Vị Tết trong bánh tày nồng ệp Hải Hà

Tết đến xuân về, tôi lại nhớ hương vị bánh tày nồng ệp, một món ăn đặc sắc không thể thiếu của người dân Hải Hà (Quảng Ninh).

Bánh tày nồng ệp thơm vị gạo nếp, đường phèn, được tô điểm bằng vừng trên bề mặt

Quả thật, ban đầu tôi cũng chưa biết rõ về thứ bánh đặc biệt này. Tày nồng ệp nghe rất lạ, tôi chỉ biết đó là món ăn ngon, lạ của người Sán Dìu ở địa phương cho tới khi được thưởng thức. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên thưởng thức bánh tày nồng ệp. Đó là khi còn nhỏ, mỗi lần đến nhà bà con người dân tộc Sán Dìu chơi Tết, tôi lại thấy nhà họ có một món bánh vô cùng lạ lẫm. Bánh có màu nâu nhạt, hình tròn được cắt đều thành những miếng nhỏ hình chữ nhật.

Cắn miếng bánh dẻo dẻo dậy lên mùi bột nếp thơm lừng, mùi gừng và vị ngọt mát thanh dịu theo đầu lưỡi xuống cổ họng ngon đến lạ thường. Họ còn mang bánh đi rán, bánh được rán nóng lên trên bếp than hồng dẻo quẹo, thơm nồng, ăn vào cảm giác ấm áp, vui vẻ cùng sự háo hức khi ăn món bánh ấy khó có thể tìm lại được dù sau này tôi có ăn nhiều bánh tày nồng ệp hơn thế.

Bánh tày nồng ệp hình tròn theo tín ngưỡng thờ cúng trời đất của bà con Sán Dìu. Đây là món ăn truyền thống trong gia đình người Sán Dìu mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi. Người Sán Dìu quan niệm rằng Tết mà không có bánh tày nồng ệp là Tết không to. Do đó, họ làm rất nhiều bánh trong dịp này.

Ngày nay, khi mà sức hấp dẫn của bánh tày nồng ệp ngày một lan tỏa và khiến món bánh này trở nên phổ biến hơn, thì cách làm bánh cũng được phổ biến cho các mẹ, các cô không chỉ là người Sán Dìu. Nhờ thế mà khi đến Hải Hà, bạn có thể thưởng thức món bánh ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Bánh tày nồng ệp được làm từ những nguyên liệu đơn giản và rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày là gạo nếp, đường phên, lạc, vừng, gừng. Cô Trần Thị Lan, người làm bánh tày nồng ệp lâu năm ở Hải Hà cho biết: Để làm bánh ngon phải làm hoàn toàn bằng gạo nếp đem xay mịn thành bột, cứ 1kg bột thì dùng nửa kg đường, cạo mỏng, đem đun chảy đường với 1 ít nước gừng giã dập rồi nhào bột với hỗn hợp nước đường gừng. Sau đó nhào bột tới khi thấy bột dẻo quánh không dính tay thì cho bột vào khuôn đã lót sẵn và rắc một chút vừng lên trên, sau đó lót lá chuối dàn đều mỏng tầm 5 phân, đổ bột vào từng khuôn, phủ thêm một lớp lá chuối nữa rồi đưa khuôn vào nồi hấp cách thủy. Thời gian hấp bánh từ 6-8 tiếng, còn với bánh to thì là 12 tiếng. Kinh nghiệm kiểm tra bánh chín là lấy đũa xiên qua thấy bột bánh không dính đũa là đã chín.

Bánh vừa nhấc ra khỏi nồi, khói, hơi nước bay nghi ngút. Trong hơi nóng bỏng tay, thấy thoang thoảng mùi đường phên và gừng, bánh có màu vàng nâu hoặc nhạt hơn vì màu bánh được quy định bởi lượng đường và nước đường, mặt bánh dính lạc, vừng trông đẹp mắt.

Cô Lan cũng cho biết thêm, công đoạn khó nhất khi làm bánh tày nồng ệp là nhào bột. Khi nhào bột phải thật khỏe tay, phải cân đong lượng đường và lượng nước cho phù hợp thì bánh mới ngon dẻo, không bị vón cục.

Những ngày đông với tiết trời se lạnh và mưa phùn, ngồi nhâm nhi miếng bánh tày nồng ệp cùng với nước chè xanh thì không còn gì thú vị hơn. Để đổi vị cũng có thể chiên bánh lên sẽ thấy sự cộng hưởng từ cái giòn giòn của vỏ bánh, cái dẻo quánh của lớp bánh bên trong, hòa cùng vị cay cay của gừng, ngọt thanh dịu của đường phên và chút bùi béo của lạc, vừng

Ngày nay bánh tày nồng ệp được bày bán nhiều tại các chợ trung tâm, các điểm du lịch và cả những gian hàng OCOP, bất cứ ai đến với Quảng Ninh cũng tò mò, lạ lẫm với cái tên bánh vô cùng khó hiểu này và mua về làm quà cho gia đình, người thân của mình.

(Baoquangninh.com.vn)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-tet-trong-banh-tay-nong-ep-hai-ha.aspx