Vì sao xe tăng T-64 không được Liên Xô xuất khẩu?

Ẩn chứa công nghệ tối mật, đắt đỏ là những lý do chính khiến xe tăng T-64 cực kỳ hiện đại của Liên Xô không bao giờ được xuất khẩu.

Trong lịch sử phát triển xe tăng chủ lực của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, có một thiết kế xe tăng đã không bao giờ được xuất khẩu dù chúng được đánh giá là tốt hơn hẳn thế hệ T-54/55/62 và thậm chí là cả T-72. Đó chính là xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 – mẫu xe tăng mang tính cách mạng trong thiết kế tăng Nga và thế giới. Những công nghệ áp dụng trên T-64 đến ngày nay đã phổ biến trên toàn thế giới, ngay cả trên thế hệ tăng mới nhất T-14 Armata cũng sử dụng công nghệ đó.

Trong lịch sử phát triển xe tăng chủ lực của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, có một thiết kế xe tăng đã không bao giờ được xuất khẩu dù chúng được đánh giá là tốt hơn hẳn thế hệ T-54/55/62 và thậm chí là cả T-72. Đó chính là xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 – mẫu xe tăng mang tính cách mạng trong thiết kế tăng Nga và thế giới. Những công nghệ áp dụng trên T-64 đến ngày nay đã phổ biến trên toàn thế giới, ngay cả trên thế hệ tăng mới nhất T-14 Armata cũng sử dụng công nghệ đó.

Tuy nhiên, khác với sự phổ biến của T-54/55/62/72, xe tăng T-72 không được Liên Xô bán ra nước ngoài hay là viện trợ cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù nó ra đời vào thời điểm thế giới chứng kiến nhiều cuộc xung đột, chiến tranh quy mô lớn. Điển hình là cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tại sao Liên Xô không cung cấp T-64 ra nước ngoài?

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về xe tăng chủ lực T-64 tối tân nhất Liên Xô giai đoạn 1960-1970. Chương trình phát triển T-64 được khởi động ngay từ giữa những năm 1950 với đề án Object 430 tạo ra mẫu tăng vượt trội T-54, đáp ứng cuộc chiến chống lại xe tăng phương Tây thời bấy giờ. Sau nhiều cải tiến, nghiên cứu, chế thử, đến năm 1966, xe tăng T-64 mới được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng bộ trưởng Liên Xô chấp nhận trang bị cho Hồng quân.

Xe tăng T-64 có trọng lượng nặng 38 tấn, dài 9,22m, rộng 3,41m và cao 2,17m. Xe tăng được trang bị hàng loạt công nghệ mới nhất thế giới chủ yếu tập trung vào hỏa lực và giáp bảo vệ.

Cụ thể, về hỏa lực khác với thế hệ T-54/55/62 trước đây, T-64 được trang bị pháo nòng trơn cỡ 125mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển qua nòng. Đặc biệt, khẩu pháo được tích hợp hệ thống nạp đạn tự động cho tốc độ bắn nhanh và nhất là rút bớt thành viên kíp lái xuống chỉ còn 3 thay vì 4 người như trước đây. Pháo 125mm và bộ nạp tự động, kíp lái 3 người là những “công nghệ” tồn tại tới ngày nay trên các dòng tăng Nga phát triển sau đó như T-72, T-80, T-90 và cả T-14 Armata.

Hệ thống nạp đạn tự động của T-64 bằng thủy lực cho tốc độ nạp rất cao 6-13 giây/lần, độ tin cậy cao, ít bị hỏng do dằn xóc. Hệ thống nạp còn có chế độ nạp chuỗi nhanh hơn, lên tới 5 giây/lần. Ở khía cạnh nào đó, hệ thống nạp tự động của T-64 được đánh giá cao hơn hẳn hệ thống nạp đạn trên T-72 và T-90 sau này.

T-64 cũng là xe tăng đầu tiên của Liên Xô và cả trên thế giới trang bị giáp composite (gồm một lớp chất dẻo được gia cố bằng sợi thủy tinh 20–45 mm kẹp giữa hai lớp thép) có thể chống chịu mọi loại đạn xuyên giáp mà không cần tăng cường độ dày như giáp thép truyền thống.

Hệ truyền động của T-64 cũng tồn tại khác biệt so với các thế hệ T-54/55, T-62 và T-72. Mỗi bên hông có 4 con lăn hồi chuyển, bánh răng phát động với 12 răng, 6 bánh xích nhỏ và bề mặt lồi ra ngoài giống như đáy một con dấu. Với động cơ diesel đa nhiên liệu 5DTF 750 công suất 700 mã lực cho tốc độ tới 45-60km/h, tầm hoạt động 500km hoặc 700kg với thùng nhiên liệu gắn ngoài. Nó cũng có khả năng lội nước sâu 5m với khí tài ống thông khí hỗ trợ.

Được trang bị những công nghệ tối tân bậc nhất thế giới, xe tăng T-64 đã trở thành niềm mơ ước với mọi quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước NATO thời điểm những năm 1960 cũng không có dòng tăng nào mạnh bằng T-64. Tuy nhiên, việc có những công nghệ tối tân này là một trong nguyên do chính “cản đường” T-64 lăn bánh ra thế giới bên ngoài. Liên Xô chắc khó có thể chấp nhận loại tăng hiện đại như T-64 có thể lọt vào tay thế giới phương Tây.

Ngoài ra, chi phí sản xuất cao kéo theo đơn giá một chiếc đắt khủng khiếp đã khiến cho xe tăng T-64 không chỉ không được xuất khẩu mà còn không được trang bị rộng rãi cho Hồng quân Liên Xô. Nó hầu như chỉ trang bị cho đơn vị bộ binh cơ giới tinh nhuệ chốt giữ khu vực trọng yếu của Liên Xô và khối Warszawa như Đông Đức và Hungary.

Sau khi Liên Xô tan ra, xe tăng T-64 được chia cho các nước cộng hòa - hai quốc gia chiếm nhiều nhất là Liên bang Nga (đến 4.000 chiếc) và Ukraine (2.345 chiếc). Năm 2014, Cộng hòa Dân chủ Conggo trở thành nước đầu tiên ngoài Liên Xô (cũ) sở hữu xe tăng T-64 sau hợp đồng ký với Ukraine.

Ở Ukraine, các xe tăng T-64 đóng vai trò chủ lực “xương sống” lực lượng tăng thiết giáp nước này. Chúng vẫn liên tục được hiện đại hóa với các gói nâng cấp BV1 và BM Bulat.

Trong ảnh là gói nâng cấp xe tăng T-64BM Bulat của Ukraine với giáp phản ứng nổ Knife, pháo chính 125mm KBA-3 tích hợp phóng tên lửa chống tăng KOMBAT với đầu nổ Tandem qua nòng. BM Bulat trang bị động cơ diesel 850 mã lực cho tốc độ tăng lên lên đến 70km/h.

Do không bao giờ được xuất khẩu nên T-64 cũng không có cơ hội tham chiến. Lần tham chiến gần như là duy nhất là tronng cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tại đó, T-64 đã trở thành nỗi thất vọng ghê gớm, rất nhiều tăng T-64 đã bị phá hủy, thậm chí còn bay mất tháp pháo sau khi trúng đạn. Đó thực sự là dấu hỏi lớn với một cỗ tăng được đánh giá có lớp giáp composite cách mạng.

Tuy nhiên, các nguồn tin sau đó đã đưa ra giải thích rằng, T-64 được sản xuất ở Ukraine đều bị khiếm khuyết kỹ thuật nghiêm trọng trong quá trình sản xuất khiến chúng hoàn toàn không có khả năng chống đỡ trước các đợt tấn công bằng đạn pháo hay tên lửa chống tăng từ đối phương. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn là các xe tăng T-64 sản xuất ở Ukraine có chất lượng rất kém, có thể không đúng với nguyên mẫu.

Chiến Xa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/vu-khi/vi-sao-xe-tang-t-64-khong-duoc-lien-xo-xuat-khau-672678.html