Vị thế của Nga trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden

Trung tâm Carnegie đăng bài phân tích này, được xuất bản như một phần của dự án 'Đối thoại Nga - Mỹ: Thay đổi thế hệ'.

Theo bài phân tích thì Biden thực sự khác xa với hình ảnh do ông tạo ra trên các phương tiện truyền thông Nga - một ông già yếu đuối, người sẽ chỉ trở thành nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa. Trong thực tế, ông là một chuyên gia sành sỏi với kinh nghiệm chính sách đối ngoại rộng lớn, tư duy chiến lược và sẵn sàng hành động cứng nhất có thể. Và một đội ngũ trợ lý đầy tham vọng sẵn sàng giúp ông tìm cách để lại một dấu ấn trong lịch sử của Mỹ và thế giới.

Năm 2011, Biden nói rằng ông không nhìn thấy hồn trong mắt Putin. Câu trả lời của ông Putin là: "Chúng ta hiểu nhau". Giờ Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mỹ và Putin sẽ có thể ở lại Điện Kremlin cho đến năm 2036 nhờ sửa đổi hiến pháp, nguy cơ mối quan hệ của 2 nước sẽ trở nên lạnh lẽo nhất trong lịch sử quan hệ ngoại giao.

Ở Nga, chính sách đối ngoại của Biden thường được sánh với chính sách của Barack Obama. Nhiều người dưới trướng Obama giờ sẽ nhận được vị trí tại Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Quốc phòng, và Phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Nhưng bản thân Biden là một người tinh vi hơn rất nhiều trong chính sách đối ngoại so với Obama.

Biden nay 78 tuổi, và không giống như Obama, ông được tự mình chứng kiến chiến tranh lạnh mà không đọc qua sách vở. Ông trở thành thượng nghị sĩ năm 1972, và lần đầu tiên đến thăm Moscow vào năm 1979, khi hiệp ước SALT-2 (Strategic Arms Limitation Talks) được ký kết. Ông quay lại Liên Xô ngay sau khi ký kết Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung, một hiệp ước mà ông Trump đã rút khỏi vào năm 2019. Là một thượng nghị sĩ từ đầu những năm 1970, một người đứng đầu lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, một phó tổng thống trong hai nhiệm kỳ của Obama, Biden đã hoạt động trên trường chính trị thế giới trong gần nửa thế kỷ. Mặc dù ông thấy đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ là Trung Quốc, mối đe dọa chính mà ông nêu ra là Nga.

Biden cho rằng Nga đang suy yếu, chết dần, hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu, và nói chung Nga thuộc những nước nhóm II và nằm dưới sự quản lý của cơ quan an ninh, không thể cạnh tranh với phương Tây. Biden tin rằng Moscow đang cố gắng làm suy yếu phương Tây từ bên trong, làm suy yếu sự thống nhất của NATO, Liên minh châu Âu và trật tự thế giới tự do nói chung. Nga đối với ông là một lực lượng hung hăng, thế lực muốn trả đũa và đưa cuộc đối đầu với Mỹ vượt ra ngoài Liên Xô cũ và ngày càng gần đến Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, Biden không tin rằng những nỗ lực của Mỹ cuối Chiến tranh Lạnh để đưa Nga gia nhập vào hệ thống quốc tế do Mỹ dẫn đầu là một sai lầm. Ý tưởng này đã thất bại không phải vì sự bành trướng của NATO về phía Đông mà, theo quan điểm của ông, là chính quyền ở Nga nằm ở trong tay lực lượng an ninh.

Nhưng ở đây Biden không mất hy vọng cho những gì tốt nhất. Ông cho rằng không nên dồn Nga vào đường cùng với một cách mạng màu hay cách nào đó khác vì, thứ nhất, việc này có thể trở nên quá nguy hiểm cho Mỹ, thứ hai là bởi vì ông Putin nắm quyền nhờ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chống Mỹ. Tất cả điều này cho phép đánh giá chính sách tương lai của Biden về nước Nga. Nhiều khả năng, ông Biden sẽ phối hợp các cơ quan khác nhau của Mỹ liên quan đến Nga, phát động một cuộc tấn công chống lại Moscow trong không gian mạng, tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ để gây áp lực lớn hơn lên nước Nga. Biden sẽ giải thích cuộc đối đầu giữa hai nước như một cuộc xung đột không phải giữa Mỹ và Nga, mà là cuộc xung đột giữa chế độ tham nhũng tại Nga và người dân. Mỹ trong cuộc xung đột này sẽ tiếp tay cho "cuộc chiến dân vận" tại Nga.

Ngoài việc mở rộng xung khắc Mỹ-Nga nhờ/bởi các vấn đề dân chủ và nhân quyền, Biden cũng có thể đẩy mạnh sự hiện diện của Mỹ trong không gian hậu Xô Viết. Dưới thời Obama, ông này giám sát Ukraine, và, trong những tháng gần đây, đã chỉ trích gay gắt Nga vì ủng hộ Lukashenko và can thiệp vào Karabakh. Khi đã trở thành tổng thống, không có nghi ngờ rằng căng thẳng giữa Mỹ và Nga sẽ được mở thêm ra trong không gian hậu Xô Viết.

Chiến thắng của ông Biden có thể sẽ tăng thêm sự thống nhất cho chính sách của NATO. Trong vài tháng qua, châu Âu đã siết chặt hơn các mối quan hệ với Nga, tiến về gần Mỹ hơn. Đức trước đây bảo vệ một số quan điểm của Nga thì nay đưa ra nhiều chỉ trích trong Liên minh châu Âu và tự bắt đầu các biện pháp trừng phạt mới. Có thể Biden sẽ cho người Đức cơ hội tự quyết định số phận của Nord Stream 2 để vượt qua sự rạn nứt của Tổng Thống Trump gây ra giữa Washington và Berlin. Tuy nhiên, mối quan tâm của Washington về sự phụ thuộc của EU vào năng lượng của Nga sẽ không vì thế mà biến mất. Quốc hội Mỹ ngày càng phản đối bất kỳ dự án năng lượng nào của Nga ở châu Âu, vì vậy nhiều khả năng ông Biden sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Đức từ bỏ Nord Stream 2.

Biden cũng có thể tiếp tục chính sách phát triển và triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu, nhắm vào các vị trí chỉ huy và mục tiêu chiến lược của Nga. Biden ủng hộ việc duy trì hệ thống kiểm soát vũ khí, bao gồm cả việc gia hạn hiệp ước START-3, nhưng ông thích đàm phán từ một vị thế áp đảo, vì vậy, cũng có thể sẽ triển khai tên lửa Mỹ gần biên giới Nga. Vấn đề đàm phán về sự ổn định chiến lược với Nga dưới thời Biden có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong lịch sử.

Tăng cường quan hệ của Mỹ với châu Âu cũng sẽ gặp phản kháng nhất định từ phía Trung Quốc. Và việc này sẽ làm tăng áp lực địa chính trị đối với Nga, gây cho Nga sự mất cân đối và ít khoảng trống để xoay sở hơn. Tất cả những yếu tố này sẽ là một phần của một chiến lược rộng lớn cho chính quyền Biden chuẩn bị, trong đó, sự có mặt của Nga sẽ không đóng vai trò chủ chốt. Mục tiêu cuối cùng của Nhà Trắng là làm suy yếu sự kháng cự của nhà nước Nga, phá hủy liên minh Moscow - Bắc Kinh, và đưa Nga trở lại vị trí làm nguồn cung cấp tài nguyên cho phương Tây.

Biden thực sự khác xa với hình ảnh do ông tạo ra trên các phương tiện truyền thông Nga - một ông già yếu đuối, người sẽ chỉ trở thành nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa. Trong thực tế, ông là một chuyên gia từng trải với kinh nghiệm chính sách đối ngoại tuyệt vời, tư duy chiến lược tốt và sẵn sàng hành động cứng nhất có thể. Đồng thời, một đội ngũ trợ lý đầy tham vọng và tràn đầy năng lượng, đang tìm cách để lại dấu ấn trong lịch sử của Mỹ và thế giới, sẽ hỗ trợ ông ta trong việc này. Nhiệm kỳ của ông Biden sẽ hết hạn cùng thời điểm với nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin vào năm 2024. Trong những năm tới, tổng thống Nga sẽ phải quyết định liệu ông có thể ứng cử tiếp hay không và trong thời gian này sẽ còn nhiều điều có thể xảy ra.

Viễn Đông

Theo Carnegie

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-the-cua-nga-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-biden-587822.html