Vị thái tử tham vọng và thất bại của cuộc cải cách ở Saudi

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vừa bước qua một năm 2018 đầy sóng gió trên trường quốc tế, trong khi tham vọng cải cách trong nước bị đặt dưới lăng kính hoài nghi.

Lái xe một vòng quanh Riyadh, hình ảnh hào nhoáng của thủ đô Saudi Arabia tạo ra ấn tượng quốc gia giữa sa mạc Trung Đông có nền kinh tế vô cùng năng động.

Những trung tâm mua sắm ngập khách hàng và nhân viên. Mutaween, lực lượng cảnh sát tôn giáo đáng sợ một thời, giờ không còn duy trì sự giám sát nghẹt thở trên đường phố Riyadh. Dưới chương trình cải cách Saudi Vision 2030 (Tầm nhìn Saudi 2030), các sĩ quan Mutaween chỉ còn làm việc trong giờ hành chính, không còn quyền bắt giữ và tạm giam, chỉ được nộp báo cáo cho cơ quan dân sự.

Cả thành phố như một công trình xây dựng không ngừng nghỉ. Nhiều khách sạn và trung tâm mua sắm đang được xây mới. Thị trường chứng khoán Saudi tăng 9% năm 2018. GDP dự kiến tăng 1,9% vào 2019, trong đó khu vực ngoài công nghiệp dầu khí tăng trưởng 2,3%.

"Saudi Vision 2030", kế hoạch đầy tham vọng của Thái tử Muhammed bin Salman nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vùng đất lớn nhất bán đảo Arab, có vẻ đã vào guồng. Người kế vị ngai vàng Saudi đang giữ đất nước đi trên con đường cải cách lâu hơn những người tiền nhiệm, vốn luôn quay trở lại mô hình phụ thuộc dầu mỏ mỗi khi giá dầu tăng.

Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Economist, sự tiến bộ này vẫn chỉ là ảo ảnh. Nhìn qua những dòng tít của truyền thông và chỉ số mang tính bề nổi, các nỗ lực cải cách của thái tử Muhammed vẫn đầy thất vọng.

Thị trường chứng khoán là ví dụ điển hình cho thấy nền kinh tế Saudi Arabia vẫn chưa thật sự thay đổi. Theo một điều tra của Wall Street Journal vào tháng 12/2018, những chỉ số có vẻ lành mạnh vì chính phủ Riyadh thường bí mật thổi phồng giá trị thị trường.

Thông qua các đơn vị liên kết với chính quyền, những hợp đồng mua cổ phiếu với số lượng khổng lồ thường được tung ra vào phút cuối mỗi phiên giao dịch "thất bại", đẩy thị trường cân bằng trở lại trong phiên kế tiếp. Các công cụ này được sử dụng để đối phó tình trạng bán tháo mỗi khi khủng hoảng chính trị làm niềm tin thị trường chạm đáy.

Thị trường chứng khoán là trụ cột trong chiến lược chấn hưng nền kinh tế Saudi Arabia của thái tử Mohammed. Người kế vị ngai vàng Saudi phải giữ cho sàn Tadawul vận hành lành mạnh.

Tadawul vào năm 2019 sẽ gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi toàn cầu. Điều này cho phép Saudi Arabia nhận về hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thông qua thị trường chứng khoán, hiện có giá trị vốn hóa khoảng 500 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể từ con trai vua Salman trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia, chính phủ của ông trải qua liên tiếp những biến động lớn trong quan hệ đối ngoại, từ khủng hoảng ngoại giao với Qatar đến vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi vào tháng 10/2018 làm rúng động dư luận quốc tế. Những biến động này tác động không nhỏ đến niềm tin của giới đầu tư.

Giá dầu tăng thời gian qua đang tạo động lực tăng trưởng cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế đã giảm mạnh trong năm 2017, từ 7,5 tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,4 tỷ USD. Thậm chí, giới nhà giàu còn đang tìm cách "di tản" tiền ra nước ngoài. Trong năm 2017, gần 80 tỷ USD rời khỏi thị trường Saudi Arabia.

"Chúng tôi buộc phải trấn an với thế giới rằng đầu tư vào Saudi là quyết định đúng đắn", một quan chức Saudi Arabia giấu tên tiết lộ với Wall Street Journal.

Về giấy tờ chính thức, sàn giao dịch chứng khoán Saudi Arabia luôn công bố số lượng cổ phiếu được chính phủ mua vào. Nhưng trong những đợt khủng hoảng chính trị gần đây, con số thực tế cao hơn nhiều so với những báo cáo mà nhà đầu tư có thể tiếp cận.

Chính phủ Saudi Arabia thay vì mua trực tiếp cổ phiếu sẽ để dòng tiền đi qua các đơn vị quản lý tài sản, điều hành những quỹ đầu tư không công khai danh tính khách hàng.

Dẫn lời nguồn thạo tin, Wall Street Journal cho biết chiến thuật này được chính phủ Saudi sử dụng thường xuyên trong năm 2017 khi phát động bao vây kinh tế láng giềng Qatar. Trong giai đoạn này, những nhà đầu tư rút gần 2 tỷ USD khỏi thị trường, nhưng các quỹ đầu tư lập tức mua vào gần 2,3 tỷ USD giá trị cổ phiếu.

Chiến thuật lại tái diễn vào thời điểm hàng loạt hoàng thân bất đồng bị bắt giữ, hay sau khi thủ tướng Lebanon bị tạm giam ở Saudi Arabia.

Để thổi phồng thị trường chứng khoán, chính phủ Saudi Arabia mua cổ phiếu thông qua Quỹ Đầu tư Công (PIF). Đây là công cụ đầu tư chủ lực của thái tử Mohammed cả trong và ngoài nước. PIF nắm giữ cổ phẩn lớn trong Uber, cùng với tập đoàn SoftBank rót hàng tỷ USD tiền đầu tư cho công ty vận tải công nghệ.

Antoine van Agtmael, người "khai sinh" ra khái niệm thị trường mới nổi gần 40 năm trước, đánh giá sự can thiệp của chính phủ Saudi khiến thị trường chứng khoán nước này "không khác gì một thị trường giả tạo, và kiểu hành xử đó sẽ làm suy giảm niềm tin của những nhà đầu tư về dài hạn".

Nói cách khác, thị trường chứng khoán của Saudi Arabia vẫn trông chờ vào cứu cánh tiền chính phủ, thu về chủ yếu nhờ ngành công nghiệp dầu mỏ, để thoát khỏi liên tiếp những đợt khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư.

Thái tử Mohammed bin Salman cùng nội các cũng thực hiện nhiều bước đi nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Một đạo luật mới đã được thông qua nhằm tái lập trật tự cho quy trình phá sản doanh nghiệp.

Những dự án từng do nhà nước bao thầu giờ đây được lập kế hoạch đối tác công-tư (PPP). Chẳng hạn, Bộ Nhà ở Saudi Arabia đang vận động các doanh nghiệp tư nhân đầu tư 100 tỷ USD để xây dựng 1 triệu căn nhà giá cả phải chăng cho người dân. Hơn 1,5 triệu công dân Saudi đã đăng ký tên vào danh sách mua nhà trợ giá.

Để thuyết phục các nhà đầu tư quan tâm hơn đến quốc gia Trung Đông, Thái tử Muhammed còn tập trung quảng bá dự án Neom - siêu đô thị của tương lai nằm bên bờ Biển Đỏ. Với tổng giá trị đầu tư lên đến 500 tỷ USD, Neom sẽ là thành phố được số hóa, tự động hóa, sử dụng công nghệ xanh và vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.

Siêu đô thị công nghiệp và kinh doanh sẽ có diện tích hơn 26.400 km2, gấp 33 lần New York. Saudi Arabia đặt kỳ vọng nhiệt độ trung bình của thành phố sẽ thấp hơn khí hậu các nước Vùng Vịnh đến 10 độ C.

Thái tử Mohammed công bố dự án vào tháng 10/2017 với lời hứa siêu đô thị sẽ dần đi vào hoạt động trong năm 2020 và hoàn thiện khu vực đầu tiên của thành phố trong năm 2025.

"Đây không phải là nơi dừng chân cho những con người bình thường hay những công ty bình thường. Đây là điểm đến của những người biết mơ mộng trên khắp thế giới", con trai vua Salman tuyên bố.

Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ của "địa đàng" mà thái tử Mohammed hứa hẹn đang được xây dựng. Câu hỏi liệu dự án có đảm bảo đúng tiến độ hay không vẫn là một ẩn số, theo Economist.

Những dự án đầy tham vọng khác cũng được nhìn bằng ánh mắt hoài nghi. "Thành phố năng lượng" Spark, được xây dựng ở miền Đông với tổng giá trị đầu tư 1,6 tỷ USD cùng mục tiêu tạo ra 100.000 việc làm mới, đang lo sợ chịu chung tình trạng trì trệ như Quận Tài chính Vua Abdullah. Dự án 10 tỷ USD giữa thủ đô Riyadh vẫn có nhiều tòa nhà hơn là ngân hàng.

Không dừng lại ở kinh tế, tham vọng cải cách của thái tử Mohammed còn lấn sân sang cả văn hóa. Ông muốn biến quần thể di tích và lăng tẩm cổ đại tại Mada’in Saleh, cách Riyadh gần 1.000 km về phía tây bắc, trở thành thủ phủ văn hóa mới của Saudi Arabia. Thị trấn vùng Al Ula được lên kế hoạch trở thành một trung tâm tín ngưỡng sánh ngang thánh địa Mecca và là trung tâm chính trị - tài chính ngang ngửa thủ đô Riyadh.

Tuy nhiên, tương lai của dự án này vẫn vô cùng mơ hồ. Tính đến giữa tháng 12/2018, hai thành viên ủy ban tư vấn quốc tế đã nộp đơn từ chức. Những đối tác Pháp của dự án xin cấp thêm 1,3 tỷ USD đầu tư.

"Mọi thứ đều hỗn loạn. Không có kế hoạch nào được tiến hành cụ thể. Tất cả đều hối hả, hối hả và hối hả", một thành viên ủy ban tư vấn tiết lộ với Economist.

Mục tiêu của Riyadh là đến năm 2035 có thể thu hút hơn 2 triệu lượt du khách/năm tham quan Al Ula. Một nửa con số này được kỳ vọng là du khách nội địa, nửa còn lại đến từ khắp nơi trên thế giới. Con số khổng lồ này kéo theo bài toán về xây dựng một sân bay mới cùng hàng nghìn phòng khách sạn trong khu vực.

"Nơi này quá thanh khiết và giản dị. Càng ít sự can thiệp có lẽ sẽ tốt hơn. Al Ula không nên trở thành một công viên giải trí Disneyland", Amr AlMadani, kỹ sư lãnh đạo ủy ban tư vấn dự án, cảnh báo.

Một bài toán khác đang khiến chính phủ Saudi đau đầu là việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 của công dân Saudi được kỳ vọng không quá 9%, đặt chính phủ của thái tư Mohammed trước áp lực tạo ra thêm 1,2 triệu việc làm mới. Để tạo ra thêm công ăn việc làm, Saudi Arabia thông qua những biện pháp hạn chế thuê mướn lao động nước ngoài.

Từ tháng 1/2018, các doanh nghiệp phải chịu mức phí hơn 100 USD/tháng/lao động nước ngoài. Nếu doanh nghiệp tuyển dụng lao động người Saudi nhiều hơn, họ thậm chí được giảm giá tuyển dụng những lao động là người ngoại quốc. Mức phí này sẽ được tăng gấp đôi vào năm 2020. Trong khi đó, người nhập cư nếu mang theo gia đình đến Saudi Arabia sẽ phải đóng thêm phí cho mỗi thành viên phụ thuộc.

Kế hoạch này trên bề mặt có vẻ đã thành công. Từ năm 2017 đến nay, hơn 1 triệu lao động nước ngoài đã rời khỏi vương quốc. Tuy nhiên, lao động người Saudi lại không lấp đầy những việc làm bị bỏ lại.

Người ngoại quốc chủ yếu tập trung vào ngành xây dựng, chiếm đến 45% lao động và gần 60% người nhập cư. Ngành kinh tế này lại không hấp dẫn đối với công dân Saudi, vốn có mức lương cơ bản cao gấp đôi thu nhập trung bình của nhân công ngoại quốc. Kể từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, số lượng công dân Saudi có việc làm chỉ tăng chưa đến 100.000 người, trong khi tỉ lệ thất nghiệp lại đạt mức 12,9%.

Người trẻ Saudi, dù một bộ phận không nhỏ còn chật vật với tình trạng thất nghiệp, vẫn dành sự ủng hộ rất lớn cho thái tử Mohammed. Dân số Saudi Arabia cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, với phần đông là người trẻ.

Người kế vị ngai vàng Saudi đang phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhóm dân số này nhiều hơn các tiền bối của mình. Những chính sách táo bạo và có phần liều lĩnh của nhà lãnh đạo trẻ tuổi lại nhận được sự hưởng ứng lớn đối với người trẻ.

Được lòng người dân trong nước, nhưng cách hành xử táo bạo của người kế vị ngai vàng Saudi đang làm giới đầu tư nước ngoài ngày một quan ngại. Không có dòng tiền đầu tư nước ngoài, nhà lãnh đạo trẻ tuổi về lâu dài sẽ khó giữ được thái độ lạc quan của thần dân, theo Economist.

Hình ảnh của thái tử Mohammed đối với dư luận quốc tế ngày càng xấu đi trong năm 2018, với đỉnh điểm là vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ vị thế một nhà cải cách với tiềm năng thổi bùng "mùa xuân Saudi Arabia", thái tử 33 tuổi trở thành mục tiêu công kích dữ dội của thượng viện Mỹ trong hai nghị quyết lịch sử vào cuối tháng 12 vừa qua về các vấn đề nhân quyền.

Lần đầu tiên cơ quan lập pháp Mỹ sử dụng "quyền chiến tranh" yêu cầu chính phủ Tổng thống Donald Trump chấm dứt hỗ trợ chiến dịch quân sự của Saudi Arabia tại Yemen.

Nghị quyết lên án vụ sát hại Khashoggi, buộc thái tử Mohammed chịu trách nhiệm cho cái chết của nhà báo đối lập, nhận được sự đồng thuận tuyệt đối tại thượng viện Mỹ. "Sức nóng từ truyền thông và quốc hội Mỹ trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng", Bruce Riedel, giám đốc dự án nghiên cứu tình báo tại Viện Brookings (Mỹ), viết trên trang bình luận Al Monitor.

Người kế vị ngai vàng Saudi đã trở thành một nhân vật gây tranh cãi trên trường quốc tế. Ông ghi điểm ngoại giao vào đầu năm 2018 với dự án "Saudi Vision 2030", tạo bầu không khích cởi mở vào giữa năm khi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái ôtô, để rồi trở nên tai tiếng khi dính đến cái chết của nhà báo Khashoggi, cương quyết không chấm dứt can thiệp quân sự tại Yemen dù cuộc nội chiến đã đẩy 16 triệu người đến bờ vực chết đói.

Saudi Arabia và 3 ngày chấn động Trung Đông Saudi Arabia đang trong những ngày chao đảo bởi tên lửa tấn công thủ đô, một hoàng tử tử nạn, nhiều hoàng tử cùng các nhân vật quyền lực bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng.

Nếu thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Yemen không được thông qua vào tháng 1 này, quốc hội Mỹ dự kiến sẽ tung thêm nhiều lệnh trừng phạt nhắm vào Saudi Arabia và cá nhân thái tử Mohammed.

Trong khi đó, Canada đang cân nhắc hủy hợp đồng bán vũ khí trị giá gần 15 tỷ USD cho lực lượng Vệ binh Quốc gia Saudi Arabia. Đây có thể là hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của vương quốc bị xé bỏ.

Những động thái từ Washington và Ottawa chỉ mới dừng lại ở mức độ biểu trưng thái độ. Tuy nhiên, những động thái mang tính biểu trưng vẫn có sức nặng rất lớn. Số phận của vị thái tử vẫn hoàn toàn nằm trong bàn tay của vua Salman. Trong vòng bốn năm qua, nhà vua đã phế truất đến hai thái tử.

Trước sức ép quốc tế, trong tuần cuối cùng của năm 2018, chính phủ Saudi Arabia đã công bố một loạt chỉ thị hoàng gia và bổ nhiệm nhiều lãnh đạo mới cho các bộ, ngành.

Để trấn an giới đầu tư, Hội đồng Các vấn đề Chính trị và An ninh được thành lập. Cơ quan này sẽ đóng vai trò tư vấn cho thái tử Mohammed, trình bày các quan điểm đa dạng về an ninh quốc gia và hạn chế rủi ro nhà lãnh đạo trẻ tuổi hành động bộc phát.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những thay đổi sẽ trở nên vô nghĩa nếu những chính sách của Riyadh vẫn không giải quyết được các quan ngại quốc tế về nhân quyền cũng như đảm bảo sự ổn định của khu vực.

"Liệu quy trình hoạch định chính sách mới này sẽ giảm thiểu được tình trạng lạm dụng quyền lực, vốn là nguyên nhân dẫn đến vụ tra tấn người chống đối ở khách sạn Ritz Carlton, vụ bắt cóc và buộc từ chức thủ tướng Lebanon, vụ sát hại Jamal Khashoggi, và bầu không khí đe dọa trong xã hội Saudi, hay không", Tamara Wittes, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, bày tỏ sự hoài nghi.

"Tên tuổi của thái tử đã trở nên ‘độc hại’. Việc khôi phục tên tuổi cho ông ấy sẽ không hề dễ dàng", Riedel cảnh báo.

Hậu quả nghiêm trọng nhất đối với Riyadh sẽ là mối quan hệ với Washington. Chiếc ô an ninh của Mỹ mang ý nghĩa sống còn với vương quốc của vua Salman. Nó là tấm khiên bảo vệ Saudi Arabia trong suốt 75 năm qua, trước những mối đe dọa từ Ai Cập, Iraq, Liên Xô và những thế lực chống đối.

"Người Saudi cần Washington hơn Washington cần Saudi Arabia và dầu mỏ", Riedel nhận định.

Thanh Danh
Đồ họa: Phương Nguyễn; Ảnh: AFP, Reuters, Bloomberg

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-thai-tu-tham-vong-va-that-bai-cua-cuoc-cai-cach-o-saudi-post906468.html