Vì 'sức khỏe' nền kinh tế toàn cầu

Hôm nay 8-6, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại Fukuoka, Nhật Bản. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa một số nền kinh tế trở nên căng thẳng, hội nghị tập trung bàn thảo những biện pháp đối phó các thách thức mới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo, kêu gọi các nước ngăn chặn 'những vết thương lây nhiễm' đang cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Bình luận quốc tế

Với tư cách nước chủ tọa Hội nghị G20 lần này, Nhật Bản dự kiến nêu vấn đề mất cân đối cán cân vãng lai của kinh tế thế giới, vốn đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các mâu thuẫn thương mại. Nhật Bản thúc giục các nước giải quyết vấn đề thông qua khuôn khổ đa quốc gia thay vì áp thuế quan trả đũa lẫn nhau. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản T.Aso cho rằng, Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong một môi trường tương đối khác hội nghị đầu tiên vào năm 1999. Sứ mệnh chính của G20 trong tình hình hiện nay là củng cố các yếu tố kinh tế cơ bản cho sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của nền kinh tế toàn cầu. Ba chủ đề chính gồm: Các rủi ro và thách thức đối với kinh tế toàn cầu; Các hành động cụ thể để tăng cường tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn; Các phản ứng chính sách đối với những thay đổi về kinh tế và xã hội xuất phát từ sự đổi mới công nghệ và toàn cầu hóa, là trọng tâm của chương trình nghị sự.

Một trong những thách thức lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt hiện nay là tác động tiêu cực của các cuộc tranh chấp thương mại. Ngay trước thềm Hội nghị G20, IMF đã đưa ra báo cáo cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang ở một “thời điểm nhạy cảm”, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải duy trì những biện pháp kích thích và các chính phủ cần nhanh chóng giải quyết những bất đồng thương mại. Tổng Giám đốc IMF C.Lagarde cho rằng, ưu tiên trước mắt là giải quyết tình hình căng thẳng thương mại hiện nay. Những biện pháp đáp trả thuế quan lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như kinh tế toàn cầu nói chung. Người đứng đầu IMF kêu gọi các chính phủ giúp giảm tình trạng căng thẳng thương mại và loại bỏ những chướng ngại vật khác trên đường trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững hơn. Theo đó, các nước cần xóa bỏ những rào cản thương mại được áp đặt gần đây và tránh đưa ra thêm rào cản dưới bất kỳ hình thức nào.

Những quan ngại về khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu có nguyên nhân từ các bất đồng thương mại và vấn đề Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Ngoài những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, hiện còn xuất hiện khả năng về một cuộc chiến thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa từ Mexico. Theo IMF, đòn trừng phạt áp thuế hiện tại và đe dọa tiếp tục trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 giảm 0,5%. GDP toàn cầu được dự báo có thể giảm 455 tỷ USD, lớn hơn cả GDP của Nam Phi, một thành viên của G20. Bởi thế, ưu tiên hàng đầu của Hội nghị G20 là giải quyết các căng thẳng thương mại hiện nay. Nền kinh tế toàn cầu được cho là đang trong “khúc quanh nhạy cảm”, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải duy trì các chính sách kích thích kinh tế và các chính phủ phải nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại.

Định chế tài chính lớn nhất thế giới khẳng định, dù chưa thấy nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể xảy ra, song những tranh cãi thương mại kéo theo đe dọa áp thuế lẫn nhau đang gây tổn hại niềm tin của giới doanh nghiệp và thị trường, thậm chí có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng vốn được dự báo có thể được cải thiện trong năm 2020. Nền kinh tế Mỹ được cho là vẫn “khỏe mạnh” và trong năm 2019 có thể vẫn sẽ tăng trưởng nhanh hơn so dự báo đưa ra trước đó, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cuộc chiến thương mại. Trong báo cáo đánh giá về nền kinh tế Mỹ hằng năm, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 2,6%, tăng 0,3% so dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Nền kinh tế Mỹ trong tháng 7 tới cũng được dự báo sẽ đánh dấu giai đoạn tăng trưởng dài hơi nhất trong lịch sử “xứ cờ hoa”. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại đặt ra mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây tác động dây chuyền lên nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,6%, trong bối cảnh thế giới đối mặt tranh chấp thương mại căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, đầu tư và tín nhiệm toàn cầu sụt giảm.

Tăng trưởng kinh tế mạnh là yếu tố thiết yếu để giảm đói nghèo và cải thiện mức sống của người dân. Do đó, các chính phủ được khuyến cáo khẩn trương tiến hành những chương trình cải cách cơ cấu quan trọng giúp cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời ưu tiên minh bạch hóa và kiểm soát nợ chính phủ. Bên cạnh nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại giữa các nước, các nhà hoạch định chính sách cũng cần duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời sẵn sàng hành động trong trường hợp xuất hiện những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

ĐAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40468502-vi-%E2%80%9Csuc-khoe%E2%80%9D-nen-kinh-te-toan-cau.html