Bám bản, vận động học sinh trở lại lớp

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, không khí dạy học tại các trường vùng sâu, vùng xa diễn ra thật rộn ràng, vui tươi với các hoạt động giáo dục sinh động, cùng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui nhộn, bổ ích.

Hầu hết đội ngũ giáo viên nơi đây ai cũng nhận thức được rằng, một khi đã đảm nhận sứ mệnh “cõng chữ lên non” thì mỗi người cán bộ, giáo viên không chỉ có vai trò quyết định trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chấy lượng giáo dục, mà còn là nhân tố quan trọng cho công tác huy động HS đến trường, ngăn chặn HS bỏ học giữa chừng, nhằm thực hiện công tác phổ cập một cách bền vững.

Nỗ lực vận động HS ra lớp

Sau buổi gặp mặt chung của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đầu năm mới được tổ chức ngay tại điểm trường chính, các giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có mặt tại các điểm trường nơi mình phụ trách, đến từng nhà dân hỏi thăm tình hình sức khỏe HS, nhắc nhở HS về thời gian biểu học tập.

Theo thầy Trần Trực – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tr’hy, căn cứ vào điều kiện đặc thù cũng như đời sống của HS, mấy năm học trở lại đây nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm huy động trẻ ra lớp và đảm bảo sĩ số HS. Việc giáo viên trở lại trường sớm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán cũng như vào thời gian nghỉ hè là một trong những cách làm hiệu quả để vận động HS trở lại trường học, tránh tình trạng HS bỏ học giữa chừng theo quán tính.

Thầy Trực cho hay: “Biết rằng, việc trở lại trường sớm, giáo viên sẽ càng thiệt thòi nhưng vì nhiệm vụ chung nên ai ai cũng đồng tình thực hiện”.

Là giáo viên có thâm niên nhiều năm phụ trách các điểm trường thôn khó khăn nhất vùng biên giới Tây Giang trong nhiều năm học qua, thầy giáo Trần Văn Tiến chia sẻ: Sau kỳ nghỉ Tết ai cũng bộn bề công việc lo toan, tuy nhiên không vì thế mà bỏ bê chuyện dạy, ai cũng nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì HS. Hầu hết giáo viên trong trường đều nhận thức được nhiệm vụ của mình khi lên đây công tác. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên còn thường xuyên “băng rừng, lội suối” đến từng nhà để vận động các em đến trường, nhất quyết không để HS nghỉ học dài ngày rồi dẫn đến chểnh mảng việc học hành.

Hướng Linh là một xã vùng cao huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khá cao. Cuộc sống đối diện muôn vàn khó khăn, gian khổ, nên trước đây vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết, tỷ lệ HS nghỉ học còn diễn ra phổ biến, nhưng những năm học gần đây, với quyết tâm không để HS nghỉ học dẫn đến bỏ học, đội ngũ thầy cô giáo một lòng bám trường, bám lớp, vận động HS ra lớp. Bởi nói như lời tâm sự của thầy Nguyễn Đức Tuấn – Hiệu trưởng Trường TH Hướng Linh, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với thầy cô giáo nơi đây là nhìn thấy con em đồng bào dân tộc được đến lớp mỗi ngày theo học con chữ.

Thầy Tuấn chia sẻ: Nhờ những hi sinh của thầy cô mà chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng được nâng cao, số lượng HS phổ cập luôn đạt tỉ lệ 100%. Kết quả đó là công sức bền bỉ của bao thế hệ thầy cô đã từng qua công tác nơi đây, của những người thầy dám bỏ lại sau lưng những niềm vui riêng để gắn bó hàng chục năm với con em đồng bào dân tộc, với bản làng đang thiếu đói con chữ này.

Chính quyền, đoàn thể cùng vào cuộc

Cũng như ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) là nơi có tỷ lệ HS dân tộc thiểu số chiếm phần lớn. Hằng năm, sau kỳ nghỉ Tết, tình trạng HS nghỉ học kéo dài rồi dẫn đến bỏ học cũng là nỗi lo chung của nhà trường và chính quyền địa phương.

Theo thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học giữa chừng trong những năm qua, đặc biệt là vào thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là do thói quen, tập quán trong suy nghĩ còn hạn chế về việc học, cũng như sự thiếu quan tâm của người dân đến chuyện học của con em mình.

Tuy nhiên, trong năm học này, với sự quyết tâm ngăn chặn tình trạng này, ngành GD-ĐT địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ, huy động toàn thể lực lượng từ chính quyền đến các lực lượng xã hội chung tay vào cuộc.

Trong đó, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ này là đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực bám sát HS, gần gũi gia đình người dân thực hiện công tác tuyên truyền, vận động HS đến lớp, vừa đảm bảo sĩ số lớp học thường xuyên, vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác phổ cập bậc tiểu học một cách bền vững. Chính vì vậy, trong những năm học gần đây tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng không chỉ giảm hẳn mà chất lượng giáo dục HS dân tộc được nâng lên rõ rệt.

Thầy Thuận cho hay: Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, các trường học trên địa bàn đã bắt tay ngay vào hoạt động dạy học theo đúng chương trình. Ở các trường học tuy còn có HS chưa ra lớp, nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn so với các năm trước. Hiện nay, ngành GD-ĐT huyện, các trường học, đội ngũ giáo viên đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác vận động HS ra lớp

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bam-ban-van-dong-hoc-sinh-tro-lai-lop-3916669-b.html