Vì sự bình yên nơi biên giới

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giúp nhân dân các xã vùng biên chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu còn tham gia xây dựng nông thôn mới và đấu tranh với các loại tội phạm. Qua đó, góp phần giữ gìn sự bình yên nơi biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng phối hợp cùng dân quân 2 xã Tá Bạ và Ka Lăng, huyện Mường Tè tuần tra biên giới trên thượng nguồn sông Đà. Ảnh: Đức Duẩn

BĐBP Lai Châu được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 265,095km đường biên; với 23 xã biên giới thuộc 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, bà con sinh sống ở khu vực biên giới hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế chậm phát triển, một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn đè nặng lên vai người dân; tình hình hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, đồn Biên phòng tăng cường cử cán bộ xuống địa bàn vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân. Chú trọng làm tốt công tác vận động quần chúng trong phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua (từ cuối 2012 đến nay), cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, công an các xã biên giới tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc được 2.860 lượt với trên 25.000 người tham gia. Qua công tác tuần tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc nảy sinh trên biên giới, đảm bảo các Quy chế, Hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu được thực hiện nghiêm, đường biên, mốc giới đảm bảo nguyên trạng, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Nhận thức của cán bộ, nhân dân với công tác bảo vệ đường biên, mốc giới được nâng cao. Đã có 63 tập thể tham gia tự quản 102,050km đường biên, 66 mốc giới và 460 cá nhân tham gia tự quản 70,300km đường biên, 55 mốc giới.

Trong phát triển kinh tế, những người lính mang quân hàm xanh chủ động xây dựng các mô hình kinh tế như: Mô hình hợp tác xã Đoàn Kết chăn nuôi gia súc tập trung tại bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho; nuôi dê sinh sản ở các xã: Vàng Ma Chải, Mồ Sì San; nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Pa Vây Sử; nuôi lợn nái sinh sản, trồng chuối thương phẩm tại xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ)... để nhân dân làm theo. Đồng thời, trực tiếp “Cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn nhân dân làm kinh tế, ủng hộ ngày công giúp bà con thu hoạch mùa màng, vận chuyển nông sản. Các đơn vị BĐBP còn là cầu nối thực hiện hiệu quả Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” cấp trên 1.100 con bò đến tận tay người nghèo. Điều này góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đẩy lùi đói nghèo ở địa phương, mối quan hệ gắn bó giữa quân với dân ngày càng bền chặt.

Bên cạnh đó, thực hiện Hướng dẫn số 54/HD-CCT ngày 18-2-2012 của Cục Chính trị BĐBP về việc tổ chức phát động phong trào thi đua “BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng trong tỉnh phối hợp vận động nhân dân góp công, góp của, hiến đất làm hàng trăm km đường giao thông nông thôn, 87,5km đường bê tông thôn bản, khai hoang phục hóa 73ha đất, làm 47,5km kênh mương thủy lợi. Quân y Biên phòng phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám chữa bệnh cho 4.899 người dân, cấp thuốc miễn phí trị giá 143,4 triệu đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông dẫn giải 2 đối tượng Lâu và Xay trong vụ án mua bán người qua biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Trên mặt trận phòng chống tội phạm, những người lính Biên phòng cũng là lực lượng đi đầu khi phối hợp điều tra, xác minh, đấu tranh xử lý 974 vụ với 1.239 đối tượng. Trong đó, chủ yếu là các vụ về ma túy, mua bán người, trộm cắp tài sản... Thượng tá Lê Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh cho biết: “Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, BĐBP Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 131 vụ với 216 đối tượng có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng tiến hành khởi tố 33 vụ, 40 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 9 vụ, 11 đối tượng, thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 27 triệu đồng; giáo dục, nhắc nhở 23 vụ với 96 đối tượng; bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý 66 vụ, 69 đối tượng”.

Điển hình, Đồn Biên phòng Pa Tần (đứng chân trên địa bàn huyện Sìn Hồ) đã bàn giao cho Kiểm lâm Sìn Hồ xử lý 3 vụ, 4 đối tượng vận chuyển trái phép 40,5kg thịt và xương gấu, 35kg thịt hoẵng, 1 con lợn rừng trọng lượng 20kg. Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải (đứng chân trên địa bàn huyện Phong Thổ) bàn giao cho Kiểm lâm huyện xử lý 1 vụ, 1 đối tượng khai thác trái phép 1,051m2 gỗ dổi. Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng và Đồn Biên phòng Huổi Luông (đứng chân trên địa bàn huyện Phong Thổ) xử phạt hành chính 6 vụ, 6 đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiêu hủy 2.000 con gà giống, 1,7kg pháo các loại, 80 chai hóa chất tẩy rửa, nộp ngân sách Nhà nước 22 triệu đồng.

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới và bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đức Duẩn - Thanh Hoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vi-su-binh-yen-noi-bien-gioi/