Vì sự an toàn cho các vận động viên thể thao

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu thể thao trên thế giới, châu Á và nhất là tại Việt Nam bị hoãn, hủy. Do không được thi đấu và không thể tập trung tập luyện thường xuyên, nhiều vận động viên khó bảo đảm thể lực và tâm lý tốt nhất khi trở lại với các giải đấu, nhưng vào lúc này, sự an toàn của họ cần được đặt lên trên hết.

Cầu thủ Văn Quyết (đội bóng Hà Nội FC) tập luyện duy trì thể lực tại gia đình trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: HUYỀN MY

Cầu thủ Văn Quyết (đội bóng Hà Nội FC) tập luyện duy trì thể lực tại gia đình trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: HUYỀN MY

Nhiều giải đấu bị hoãn, hủy

Khi cuộc sống của hàng tỷ người bị đe dọa, với con số lây nhiễm và bị chết tăng từng ngày, thật khó để một giải đấu thể thao diễn ra. Ðó là lý do tất cả bỏ lại phía sau lợi nhuận, tính giải trí, những thỏa thuận ràng buộc để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù vậy thì nhìn vào lịch thi đấu của thể thao năm nay, người ta cũng không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc trước hàng loạt sự kiện bị hoãn hoặc bị hủy. Ðáng chú ý nhất là Ô-lim-pích Tô-ki-ô và Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) bị lùi sang năm 2021, trong khi tại Việt Nam, chúng ta không thể tổ chức giải đua xe Công thức 1 (F1) như dự kiến vào ngày 5-4 vừa qua. Khỏi cần nói, thì việc hoãn chặng đua Vietnamese Grand Prix ở Hà Nội không chỉ khiến ban tổ chức giải bị thiệt hại mà còn lấy đi của chúng ta cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới.

Trong khi đó, do Ô-lim-pích Tô-ki-ô được lùi lại một năm, mọi kế hoạch thi đấu để giành vé tham dự và chuẩn bị của thể thao Việt Nam bị đảo lộn. Riêng ở môn bóng đá, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vừa thông báo hoãn các trận đấu vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào tháng 6 tới. Ðiều này có nghĩa, hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp In-đô-nê-xi-a và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) trong khoảng thời gian này cũng sẽ không thể diễn ra như dự kiến. Vấn đề đáng nói hơn là việc Giải vô địch quốc gia V-League 1 nếu bị hoãn quá lâu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của đội tuyển. Và vào thời điểm này, thời gian phục hồi chấn thương của một số trụ cột như Xuân Trường, Văn Ðức, Xuân Mạnh, Ðình Trọng, Huy Hùng, Duy Mạnh, Văn Hậu có lẽ không còn quan trọng bằng việc bao giờ bóng có thể lăn, khi phía trước đội tuyển là vòng loại World Cup 2022, giải AFF Cup 2020 và xa hơn là sự chuẩn bị cho SEA Games 31 năm 2021.

Tuy vậy, để V-League 1 và các giải đấu diễn ra trong an toàn, chúng ta phải làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Riêng ở lĩnh vực thể thao, ngay từ tháng 2 tức là vào giai đoạn đầu của chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã thông báo dừng toàn bộ các hoạt động thể thao trong nước, kể cả bóng đá dù mùa giải mới bắt đầu. Ðến tháng 3, Tổng cục Thể dục - Thể thao tiếp tục có công văn về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nêu rõ sẽ tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức các lớp tập huấn, các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia trong tháng 3…

Có thể nói, việc hoãn, thậm chí là hủy các sự kiện thể thao nằm trong nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ và chính những người làm thể thao, dù họ hiểu rõ áp lực về chuyên môn là rất lớn nếu việc tập luyện, thi đấu không diễn ra.

Vì mục tiêu xa hơn

Ở nhà là yêu nước nhưng thiết nghĩ, thay vì ngồi đó tự hỏi khi nào thì các giải đấu có thể diễn ra, chúng ta cần linh hoạt trong việc tập luyện và sinh hoạt ở giai đoạn phòng, chống dịch. Theo tiền vệ Hoàng Thịnh của câu lạc bộ
TP Hồ Chí Minh "Hiện nay các sân bóng và phòng tập gym đều đóng cửa, nên tôi chỉ biết sáng sớm dậy tập chạy thể dục" hay tiền vệ Nguyên Sa của Sài Gòn FC cho biết: "Chúng tôi tự tập luyện nhưng thú thật, nền tảng thể lực khó bảo đảm nếu như rèn giũa trong điều kiện hiện tại...".

Ở đây, giữ vững thể lực là một chuyện, tìm lại cảm giác bóng, rèn chiến thuật lại là một vấn đề khác. Thí dụ như tại Ðức, một trong những tâm dịch Covid-19 của châu Âu, mặc dù chưa biết giải vô địch quốc gia bao giờ khởi tranh tiếp, nhưng các đội bóng đã trở lại tập luyện bình thường từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dưới những điều kiện ngặt nghèo về y tế. Buổi tập chỉ diễn ra giữa các nhóm nhỏ và không quá bảy người mỗi nhóm. Các cầu thủ được yêu cầu giữ khoảng cách 1,5 đến 2 m và sẽ không có các pha tranh chấp bóng. Ðược biết, phần lớn các đội bóng của Ðức đều yêu cầu cầu thủ thay đồ và tắm tại nhà trước và sau buổi tập.

Hay ở Tây Ban Nha, họ đề ra một kế hoạch cụ thể trước khi giải vô địch khởi tranh trở lại. Theo đó thì trong 15 ngày chuẩn bị, các cầu thủ trước tiên, rồi từng nhóm nhỏ và sau đó là cả đội bóng tập luyện cùng nhau. Trước đó, tất cả cầu thủ và gia đình của họ sẽ được xét nghiệm hai lần để phát hiện có ai nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hay không.

Với các đội bóng của chúng ta, khoảng thời gian cách ly xã hội theo quy định vừa qua sẽ là cơ hội cho các cầu thủ nghỉ ngơi, tự tập luyện, trước lúc hội quân trở lại. Cần nói thêm là, mỗi đội bóng ở V-League chỉ cho cầu thủ nghỉ hai giai đoạn: sau mùa giải khoảng ba tuần và nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày. Vì thế, trong thời điểm V-League tạm hoãn chưa xác định thời gian trở lại, đây là dịp để cầu thủ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Còn với những cầu thủ đang bị chấn thương, họ sẽ có điều kiện phục hồi và tích lũy thể lực hay thực hiện các hoạt động xã hội cùng cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trên tất cả, nếu ai đó còn băn khoăn về việc bao giờ V-League 1, 2 mới trở lại hay những khó khăn của đội tuyển Việt Nam vào giai đoạn cuối năm vì lịch chồng lịch khi chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020, đừng quên rằng, đội tuyển Thái-lan và đội tuyển Ma-lai-xi-a sẵn sàng không tham dự AFF Cup 2020 để tập trung cho những giải đấu năm 2021. Và chẳng phải là Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020 và Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 cũng đã lùi lại một năm hay sao? Thế nên, điều quan trọng với thể thao Việt Nam lúc này không chỉ là chấp nhận "hy sinh" các giải đấu, mà còn vì sự an toàn của cộng đồng cũng như sức khỏe, phong độ cho vận động viên sau này.

Dịch Covid-19 khiến lực lượng vận động viên lỡ nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng tôi vào thời điểm này là sự an toàn cho bản thân, đồng đội và cộng đồng.

Vận động viên cử tạ HOÀNG THỊ DUYÊN

Việc phải nghỉ như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuyên môn của chúng tôi. Hy vọng rằng, dịch Covid-19 sẽ được kiềm chế dần trong vòng vài tuần tới để cuộc sống trở lại bình thường và cầu thủ có thể trở lại tập luyện và thi đấu.

Hậu vệ QUỐC LONG (Sài Gòn FC)

Các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ vận động viên, huấn luyện viên, trước hết thực hiện cấm trại tại các Trung tâm cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Các đơn vị rà soát, phát hiện các trường hợp có tiếp xúc gần với người bị lây nhiễm hoặc người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, để chủ động báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời thực hiện các biện pháp cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị.

(Nguồn: Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

HIẾU MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/nhip-song-the-thao/item/44412502-vi-su-an-toan-cho-cac-van-dong-vien-the-thao.html