Vì sao xin điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra?

Đề xuất điều chỉnh quy hoạch một số ô đất trong Khu đô thị Ciputra đang gặp phải một số ý kiến trái chiều.

Ngày 12/4/2018, UBND TP Hà Nội tiếp nhận công văn xin điều chỉnh điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), TP. Hà Nội.

Trước phương án điều chỉnh quy hoạch này, gần 500 hộ dân thuộc Tổ dân phố Nam Thăng Long (phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan chức năng đề nghị không điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).

Mong muốn của người dân là được giữ nguyên và thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND TP.Hà Nội.

Khu đô thị Ciputra

Khu đô thị Ciputra

Sẽ điều chỉnh những gì?

Tháng 1/2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội có Văn bản số 428/QHKT-P2 gửi UBND TP. Hà Nội, về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) giai đoạn 2 tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm theo đề nghị của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long).

Theo đó, ô đất I.B.29-NO có diện tích 35.420m2, quy hoạch năm 2004 để xây dựng nhà cao tầng nay chuyển sang nhà thấp tầng. Ô đất TM-13 diện tích 54.977m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Ô đất P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng xây xanh kết hợp đồng bộ ô T-13.

Trong Văn bản số 428/QHKT-P2, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. Hà Nội, cho biết Công ty Nam Thăng Long đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng ô đất I.B.29-NO từ xây nhà cao tầng sang đất xây dựng nhà thấp tầng.

Để đảm bảo cân đối được các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, dân số phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, tăng tầng cao với yêu cầu giảm mật độ xây dựng…”, Công ty Nam Thăng Long đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng đất ô TM-13 từ đất thương mại hỗn hợp (công cộng đô thị - pv) sang đất hỗn hợp (thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng).

Theo đó, sẽ có 8 công trình cao tầng (1 tòa nhà TMDV, văn phòng, khách sạn cao 68 tầng; 1 tòa nhà TMDV, văn phòng cao 50 tầng; 2 tòa nhà thương mại và chung cư cao 45 tầng; 4 tòa nhà TMDV và khách sạn cao 45 tầng) và 3 tầng hầm để xe, trong đó tầng hầm 1 sử dụng một phần diện tích sàn làm chức năng thương mại, dịch vụ thay cho 5 công trình thương mại với chiều cao từ 5 - 47 tầng như quy hoạch cũ.

Cùng với đó là đề xuất điều chỉnh lại ranh giới ô P-14, cho hạ ngầm với quy mô 03 tầng hầm để xe. Trong đó, tầng hầm 1 bố trí một phần diện tích sàn với chức năng thương mại, dịch vụ; 8.000m2/tầng và dành diện tích đất trên mặt đất bố trí cây xanh kết hợp tổ chức không gian đồng bộ với ô TM-13.

Tại thông báo kết luận ngày 27/2/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng ý về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX, TM-13 và P-14 thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, tại ô đất ký hiệu TM-13 và TM-14, yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội “báo cáo, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện… ; trường hợp đủ điều kiện điều chỉnh phải đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Sơ đồ vị trí khu đất đề xuất điều chỉnh.

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp, mời đại diện các cư dân đến xin ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) giai đoạn 2. Tại buổi làm việc, nhiều cư dân không đồng ý với phương án đưa ra.

Cư dân của khu vực này phân tích, bất cứ sự điều chỉnh, thay đổi nào đều phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị, tính chất chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết, và cho rằng, đề xuất điều chỉnh quy hoạch này là không phù hợp, không có căn cứ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị (Điều 47 và 49 Luật Quy hoạch Đô thị).

Bên cạnh đó, việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất I.B.29-NO từ đất xây dựng nhà ở cao tầng sang thấp tầng và dồn khu cao tầng vào ô đất TM-13 bằng việc tăng số tòa nhà (từ 5 lên 8 tòa), tăng số lượng tầng nhằm thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng.

Một trong số những nội dung mà cư dân Ciputra kiến nghị về việc không đồng ý với đề xuất điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư.

Trong đơn gửi tới cơ quan báo chí, đại diện các cư dân đánh giá đối với quy hoạch cũ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu Ciputra đang tạm đủ phục vụ dân cư hiện nay, chưa đáp ứng được đầy đủ nếu người dân về cư trú đúng như quy hoạch. Nếu theo phương án điều chỉnh quy hoạch mới, dân số có thể tăng gấp đôi quy hoạch cũ, tạo gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật vốn có.

Theo lý giải của những người dân sống ở Ciputra, khi bỏ tiền ra mua nhà, đã bao gồm cả tiền dịch vụ và tiện ích của khu đô thị.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, tại Khu đô thị Ciputra có nhiều dự án thành phần đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Nếu toàn bộ các đề xuất được chấp thuận, dân số sau điều chỉnh sẽ là 24.940 người, so với quy hoạch tại Quyết định 114/2004/QĐ-UB là 17.621 người.

Đăng Khoa

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/vi-sao-xin-dieu-chinh-quy-hoach-khu-do-thi-ciputra-76986.html