Vì sao vua Gia Long chọn hoàng tử Đảm làm người kế vị?

'Nay tình thế bắt phải chọn, thì ta chọn Đảm... Đảm thông minh, quyết đoán, cương trực, sau này có thể là vị vua tốt', vua Gia Long nói.

“Trong triều, cái tin hoàng đế bệnh nặng đã được công khai loan báo với trăm quan văn võ trước điện Thái Hòa.

Thời trẻ, ngài xông pha nhiều, chịu nhiều gian khổ, nên lá gan chịu nhiều tà độc, mấy năm nay Thái y viện đã dâng nhiều thuốc quý nhưng căn bệnh vẫn không hết hẳn. Đến mùa đông năm nay, có lẽ do tâm trạng không vui, cơn đau lại xảy đến thường xuyên.

Chiều cuối năm, hoàng đế nằm lặng lẽ trên long sàng. Những ngọn nến cháy sáng trong bóng âm u của điện Càn Thành rộng lớn.

Sách Từ Dụ thái hậu.

Sách Từ Dụ thái hậu.

Tiếng vua vọng ra, vẫn mạnh mẽ dù không giấu được âm sắc khàn khàn của tuổi tác.

- Trẫm cho vời Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng, hai ông ấy đến chưa?

Thái giám Trung Tín vội tiến ra cửa, vẫy tay làm hiệu.

Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng tiến vào, quỳ gối.

- Hoàng thượng vạn tuế!

Giọng nhà vua vang lên:

- Đến đây.

Cả hai lại gần. Lê Văn Duyệt lên tiếng trước:

- Hoàng thượng! Đã lâu chúng thần mới có dịp diện kiến long nhan. Kính mong hoàng thượng kiện toàn long thể.

Đăng Hưng tiếp theo:

- Tâu hoàng thượng, thần mừng thấy người vẫn tráng kiện…

Đăng Hưng cố gắng nói nhưng chưa dứt lời đã nghẹn giọng, che mặt, khóc.

Vua Gia Long thấy vậy, ôn tồn:

- Đăng Hưng, ngươi không biết nói dối đâu. Đừng khóc, ta đã chết đâu? Hà hà, tráng kiện thì còn tráng kiện gì nữa, nhưng ta chưa chịu chết đâu, xem đây.

Vua chống tay nhỏm dậy, đi tới đi lui trên nền gạch. Ngài cố gắng đi đứng cho hùng dũng, nhưng thỉnh thoảng không khỏi chệnh choạng, lảo đảo.

Lê Văn Duyệt thấy vậy liền tâu:

- Xin hoàng thượng nghỉ ngơi. Chúng thần thấy rõ rồi, hoàng thượng vẫn còn vững vàng lắm.

Vua Gia Long ngồi xuống sập, thở mạnh. Trung Tín chạy vội lại đỡ vua nằm xuống.

Vua Gia Long lấy lại hơi thở, tiếp tục:

- Ta chưa chết đâu. Nhưng ta biết mình đang đi trên miệng hố sinh tử. Có những điều ta vẫn cho là chưa cần nghĩ tới, giờ đã đến lúc phải nghĩ tới rồi. Ta gọi hai khanh vào là vì vậy.

Lê Văn Duyệt khẽ liếc Phạm Đăng Hưng:

- Hoàng thượng cần sai bảo gì xin cứ nói, chúng thần dù phải chết cũng sẽ làm vừa ý thánh thượng.

Vua Gia Long hình như chỉ chờ câu nói đó, ngài ném lên Lê Văn Duyệt một cái nhìn sắc như gươm:

- Tốt lắm, Lê Văn Duyệt, ngươi hãy nhớ đừng quên lời hứa đó. Hãy nghe đây: Ta còn muốn sống thêm mười năm, hai mươi năm nữa để chờ một người thừa kế thật vừa ý, nhưng có lẽ thời gian của ta sắp hết rồi. Vì vậy, phải chọn một người. Trước khi nói tên người này ra, ta muốn nói cho hai khanh biết, ta đã thảo chiếu phong hai khanh làm đại thần cố mệnh, hãy nhận lời dặn dò của ta để phò vua mới lên ngôi.

Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng nhất loạt quỳ xuống, dập đầu:

- Chúng thần tạ ơn hoàng thượng tin cậy!

- Các khanh hãy đứng dậy, nghe ta nói tiếp, - vua Gia Long lấy hết sức nói thật to, rõ ràng từng tiếng một:

- Ta biết mình sẽ ra đi trong lúc triều đình đang chia thành hai nhóm, kẻ phò Đảm, người phò Đán. Đảm hay Đán đều là máu thịt của ta, truyền ngôi cho Đảm hay Đán đều có chỗ được và chưa được. Đán làm cho người ta yêu mà giúp, Đảm làm cho người ta nể sợ mà phục tùng. Đán mềm mại quá, Đảm thì cứng rắn quá. Đán cởi mở quá, Đảm kiên quyết quá.

Tranh vẽ vua Gia Long.

Vua dừng lại nghỉ một lúc rồi tiếp:

- Thuở ta còn khó khăn, Tây Sơn thì mạnh, ta thì yếu, đành phải dựa vào Tây dương để giành lại đất nước. Văn minh Tây dương nhiều điều không hợp với phong hóa nước ta. Nhưng họ mạnh hơn ta nhiều lắm, nếu ta không khéo sẽ không yên với họ được. Đán bây giờ cũng như Cảnh trước kia, thường quá thiên về Tây; Đảm thì ngược lại, quá khắt khe bài xích họ; hai cái đều có chỗ rất dở. Mình dễ quá thì họ tham mà lấn; mình khó quá thì họ lấy sức mà đè, đằng nào cũng thiệt cho mình. Bao năm nay ta vẫn giữ cách xử sự mềm dẻo, linh động với họ, khiến họ làm lợi cho ta mà không xâm phạm đến ta được. Sau này các khanh hiểu ý đó của ta mà giúp tân vương giữ gìn đất nước. Hãy thận trọng, chuyện này không phải dễ đâu.

Lê Văn Duyệt cúi đầu:

- Hoàng thượng thật sáng suốt. Những lời hoàng thượng vừa phán, cũng chính là tâm huyết của thần. Nhưng, tâu hoàng thượng, thế ai sẽ là tân vương?

Vua Gia Long khẽ nhếch cười, cái cười thoáng qua ấy như muốn giễu cợt Lê Văn Duyệt: “Ta biết mà, ông sốt ruột lắm đây!” Vẻ mặt ngài trở lại nghiêm nghị:

- Từ từ, từ từ rồi ta sẽ nói:

Nay tình thế bắt phải chọn, thì ta chọn Đảm, vì Đảm lớn hơn, vì vua càng trưởng thành thì đất nước càng vững mạnh. Đảm thông minh, quyết đoán, cương trực, sau này có thể là vị vua tốt. Hai khanh là đại thần cố mệnh, hãy cố hết lòng phò vua mới để khỏi phụ lòng ủy thác của ta.

Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng quỳ xuống, vẻ mặt vẫn còn hoang mang.

Vua run run chìa hai tay, nắm chặt lấy tay hai người.

Cử chỉ ấy của hoàng đế, trong giờ phút trọng đại này, làm Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng đều xúc động. Cả hai đổi nét mặt, rập đầu:

- Chúng thần xin tuân theo thánh ý!

Nhà vua nằm xuống, thở hổn hển, mồ hôi vã ra ướt trán.

Khi đã bước ra khỏi điện, Đăng Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng. “Đức ông là bậc đại công thần, uy danh tột bực, hoàng đế giao làm đại thần cố mệnh đã đành xứng đáng. Còn Hưng là văn thần, tài sức ít ỏi, trong tay chẳng có thế lực gì. Vậy mà sao hoàng thượng lại cho cái vinh dự cùng ngồi một chiếu với Đức ông?”

Tranh vẽ Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng).

Lê Văn Duyệt vỗ vai Đăng Hưng:

- Đăng Hưng, ai bảo ông không có thế lực? Ông không nắm kho tàng, tiền bạc, quân lính, nhưng sự cương trực ngay thẳng của ông chính là thế lực của ông. Ông thấy chưa, đến phút cuối hoàng thượng vẫn tính toán kỹ lắm! Ngài biết ta không ủng hộ Đảm, mà ta lại nắm binh lực lớn, lỡ ta trở lòng thì Đảm sẽ không ngồi được yên. Vì vậy ngài đặt chính ngay ta làm cố mệnh đại thần phò Đảm lên ngôi, đem sự tin cậy làm sợi dây để buộc ta, thế là ta hết đường cựa quậy. Đã vậy, ngài còn lo sợi dây ấy chưa đủ chặt, nên đặt thêm ông ngồi bên ta nữa. Với cái tính trung trực của ông, nếu ta có lòng khác, chắc chắn ông sẽ vung gươm lên ngay dù chúng ta có là tâm giao đi nữa… Ông đã thấy cái khéo của ngài chưa?

Đăng Hưng tỉnh ngộ:

- Hoàng thượng tính việc như thần, Hưng cảm thấy rất bái phục! Không biết vua mới sau này có theo kịp ngài được không!

Lê Văn Duyệt hạ giọng:

- Đường còn dài, chưa thể nói trước được ông ạ! Đảm rất thông minh, cương quyết, có mọi tính tốt của cha, chỉ khác một điều là Đảm không biết cười. Một khi ông chủ không biết cười, thì không khí trong nhà sẽ căng thẳng lắm đó.

Đăng Hưng gật gù, thầm phục sự sắc sảo của Lê Văn Duyệt.

Ông thầm nghĩ, tiếc thật, nụ cười là cái ân sủng lớn nhất mà ông Trời ban cho loài người, để tồn tại qua bao nhiêu biến cố tàn khốc của lịch sử.

Tết năm ấy, nhà vua không khỏe nên thoạt đầu Nhị phi ra lệnh không treo đèn kết hoa và bỏ hết các trò vui. Sau các quan bên Khâm Thiên giám dâng lời, cho là nên tổ chức nghênh xuân linh đình để lấy cái dương khí của tri đất mà đẩy lùi vận hạn, hòng mong sức khỏe của nhà vua nhờ đó mà vượng lên. Quả nhiên, bệnh vua có thuyên giảm, mồng ba Tết đã vịn vai Trung Tín bước ra trước thềm xem các hoàng tử, hoàng tôn chơi đầu hồ trước sân Nhật Nguyệt.

Nhưng sau Tết nhà vua lại ho nhiều, trán nóng chân lạnh. Đến cuối tháng Giêng thì ngài băng hà, năm ấy được năm mươi tám tuổi. Trước khi nhắm mắt, Gia Long hoàng đế cầm tay hoàng tử Đảm, chỉ trối trăn một lời:

- Con hãy nhớ, ngày sau đừng gây hấn ngoài biên.

Trích sách "Từ Dụ thái hậu"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-vua-gia-long-chon-hoang-tu-dam-lam-nguoi-ke-vi-post955505.html