn hoặc trong một cuộc đại lễ long trọng. Trò Xuân Phả khởi đầu từ thời Đinh và được thăng hoa vào thời Lê sơ.

Trò Xuân Phả mang đậm dấu ấn của lịch sử và đời sống xã hội thời Lê sơ. Thông điệp của người xưa gửi lại cho thế hệ muôn sau còn in rõ trên Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi (Bia Vĩnh Lăng, Lam Sơn) soạn thảo vào năm Thuận Thiên thứ 6 (1433). Sau chiến thắng quân Minh uy thế của nước Đại Việt được các nước lân bang nể phục: “Hai nước từ đó thông sứ hòa hảo. Nam, Bắc yên việc. Mang Lễ, Ai Lao, đều vào bản đồ. Chiêm Thành, Đồ Bà, vượt bể đến cống”. Lãnh thổ được mở rộng qua việc sáp nhập vùng Mường Lễ, Ai Lao (vùng Thanh Hóa, Nghệ An giáp với Lào) và đặc biệt một số nước trong khu vực như Chiêm Thành, Đồ Bà (có lẽ là Java thuộc Indonesia ngày nay) đều cho tàu thuyền sang cống nạp. Hai nước Trung Hoa và Đại Việt từ đó thông hảo, Bắc Nam yên ổn. Sự kiện ghi trên văn bia chính là vương triều Lê sơ với người đứng đầu là Lê Thái tổ sau khi khải hoàn, khẳng định vị thế và vai trò của nền quân chủ phong kiến sau khi giành lại nền tự chủ.

Sau thắng lợi của sự nghiệp bình Ngô, vương triều hậu Lê được thiết lập, Lê Thái tổ cho xây Lam Kinh quê cha, đất tổ với nhiều công trình lớn như cung điện, sân rồng, ngọc hồ, lăng miếu... Hàng năm, các vua cùng tôn thất về Lam Kinh tế lễ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, Hoàng đế Thái tông “tưởng nhớ công lao của tiền bối, sáng tác điệu vũ bình Ngô”, tại Lam Kinh vũ khúc “Bình ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” đã được trình diễn ít nhất hai lần. Sự việc này đã được ghi lại khá cụ thể: Năm Thái Hòa thứ 7 (1449) “Mùa xuân tháng giêng ban yến cho quan, múa nhạc bình Ngô. Công hầu có người xúc động phát khóc”. (Đại Việt sử ký toàn thư). Bảy năm sau (1456) Vua Nhân tông trong dịp về Lam Kinh bái yết sơn lăng, đã cho đánh trống đồng “diễn khúc bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” ca ngợi công lao của tiền bối trong việc bình Ngô, giữ nước. “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều” là hai trò diễn được Nguyễn Trãi biên soạn. Hai trò diễn này trải qua thời gian đã bị mai một và không được bảo lưu trọn vẹn, tuy nhiên nó đã có những ảnh hưởng sâu rộng. Theo GS Đào Duy Anh thì “tàn tích của khúc múa Chư hầu lai triều là điệu múa Xuân Phả ở Thọ Xuân, Thanh Hóa...”.

Nghiên cứu trò Xuân Phả cho thấy: Trò làng Láng khởi đầu là nghệ thuật múa và hát mang đậm yếu tố cung đình và về sau đã được dân gian hóa. Lễ hội Lam Kinh với những tích trò còn in đậm trong trò làng Láng. Sự suy vong của vương triều Hậu Lê, cùng với sự ra đời của các vương triều kế tiếp và những biến cố của lịch sử giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, đưa đến sự hoang phế của khu điện miếu Lam Kinh đã làm cho từ lễ hội cung đình trở thành lễ hội dân gian. Tại đây các hình thức diễn xướng được tiến hành như trò chạy chữ “thiên hạ thái bình”, hội trận dần được dân gian hóa. Tuy vậy, dù lễ hội cung đình hay dân gian và thời đại có thể đổi thay, nhưng sự tôn vinh anh hùng dân tộc, uống nước nhớ nguồn trong dòng chảy truyền thống văn hóa Việt vẫn là cơ sở để lễ hội và trò diễn duy trì và trường tồn cùng năm tháng.

Trò Xuân Phả phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của vương triều Lê sơ sau cuộc kháng Minh thắng lợi, ca khúc khải hoàn. Trò Hoa Lang (Hà Lan) diễn tả người Hoa Lang sang cống tiến vua Lê; trò Tú Huần mô phỏng hình dáng của một tộc người tới từ hải đảo xa xôi; trò Ai Lao, trò Ngô cũng mang sắc phục của các nước lân bang sang cống tiến vua Đại Việt. Trò Xuân Phả chính là thông điệp về sự giao hảo của quốc gia độc lập tự chủ với các nước trong khu vực, thể hiện vị thế của Đại Việt thời bấy giờ khiến cho “lân bang ngũ quốc đồ tiến cống”.

Hoàng Minh Tường

Tài liệu tham khảo:

Phan Cẩm Thượng, Trò Xuân Phả, http://huc.edu.vn/chi-tiet/260/.html.
Trần Thị Liên, Diễn xướng dân gian thời Lê và việc khôi phục Lễ hội Lam Kinh, http://baothanhhoa.vn/vn/van-hoa/n26338.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/vi-the-cua-quoc-gia-dai-viet-qua-tro-xuan-pha/113470.htm