Vì sự công minh pháp luật

Có những vụ án nhỏ, tưởng chừng có thể bỏ qua nhưng vì sự công minh pháp luật và vì sinh mạng pháp lý của người dân, những đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục đề nghị phải xem xét lại vụ án trên tinh thần tuân thủ pháp luật.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Văn Sáu (TP. Hồ Chí Minh) có một bản kiến nghị dài 10 trang gửi tới Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ buộc tội trộm cắp tài sản với 5 người cưa cây gỗ trắc khô tại rừng đặc dụng Đắk Uy (Kon Tum). Ông đã chỉ ra việc áp dụng tội danh không đúng đối với những người này, đặc biệt, Tòa án khi xét xử đã không áp dụng những quy định hướng dẫn tại lĩnh vực này trong một văn bản do Chánh án TAND Tối cao lúc đó ký, vẫn còn hiệu lực đến bây giờ.

Theo đó, những người cưa gỗ này không hề phạm tội trộm cắp và hành vi của họ quy chiếu vào các điều khoản quy định pháp luật thì chỉ phạt hành chính. Vụ án nhỏ này phát hiện vào năm 2016, xử 1 lần sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm, từng tuyên vô tội nhưng khi có chỉ đạo từ một Phó Chánh án TAND Tối cao đã xét xử theo “hướng có tội”. Vụ án này rất được dư luận quan tâm, không chỉ là những vấn đề pháp lý đặt ra mà còn là thân phận pháp lý của những bị cáo trong bối cảnh họ chỉ cưa một cây trắc đã chết khô, được phép của Kiểm lâm…

Cũng là vụ án gỗ trắc nhưng lớn hơn nhiều, đó là vụ “buôn lậu gỗ trắc” xảy ra tại Quảng Trị từ năm 2011, dằng dai mãi đến thời gian gần đây mới xét xử “xong” với bản án 7 năm tù dành cho chủ doanh nghiệp.

Vụ án lại tiếp tục nóng lên khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh vi phạm quy định quản lý tang vật bởi số gỗ “lậu” này đã bị “bán như cho” từ lâu. Mới đây, một động thái lạ lẫm từ Đội chống buôn lậu của Hải quan Quảng Trị khi lập biên bản về vụ thu giữ gỗ này mà lẽ ra cái biên bản này phải được lập từ 9 năm trước lại làm sự việc nóng lên cùng với sự quan tâm của dư luận.

Tại kỳ họp Quốc hội này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình lại lên tiếng kiến nghị xem xét lại bản án, trước đó là Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị và một số đại biểu Quốc hội, luật sư đã có những văn bản chính thức đề nghị các cơ quan tư pháp tối cao, có thẩm quyền xem xét để có quyết định giám đốc thẩm vụ “kỳ án gỗ trắc” này.

Trước đây, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã đăng đàn trả lời việc xét xử vụ án này tại diễn đàn Quốc hội và khẳng định quá trình xét xử diễn ra và áp dụng đúng pháp luật. Tinh thần “thượng tôn pháp luật” thể hiện ở đó!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/vi-su-cong-minh-phap-luat-477026.html