Vì sức khỏe người dân

Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 1-7 hằng năm là ngày BHYT Việt Nam với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về BHYT.

Mười năm qua, ngày BHYT Việt Nam đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng, lan tỏa ý nghĩa, tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT trong cộng đồng xã hội… Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6-2019, cả nước đã có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 89% dân số cả nước tham gia, nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 90%. Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ đạt 90% dân số tham gia BHYT. Trong số này nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng: khoảng 13,4 triệu người; nhóm do tổ chức BHXH đóng: khoảng 3,1 triệu người; nhóm do ngân sách nhà nước đóng: khoảng 34,2 triệu người; nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng: 17,1 triệu người; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: khoảng 16,7 triệu người. Năm 2019 tổng số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 2.429 cơ sở, tăng 113 cơ sở so với năm 2018.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc 5 tháng đầu năm 2019 cho thấy cả nước có 72,28 triệu lượt KCB BHYT (tăng 4% so cùng kỳ năm 2018), trong đó số lượt KCB ngoại trú là 65,72 triệu lượt (tăng 3,8%) và số lượt điều trị nội trú là 6,56 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2018. Số chi KCB BHYT toàn quốc thời gian qua là hơn 40.400 tỉ đồng (tăng gần 5%).

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, việc luật hóa các quy định về BHYT và kịp thời sửa đổi những quy định về BHYT đã góp phần giải quyết và hạn chế những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện BHYT. Việc điều chỉnh viện phí tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy người dân tham gia BHYT, giúp họ tránh được "bẫy nghèo" do đau ốm. "Thực tế cho thấy đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT khi không may mắc bệnh nặng đã hết sức khó khăn trong quá trình điều trị... qua đó mới thấm thía giá trị của việc tham gia BHYT.

Thực tế đó đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân hiểu sâu, hiểu đúng về chính sách BHYT nhân văn, để từ đó có ý thức, trách nhiệm tham gia, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và góp phần chia sẻ với cộng đồng" - ông Sơn nhận định.

Hải Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/nhip-song/vi-suc-khoe-nguoi-dan-20190626184724539.htm