Vì sao xử kín cựu thượng tá công an giao cấu nữ sinh lớp 9?

Theo Luật sư Nguyễn Viết Giao (Đoàn Luật sư TP.HCM) việc tòa xử kín là đúng nhưng phải tuyên án công khai.

Sáng nay (19-4), TAND TP Thái Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" và "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Vụ án từng gây xôn xao dư luận khi tại thời điểm bị xâm nạn nhân mới 14 tuổi, bị xâm hại tập thể và trong số các bị cáo có Phạm Văn Lam, lúc ấy là thượng tá, Phó phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thái Bình.

Rất nhiều người đã có mặt tại đây. Tuy nhiên TAND TP Thái Bình thông báo chỉ những người có giấy báo, giấy triệu tập của HĐXX mới được vào khu vực xử án vì bị hại là người dưới 18 tuổi.

Cổng tòa được đóng chặt không cho người không liên quan tới vụ án tham dự. Ảnh: PLO

Cổng tòa được đóng chặt không cho người không liên quan tới vụ án tham dự. Ảnh: PLO

Theo Luật sư Nguyễn Viết Giao (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Tại Điều 327 BLTTHS 2015 quy định về tuyên án thì đối với trường hợp xét xử kín thì khi tuyên án chỉ đọc phần quyết định trong bản án.

Đến ngày 21-9-2018 Chánh án TAND Tối cao ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Tại điểm d khoản 1 Điều 7 về việc xét xử vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi có quy định: “Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của BLTTHS 2015”.

Trong vụ án trên, do người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục nên phải xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng được tòa triệu tập.

Theo LS Giao, các vụ án xâm hại về tình dục thường để lại những chấn thương, khủng hoảng cả về thể chất và tinh thần; có thể dẫn đến những ám ảnh, những chấn thương tâm lý mà cả đời nạn nhân cũng không quên được. Đặc biệt, nếu bị hại là người chưa thành niên còn ảnh hưởng đến sự phát triển của họ. Vì thế, quy định về việc xét xử kín sẽ đảm bảo đời tư, tránh gây áp lực tâm lý, hạn chế gây thêm những thương tổn đối với người dưới 18 tuổi.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vi-sao-xu-kin-cuu-thuong-ta-cong-an-giao-cau-nu-sinh-lop-9-828858.html