Vì sao vụ thử hạt nhân Triều Tiên gây dư chấn sau nhiều tháng?

Hơn 3 tháng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6, dư chấn tiếp diễn ở bãi thử Punggye-ri làm dấy lên lo ngại về biến động địa chất ở vùng núi tây bắc của Triều Tiên.

Vụ thử hạt nhân hồi tháng 9 của Triều Tiên không chỉ gây ra cú sốc ngoại giao mà còn dẫn tới trận động đất mạnh 6,3 độ. Các cơn dư chấn vẫn tiếp diễn kể từ đó đến nay.

Hôm 9/12, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết họ đã phát hiện thêm 2 cơn dư chấn. Thông tin này làm dấy lên cuộc tranh luận về hoạt động địa chất ở khu vực bãi thử.

"Biến cố" sau vụ nổ lớn

Ngày 3/9, Triều Tiên thử nghiệm quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay tại bãi thử Punggye-ri ở vùng núi phía tây bắc. Bình Nhưỡng tuyên bố đây là một quả bom hydro, loại bom mạnh hơn nhiều lần so với bom nguyên tử.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại một vụ nổ lớn như vậy có thể khiến các ngọn núi xung quanh mất ổn định. Theo USGS, những biến động cuối tuần qua là “các biến cố co giãn” với các trận động đất đo được ở cường độ 2,9 và 2,4.

“Khi có một cuộc thử nghiệm hạt nhân lớn, lớp vỏ Trái Đất xung quanh khu vực sẽ bị dịch chuyển và phải mất một thời gian để nó lắng dịu hoàn toàn. Chúng tôi đã nhận thấy một số dư chấn từ vụ thử hạt nhân lần 6”, một quan chức nói với Reuters.

Vị trí bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Đồ họa: RT.

"Sự chuyển động của lớp vỏ trái đất" rất gần với định nghĩa của một trận động đất. Các nhà khoa học cho biết điều này có thể xảy ra vài tuần hoặc vài tháng sau khi một vụ nổ cường độ lớn xảy ra.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Jascha Polet, nhà địa chấn học và giáo sư địa vật lý tại Đại học Bách khoa Bang California, cho biết các cơn dư chấn xảy ra sau vụ thử hạt nhân cường độ 6,3 “không phải là điều đáng ngạc nhiên”.

Sau bất kỳ trận rung lắc nào mạnh như vậy, các cơn dư chấn với cường độ suy giảm là điều phổ biến khi các khối đá di chuyển xung quanh và giải phóng áp lực.

Theo Tiến sĩ Polet, khu vực xung quanh nơi xảy ra chấn động sẽ trải qua sự biến dạng và tạo ra các vùng áp lực suy giảm hoặc gia tăng. Điều này góp phần ảnh hưởng tới việc phân bố các cơn dư chấn.

“Kể cả trong trường hợp nguồn gốc gây ra động đất là một vụ nổ thì cách năng lượng phân bố lại cũng không thay đổi gì”, nhà nghiên cứu địa vật lý và thiên tai Mika McKinnon nói với BBC.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về vụ nổ hạt nhân tương tự như vụ thử hạt nhân Triều Tiên tại Bãi thử Nevada ở Mỹ, nơi hàng chục cuộc thử nghiệm hạt nhân từng được tiến hành, lại cho thấy các cơn dư chấn với số lượng và cường độ thấp hơn. Vì vậy, phản ứng của từng địa điểm là không giống nhau.

Ảnh hưởng tới núi thiêng Paektu

Sau cuộc thử nghiệm hồi tháng 9, một số người suy đoán rằng hệ thống đường hầm mà Triều Tiên đào bên trong các ngọn núi ở nơi thử hạt nhân sẽ bị ảnh hưởng.

“Càng nhiều năng lượng được đưa vào khu vực thì nó càng bất ổn. Càng nhiều cuộc thử nghiệm diễn ra thì càng có nhiều năng lượng, áp lực được phân bố lại trong khi các khối đá bị phá vỡ”, Mika McKinnon giải thích.

Theo McKinnon, có một số dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của các đường hầm đơn lẻ. “Các tín hiệu địa chấn thường chỉ giống như đá rơi. Nhưng chúng sẽ xảy ra ngày càng nhiều”, bà nói.

Tuy nhiên, không có cách gì để biết được khi nào toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ vì đây là vấn đề thuộc về kỹ thuật hơn là khoa học. Không rõ liệu quá trình này có phá hủy địa điểm thử nghiệm hiện tại hay không nhưng Triều Tiên đã gợi ý rằng vụ thử hạt nhân tiếp theo có thể sẽ được tiến hành trên mặt đất.

Gần khu vực thử nghiệm Punggye-ri là núi lửa hoạt động Paektu, ngọn núi được người Triều Tiên coi là thiêng liêng.

“Các sóng địa chấn đang va vào núi lửa và chạm vào dòng magma dưới núi lửa. Tuy nhiên, năng lượng địa chấn này có thể không đủ mạnh để gây ra một vụ phun trào”, McKinnon lý giải.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tươi cười sau khi leo lên Núi Paektu, tỉnh Ryanggang của Triều Tiên. Ảnh do chính phủ Triều Tiên công bố ngày 9/12. Ảnh: AP.

Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa là vào năm 1903 nhưng cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất đã gây ra lo ngại các trận rung lắc có thể kích hoạt một vụ phun trào khác. Các chuyên gia vẫn tranh luận về điểm này vì có rất ít dữ liệu để đưa ra kết luận.

Một nghiên cứu được công bố trên Nature năm ngoái đã dự đoán rằng các sóng địa chấn của một cuộc thử nghiệm hạt nhân giả thiết ở cường độ 7,0 sẽ tạo ra “những thay đổi về áp lực” không đáng kể.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Polet chỉ ra rằng quá trình này có thể kích hoạt núi lửa phun trào hay không vẫn là điều ít biết. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa các vụ nổ ở Nevada với hoạt động của các khu vực núi lửa gần đó như Núi Timber và Long Valley Caldera.

Ngoài ra, cũng không có hoạt động nào được ghi nhận là kết quả của các cuộc thử nghiệm hạt nhân được tiến hành gần chuỗi đảo núi lửa hoạt động Aleutian.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như vẫn tin tưởng vào ngọn núi thánh này. Các kênh truyền thông chính thống của Triều Tiên đưa tin ông Kim và một số quan chức cao cấp đã leo lên ngọn núi vào ngày 9/12 để “làm nổi bật tầm nhìn quân sự của mình".

VIDEO: Người Triều Tiên vui mừng sau vụ thử bom H

Khi biết thông tin về vụ thử bom H ngày 3/9, người dân Triều Tiên tỏ ra phấn khởi và tự hào trước công nghệ hạt nhân mà đất nước họ phát triển trong nhiều năm qua.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-vu-thu-hat-nhan-trieu-tien-gay-du-chan-sau-nhieu-thang-post803597.html