Vì sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng cho công nhân

Thời gian eo hẹp, thu nhập hạn chế, nhận thức về chế độ dinh dưỡng, kiến thức về sức khỏe sinh sản của người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) còn chưa cao... sẽ tiếp diễn nếu người lao động không được truyền thông kiến thức phòng tránh hay cải thiện dinh dưỡng.

Đây là điều Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang triển khai dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt" nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản cho công nhân tại các KCN ở Hà Nội.

Chăm sóc sức khỏe của công nhân còn hạn chế

Nhìn chung, người lao động, kể cả nam và nữ tại các KCN đang phải chịu áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần. Theo kết quả từ 02 buổi thăm khám sức khỏe sinh sản lưu động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Giai đoạn 2 dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt", trong số gần 700 người đến khám có tới 70% nữ công nhân mắc các bệnh về viêm nhiễm phụ khoa, 18 trường hợp dương tính với test kiểm tra nhanh ung thư cổ tử cung và được đề nghị xét nghiệm chuyên biệt để loại trừ.

Chị Lan Anh, công nhân tại KCN Thăng Long đã có 2 con cho biết, hai vợ chồng chị không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai hiện đại nào.Những con số này cho thấy điều kiện sống và môi trường làm việc của lao động nữ tại các KCN cần được quan tâm hơn nữa.

Môi trường sống chật chội, thiếu tiện nghi và vệ sinh của các nữ công nhân lao động.

Trong khi đó, nam công nhân cũng luôn phải làm việc với cường độ lớn, thời gian làm việc theo ca kíp và thường xuyên đổi lịch ca, lịch ngày nghỉ và mức lương còn hạn chế khiến họ thiếu đi thời gian và tài chính để chủ động chăm sóc sức khỏe cho vợ và các con mình.

Các cuộc điều tra chỉ ra rằng nhận thức về chế độ dinh dưỡng, kiến thức về sức khỏe sinh sản của người lao động tại các KCN còn chưa cao. Nhiều cặp vợ chồng công nhân không thực hành các biện pháp tránh thai an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn. Con em của công nhân viên lao động còn bị thấp còi hoặc có thể trạng yếu do chưa được nuôi dưỡng theo chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Sở dĩ những thực trạng như vậy còn tồn tại bởi người lao động tại các KCN chưa được quan tâm nhiều để truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm lo tinh thần và dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho con em họ. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và nhận thức xã hội của công nhân lao động cũng như đến sức khỏe và sự phát triển của con em họ.

Hành động vì một nền tảng tốt hơn

Nhận thấy thực trạng trên cần được xử lý, từ cuối năm 2017 đến nay, dự án “Vì mẹ và bé - Vì tầm vóc Việt" được triển khai với mục đích cải thiện ba vấn đề về dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản.

Cung cấp kiến thức là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hành động của dự án. Trong 6 tháng cuối năm 2017, 40 cán bộ nòng cốt cùng 2.000 lượt người lao động của hai KCN Quang Minh và Thăng Long (TP. Hà Nội) đã được truyền thông về cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai; dinh dưỡng cho trẻ em trong lứa tuổi vàng; chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Một buổi truyền thông dành cho các công nhân viên lao động.

Đây là tiền để để dự án tiếp tục mở rộng hoạt động và địa bàn triển khai trong giai đoạn 2 (năm 2018). Ngoài hai KCN Thăng Long và Quanh Minh, dự án còn triển khai ở KCN Nội Bài (TP. Hà Nội), Quế Võ và Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Dự án giai đoạn 2 cũng đã tổ chức khóa tập huấn về kỹ năng cung cấp thông tin và các kiến thức liên quan cho 80 cán bộ công đoàn và cán bộ y tế để giúp họ trở thành những tuyên truyền viên/tư vấn viên cơ sở. Bên cạnh đó dự án đã triển khai 20 buổi truyền thông về kiến thức cho 3.400 lượt người lao động, và tổ chức khám và tư vấn SKSS lưu động miễn phí, giúp gần 700 nữ lao động theo dõi được tình trạng bệnh phụ khoa của mình và sớm có hướng điều trị.

Cuối cùng, Hội thi tìm hiểu kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tinh thần cho người lao động trong độ tuổi sinh sản. Đây là cơ hội để người lao động chia sẻ và lan tỏa những hiểu biết và thực hành liên quan đến các chủ đề đã được truyền thông.

Khép lại giai đoạn 2, nhiều thay đổi tích cực sau những hoạt động của dự án được thể hiện rõ rệt. Kết quả đánh giá nhanh trước và sau truyền thông cho thấy tỷ lệ hiểu đúng các kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc SKSS và sức khỏe tinh thần (trầm cảm thai sản), đã tăng từ 41% lên 85% - gấp 2,1 lần.

Những biến chuyển tích cực này có được là nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội. Dự án đã kêu gọi được sự đồng hành tài trợ từ Tập đoàn TH và tổ chức DKT International Inc và sự hợp tác từ tổ chức Marie Stopes.

Người lao động được phát tờ rơi và các biện pháp tránh thai.

Chia sẻ về quyết định tài trợ cho dự án, ông Michael Evans - Trưởng Đại diện Tổ chức DKT International Inc, tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy lợi ích của việc mang lại kiến thức về sức khỏe sinh sản cho công nhân và người Việt đặc biệt là chị em phụ nữ trong vấn đề sức khỏe sinh sản mà phù hợp với mục đích và nhiệm vụ của chúng tôi ở Việt Nam. Những buổi tập huấn chính là nơi mà chúng tôi cung cấp cho họ những kiến thức sâu rộng hơn và hiểu biết rõ về các biện pháp tránh thai để lựa chọn được biện pháp phù hợp với mỗi người”.

Các đơn vị triển khai và đơn vị đồng hành, với thế mạnh của mình về dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục đã thành công trong việc tiếp cận và cung cấp kiến thức cần thiết, góp phần xây dựng một nền tảng phát triển tốt hơn cho thế hệ con em của người lao động tại một số KCN. Hy vọng, những tác động tích cực từ dự án sẽ được nhân rộng trên nhiều địa bàn và tiếp cận đến nhiều đối tượng trong những giai đoạn sau.

VA

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vi-suc-khoe-sinh-san-va-dinh-duong-cho-cong-nhan-83037.html